Về Quê Có Chi Vui?

Thích Nguyên Hiệp

Tết năm nay tôi về quê. Quảng Trị tháng chạp run rẩy, co ro trong mưa rét, hết ngày này sang ngày khác. Trời đất sũng nước, làm tăng thêm cái sự nghèo khó của một vùng đất yên vị nơi đoạn thắt lưng của cái hình cong chữ S! Hướng Hoá, quê nhà của tôi, trời ít mưa ít lạnh hơn, do vì ảnh hưởng khí hậu Lào. Quốc lộ 9, nối từ Đông Hà lên Lao Bảo, một cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh, mà phần lớn mang hàng về nhiều hơn hàng đi, cuối năm hơi bận rộn, góp phần làm cho vùng đất miền núi thêm chút sôi động vào những ngày cuối năm!

Vùng đất này từng là chiến địa, một chiến địa khóc liệt, tôi nghe ba tôi nói vậy. Tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn, không biết nhiều về nó mà chỉ nghe người lớn kể lại và qua một vài trang sách mà tình cờ đọc được đâu đó. Nhưng cái di chứng của cuộc chiến thì tôi phần nào biết rõ, bởi cái “trận địa” này đã trở thành quê hương của tôi, khi gia đình của tôi “nhập” vào một đoàn di dân đến những vùng “biên địa” với tên gọi Vùng kinh tế mới. Sau những năm vào và ra hợp tác xã, sau những năm bị sốt rét hành hạ, sau những năm… ăn củ mì thay cơm, cuộc sống rồi cũng có những thay đổi, và người dân bắt đầu nghĩ đến việc lập chùa để đáp ứng nhu cầu tâm linh, mà bao nhiêu năm vì nhiều lý do, người dân đã không nghĩ đến (và cũng có thể không dám nghĩ đến).

Dựng chùa là một việc làm thiện, một điều thiêng, nhưng có những thời điểm không phải hễ làm điều thiện điều lành thì “người ta” cho phép làm. Bởi vì ở một thời điểm, khi mà đình chùa miếu máo bị biến thành nhà kho hay cơ sở chăn nuôi thì không dễ gì người ta cho xây mới những thứ đó. Nhưng vì phát xuất từ nguyện vọng chính đáng, nên rồi người ta cũng không thể gây khó dễ và ngăn chặn hoài được. Và vì vậy, những ngôi Niệm Phật đường bắt đầu lần lượt mọc lên, trên những vùng đất kinh tế mới. Và khi chùa mọc lên, người dân bắt đầu đến chùa sinh hoạt, và có những hoạt động văn hoá vào những ngày lễ, thì những tôn giáo khác cũng bắt đầu vận động thiết lập cơ sở và mở chiến lược truyền đạo, vừa âm thầm vừa công khai!

Chúng tôi hồi nhỏ, thường sinh hoạt GĐPT tại tư gia của một bác Phật tử, vì thời điểm đó ở địa phương không có chùa. Rời quê một vài nằm, trở về thì thấy có một ngôi Niệm Phật đường nhỏ, mọc lên trên một miếng đất vài trăm mét vuông do một Phật tử cắt ra từ mảnh vườn của mình để cúng dường. Miền núi mà vẫn không xin được đất xây chùa! Vài ba năm về quê một lần, niệm Phật đường vẫn là một Niệm Phật đường nhỏ, và ngót nghét gần hai mươi năm, nó vẫn chưa hoàn thiện được hình hài của mình…

Cuối năm ngồi cùng các bác các chú trong Khuôn hội, nghe kể chuyện xa chuyện gần, chuyện trong chuyện ngoài, sao nghe quá nhiều nỗi niềm, nhiều trăn trở, và đôi khi có cả bức xúc. Các bác các chú so bì với các tôn giáo khác. Các đạo thờ Chúa, tín đồ không bằng một phần ba Phật giáo, vậy mà những nhà thờ của họ, cái nào cũng gần cả chục tỉ bạc, đất đai gần cả mẫu, lại nằm chình ình gần quốc lộ. Những Niệm Phật đường thì thọt lõm vào trong, cái nào chả ra cái nào, nhiều khi đi ngang cũng chỉ tưởng nó là một ngôi nhà dân. Tín đồ Phật giáo và tín đồ của những tôn giáo khác, mặt bằng kinh tế đều như nhau, nhưng sao họ xây dựng cơ sở được như vậy còn mình thì không?!
Tôi ngồi nghe mà không biết nói gì. Nhiều lần đi qua những nơi, phần lớn là thành thị, thấy những ngôi chùa to lớn, đôi khi có cả sang trọng và tiện nghi, chẳng hề có ao ước gì, bởi không háo hức lắm với chuyện “Chùa to Phật lớn”. Các Phật tử ở quê họ không mong muốn chùa to Phật lớn, bởi họ biết có to có lớn cũng chẳng có người coi ngó, không khéo lại trở thành vật chưng bày và chỉ để cho bụi bám, nhưng họ cần một ngôi niệm Phật đường tương đối để đáp ứng những nhu cầu cần thiết của họ. Nhưng biết làm sao khi cơ chế của Phật giáo không giống những tôn giáo khác. Khi việc phát triển Phật giáo (nếu có) hầu hết đều mang tính cá nhân và tự phát, mạnh ai nấy làm. Vì vậy tốt hơn không nên so bì chùa nơi này với chùa nơi kia, bởi ngôi chùa nào cũng có cái “nghiệp” của riêng nó. Chùa phố phải khác chùa quê, chùa trung ương phải khác chùa địa phương, chùa của lãnh đạo phải khác chùa của thường dân; và như vậy phận chùa luôn gắn với phận người, và chức năng của mỗi ngôi chùa cũng khác đi! Nhưng ở đây không phải là vấn đề lớn hay nhỏ, mà là chuyện thiếu quan tâm hạ tầng cơ sở từ phía trung ương, chuyện phân phối không hợp lý các nguồn cho những nhóm nhỏ trong một cộng đồng lớn, và còn là sự phát triển bất cân xứng và rõ ràng không lấy gì làm bền vững của một tổ chức.

Các tôn giáo khác ở vùng này họ lấy nguồn đâu để xây dựng cơ sở, và lấy nguồn đâu để thực hiện công tác truyện đạo của họ mà luôn được kết hợp với công tác từ thiện, một cách thức truyền bá rất hiệu quả của họ, mà với khoảng thời gian 20 năm, các người truyền đạo đã “Tin Lành hoá” hầu hết các bản trong vùng, và một số gia đình người kinh nghèo cũng đã bắt đầu đi theo? Nghe nói, “người ta” cũng có lo ngại về việc đó, nên xa gần nhỏ to bảo các bác trong Khuôn hội “quan tâm” giúp các bản quanh vùng. “Quan tâm” thì dễ thôi, các bác bảo, nhưng lấy gì để đi quan tâm, thời gian đâu để quan tâm và quan tâm như thế nào mới là chuyện khó. Có thể nhịn đói mà đem tam quy ngũ giới, đem luân hồi nghiệp báo vô thường vô ngã mà đi nói với người Thượng được chăng?! Không có ăn có mặc thì sức đâu mà nghe thuyết giảng đạo lý!

Trong lịch sử, ở Việt Nam cũng như ở Hàn Quốc, và có thể một vài nước khác nữa, mỗi khi Phật giáo bi đẩy lùi bởi một hệ tư tưởng khác, bị thất sủng ở “thượng tầng”, thì nó thường rút về miền quê để lánh nạn; và có những lúc Phật giáo bị ruồng bỏ cả hàng trăm năm, nhưng vẫn không ai có thể huỷ diệt được nó. Nó tiềm tàng vào trong đời sống dân chúng, mà chủ yếu là đời sống dân quê, và khi có điều kiện thì xuất hiện và phát triển trở lại. Hàn Quốc từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20, khi tư tưởng Nho giáo nắm quyền thống trị, Phật giáo bị đẩy lùi, tăng sĩ không được phép vào kinh đô, lễ hội không được tổ chức, chùa chiền bị đập bỏ hoặc bị đống cửa, vậy mà không ai diệt được Phật giáo. Đầu thế kỷ 20 khi hoàn cảnh thay đổi, nó đã phát triển trở lại. Ấy vậy nhưng giữa thế kỷ 20, chẳng có ai đàn áp cả mà người ta lại bỏ Phật giáo. Như vậy xuất hình lộ diện ở thành thị chưa được bao lâu Phật giáo lại phải rút về miền quê, và cũng may nhờ có miền quê mà hiện nay Hàn Quốc còn có vài chục phần trăm dân số là Phật tử. Nhưng mà nếu không tính trước thì làng quê không sớm cũng muộn, sẽ không còn là “địa bàn” hoạt động của Phật giáo nữa. Và không chừng sau này khi bị đẩy lùi, lại không biết lùi về đâu…

Ngày chủ nhật, tôi rũ đứa em vào các bản quanh vùng chơi, xem các bản bây giờ có gì mới, có gì thay đổi. Cái nghèo không thay đổi, tối tăm vẫn tối tăm, nhưng niềm tin thì thay đổi. Giàng của họ đã được biến thành Chúa trời. Buổi sáng tiếng cầu kinh từ nhà vị trưởng làng phát ra râm ran. Họ đã biết dùng lịch Tây, và biết nghỉ lên rẫy lên nương sáng chủ nhật. Đứa em thấy tôi đi khắp bản, hỏi rằng tôi có dự định gì mà quan sát kỷ dữ vậy. Dự định gì nhỉ? Mọi việc người ta đã làm xong hết rồi! Đầy đủ ban ngành, với đủ nhân sự lừng lẫy chức vị vẫn không làm được gì, một kẻ vô tài như tôi thì làm được gì ngoài mấy dòng cảm nhận có phần ta thán này? Biết làm sao! Các làng quê (lẫn làng bản) bây giờ đâu phải chỉ dành riêng cho một tôn giáo nào. Tôn giáo nào hành hoạt tốt thì thành công trong công việc của họ ở đó. Ai không nhanh nhẹn thì tất phải đến trể, không trí tuệ thì bị thua cuộc. Tất yếu phải vậy. Mà đâu riêng gì vùng đất này, nhiều những vùng nông thôn hiện nay, nơi mà Phật giáo đã có mặt từ lâu, thì Phật giáo dù có hành hoạt thì vẫn trong tình trạng “cầm chừng”. Còn những nơi chưa có bóng dáng Phật giáo, thì hầu như chỉ giao khoán cho những tôn giáo khác. Các nhóm (không dám dùng từ tổ chức) Phật giáo hiện nay chỉ lo Phát triển ở thành thị (thực ra không phát triển được gì), chỉ lo những “đại sự”, mà thiếu đi sự quan tâm về các vùng quê…

Tôi trở về chùa PHTH, tiện thể ghé sang một ngôi chùa bên kia sông TH. Chùa vừa mới được xây xong, đẹp đẽ và khang trang. Thượng toạ Trụ trì sau khi hỏi thăm, khuyên bảo rằng các thấy các chú trẻ cần phải nên phát bồ đề tâm, cần phải dõng mãnh tinh tấn và phải mang hoài bảo hoằng pháp trong tâm. Tôi cảm thấy hỗ thẹn, bởi thấy mình kém cõi và không có được một phẩm tính nào trong những điều mà Thượng toạ khuyên.

Quý thầy mình thường (hoặc thích) nói đến hai từ hoằng pháp, và việc gì cũng gắn với hai chữ hoằng pháp được, bởi nó nghe trang trọng, thiêng liêng và hay ho. Nhiều lớp học được mở ra để đào tạo nên những người làm công tác “hoằng pháp”, nhiều phái đoàn được cử đi để thực thi sứ vụ hoằng pháp, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để bàn về việc hoằng pháp…, nhưng hiệu quả tới đâu sau những lớp, khoá và chuyến hoằng pháp ấy thì ai cũng biết rõ. TW đi hoằng pháp nếu có về các tỉnh thì điểm dừng chủ yếu là các thành thị, Tỉnh có đi hoằng pháp thì cũng chỉ dừng lại ở Huyện, còn dưới nữa, thì bỏ mặc. Các chùa, Niệm Phật đường, có thầy/cô trụ trì hay không, được chỉ đạo và có nhận được sự trợ giúp ở trên hay không, thì tự mà “hoằng pháp” lấy. Các cuộc đi hoằng pháp, phần lớn giống như đi hành hương, kéo cả đoàn vừa đời vừa đạo đông đảo, băng rôn cờ dong trống đánh rinh rang, chủ yếu khoách trương hình ảnh (hoặc điều chỉnh hình ảnh), về vùng sâu vùng xa để mà làm gì!

Tôi gặp lại thầy bạn, thầy hỏi tôi về quê có chi vui. Tôi nói có nhiều niềm vui lắm: rằng quê tôi bây giờ xã nào cũng đã có niệm Phật đường, và dù hầu hết đều do cư sĩ tại gia quản lý nhưng vẫn sinh hoạt đều đặn; rằng chùa ở thị trấn cũng đã có một đạo tràng Niệm Phật mỗi nữa tháng, một lần được hơn trăm người, do một thầy và một sư cô ở TTH phát tâm ra hướng dẫn, dù đạo tràng hầu hết đều người lớn tuổi, đều là những Phật tử thuần thành, những người mà dù có bị đánh cũng không bỏ đạo! Niềm vui chỉ có chừng ấy, không gì nhiều, nhưng được hỏi cũng liều phạm giới thứ tư mà bảo rằng rất nhiều niềm vui, cũng bắt chước người ta mà tán nhăng tán cuội để cho vừa lòng kẻ trên người dưới. Bởi kể ra những điều như trên, không chừng lại bị rầy la là tại sao không chịu làm mà cứ trách móc, chụp thêm cho cái mủ này kia nữa thì càng khốn…

Về quê có chi vui? Có những câu hỏi đôi khi được đưa ra hết sức bình thường và vô tư, nhưng tự dưng khiến người khác phải nghĩ ngợi!