Dắt Chó Đi Dạo

Nguyên Hiệp

Không biết loại người đã nuôi chó từ khi nào, và cũng không biết người ta đã biến chó thành loại vật cưng từ khi nào? Chịu! Chỉ biết rằng, trong các thú nuôi ở nhà, thì chó là một trong những loại được xếp đầu bảng (có ngoại lệ), bởi nó khôn, trung thành, biết bảo vệ chủ lẫn giữ nhà, và còn tham gia vào những công việc của loài người như săn bắn, điều tra tội phạm, dẫn dắt người mù đi đường, và vân vân…

Chó khôn và thiết thân với đời sống con người như vậy nên không ít người đã coi trọng nó, thậm chí thương yêu nó hơn cả con người, ngay cả người thân của mình. Người ta còn viết điếu văn cho chó, để di chúc lại cho chó trước khi qua đời, viết sách ca ngợi chó. v.v.. Ở Mỹ, có bà triệu phú, trước khi qua đời đã di chúc lại cho con chó cưng của mình hàng triệu đô la, nhưng không để lại cho hai đứa cháu một xu nào! Thế nhưng khi toà phán quyết, đã dành cho hai đứa cháu phần lớn số tiền ấy và chỉ để cho chú chó hai triệu đô la thôi. Tất nhiên là chú ta không có phản ứng gì, vì dù có khôn tới đâu thì chú ta vẫn là chó, vẫn không thể cãi lời toà và không thể xen vào lấn chỗ con người được!

Nhưng không hiểu sao chó thông minh, trung thành và thiết thân với con người như vậy, người ta lại thường dùng nó làm “vật” để mắng nhiếc nhau về những điều liên quan đến sự ngu đần và xấu xa? Người Trung Hoa có những câu ví von liên quan đến chó như “cẩu hạnh”, “cẩu hợp” “cẩu mã chi trung”, thậm chí “khuyển nho”, mà tất cả những cụm từ đó nhằm nói đến những tính cách xấu xa, mất nết, ngu đần của con người. Ở Việt Nam thì thường nghe nói “ngu như chó”, tuy có rất nhiều con thú ngu hơn chó rất nhiều lại không được ví. Người Tây phương thì hình như không dùng chó làm những câu “ví von” để mắng nhiếc lẫn nhau! Ngược lại, họ còn dùng tên của người thân đặt tên cho chó. Người ta còn thành lập hội bảo vệ “quyền của chó”, rồi thi chó đẹp chó xấu, thi đua chó; nói chung có rất nhiều hoạt động liên quan đến chó. Nhưng không phải như vậy thì chó ở Tây phương không bị bỏ rơi đâu nhé. Bởi khi người ta thành lập hội bảo vệ “cẩu quyền” thì chứng tỏ chó ở đó cũng có một số bị “ngược đãi”.

Xét ra thì phận chó cũng như phận người, tức cũng bị phân cấp, bị phân biệt đối xử. Có chó hạng sang có chó hạng hèn, có chó được coi trọng hơn cả con người, có thuê người chăm sóc, cho ăn, tắm táp và dắt đi dạo, nhưng có chó bị đối xử tệ, trở thành kẻ “homeless”. Riêng về khoản chó có bị phân biệt giới tính như người hay không thì tôi không biết!

Nhiều buổi chiều, ngồi ở ban công nhìn xuống đường, thấy người ta dẫn chó đi dạo - dạo phố, dạo công viên - để cho chó “thư giản”, để cho chó tiểu tiện, thấy đời của những chú ấy cũng xứng một kiếp “làm chó”. Những chú chó được nuôi và nhốt kỷ trong nhà, ngày được ra ngoài một lần để nhìn “thiên hạ”, thì khoái chí lắm. Các chú nhìn đồng loại của mình, cả những kẻ có chủ và vô chủ, thỉnh thoảng sủa nhắng lên, không biết vì vui thích hay là để chứng tỏ sự hiện hữu của mình?

Riêng chủ nhân, nhiều người nuôi các chú không hẳn chỉ vì yêu thích chó không thôi, mà còn có điều gì đó khác hơn, có thể là sự học đòi, chứng minh đẳng cấp, và kể cả để… cho bớt cô đơn. Nhưng dù được nuôi với mục đích nào trong số những lý do đó, thì được “lọt” vào nhà của những chủ nhân ấy thì cũng may mắn cho một kiếp làm chó rồi, hơn là sinh ra đời phải lang thang vất vưởng đầu đường xó chợ, kiếm thức ăn thừa và đồ bố thí, có được sự tự do đi lại, nhưng trông cũng tủi nhục lắm. Tuy thế, các chú chó “homeless” cũng có thể nghĩ, vậy những kẻ được chăm sóc kỷ trong nhà kia lẽ nào không nhục? Bị nhốt suốt ngày trong nhà, ngay khi được ra ngoài chốc lát cũng bị trói cổ, thì dù có được tưng tiu, đời chó xem xa cũng mất tự do quá!

Ở Ấn Độ, chó xem ra đang đối mặt với nạn “cẩu mãn”. Tôi đọc được điều này trên một tờ báo. Người ta nói chó ở Ấn bị “bỏ rơi” nhiều quá. Người lắm kẻ còn bị bỏ rơi nữa là chó! Ở Việt Nam thì không bao giờ có tình trạng này, chó nhốt kỷ còn bị bắt trộm giết thịt thì làm gì có chó đi rong. Ở Ấn Độ thấy thịt chó người ta đã sợ thì làm gì có chuyện trộm chó giết thịt. Ăn trộm đã là xấu, vừa ăn trộm vừa sát hại một giống vật khôn ngoan và trung thành thì đáng ghê sợ hơn! Nhưng ở Việt Nam bây giờ người ta “bắt cóc” chó không còn chỉ để giết thịt, mà còn để tống tiền các khổ chủ nữa. Chó như vậy cũng trở thành đối tượng để tống tiền. Như vậy sau con người, thì chó là loài được xếp kế tiếp về giá trị sống! Vậy mà nó vẫn bị giết thịt và vẫn bị nói “ngu như chó”. Thật tội nghiệp phận chó làm sao!

Delhi August 2008