Mưa Qua Tháng Bảy


Nguyên Hiệp

Tháng bảy, Pune mưa nhiều, đôi phần giống với miền Trung Việt Nam vào độ tháng 9 tháng 10. Thời tiết mát mẻ và cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi trở lại sau một mùa hè khi nhiều loại cây đã trút sạch lá.

Ở Việt Nam, thường thì cây cối trút lá vào mùa thu, mùa đông. Còn ở đây mùa thu là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, hẳn nhiên không phải với mọi loài cây, cũng như ở Việt Nam không phải loài cây nào cũng trút là vào mùa thu, mùa đông.

Hôm từ Mumbai chuyển sang Pune, thấy khu rừng ở trường đại học Pune nhiều loài cây trút sạch lá, phơi cành trơ trọi như những cây khô, cứ ngỡ cây cối không chịu đựng nỗi nắng nống nên đã khô chết. Sau mới biết không phải vậy, chúng chỉ trút lá vào đúng mùa, để rồi khi mùa thu đến, mưa xuống, nó vụt đâm chồi nảy lọc và xanh lá rất nhanh. Chỉ nửa tháng thôi, hôm sang lại bên ấy, cả khu rừng xanh ngan ngát với một sinh lực sống mạnh mẽ. Đúng là “lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”, mà là bởi mùa hè. Khung cảnh mùa thu với ao bèo lạnh lẻo, khung trời xanh ngắt, thuyền câu tí teo… trong những bài thờ về mùa thu của Nguyễn Khuyến sẽ chẳng bao giờ tìm thấy ở đây vào mùa này, mà cũng không luôn vào những mùa khác. Nhưng ở Việt Nam những điều ấy bây giờ cũng không biết tìm ở nơi nào! Xưa rồi diễm ơi!

Tháng bảy, mưa, không liên miên nhưng vẫn nhiều hơn tạnh, khiến cho người lười đi ra ngoài lại càng lười hơn. Mà đi ra ngoài cũng đâu biết làm gì. Ăn chơi thì không được rồi. Còn những sinh hoạt của người Ấn thì đã quá quen thuộc, ở Pune cũng không khác gì mấy ở Delhi, chẳng biết xem gì. Ở Pune được cái sạch hơn Delhi, bởi không có bò đi rông, và người dân ở đây cũng ít xả rác bừa bãi.

Ở Pune nghe nói có đến mấy chục ngàn Phật tử, hôm trước ghé cửa hàng tạp hoá mua ít đồ nghe ông chủ quán ở đó nói vậy. Thông tin chính xác hay không thì tôi chịu. Tìm trên internet không thấy, tìm sách lại càng không. Thôi cứ tạm thời chấp nhận con số chung chung mấy chúc ngàn. Mấy chục ngàn nơi một thành phố như thế này ở Ấn Độ coi như đã là đông. Nhưng sao tôi không thấy ngôi chùa Phật giáo nào cả, ngoại trừ ngôi chùa ở trong khu rừng của đại học Pune. Mà đền thờ của Ấn Độ giáo cũng không nhiều như ở Delhi; đền thờ Hồi giáo càng ít, dù ở đây khá đông người Ấn theo đạo Hồi, đó là chưa kể đến sự hiện diện của 2000 người Iran ở đây mà hầu hết đều là tín đồ Hồi giáo.

Tôi biết đến con số 2000 người Iran ở đây là do nghe hai cậu bé Iran nói lại. Hai câu bé đang học lớp 9, 13 tuổi. Mười ba tuổi nhưng dáng người cao to, rất nhanh nhẹn, dạn dĩ và tự tin khi tiếp xúc với người khác. 13 tuổi những cũng biết phê bình cuộc bầu cử vừa rồi ở Iran là gian lận, và tỏ thái độ không ủng hộ tổng thống vừa được bầu. Đâu như ở Việt Nam, sinh viên nhiều người không biết tổng bí thư hay thủ tướng của đất nước mình là ai! Mà họ không biết cũng đúng thôi, bởi họ đâu có quyền bầu người lãnh đạo của mình. Thiệt chán! Hai cậu bé này vẫn còn mang quốc tịch Iran, chỉ theo học phổ thông tại một ngôi trường dành cho người Iran tại Pune, và sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ lại quay về nước.

Tháng bảy, nhìn qua cửa sổ, mưa giăng mắc trên phố thị, rơi trên những phận đời phận người. Những người thợ hồ và những lao công vẫn đội mưa làm việc. Họ làm chậm rãi, nhẫn nại, không cần biết đến trời nắng hay mưa. Những phụ nữ lao công, có lẽ là vợ là con của những người thợ hồ, thỉnh thoảng còn tranh cải rôm rả, không biết về chuyện gì, do tôi không hiểu ngôn ngữ của họ. Làm việc cực khổ, nhưng nghèo vẫn cứ nghèo vì tiền công không cao, và chắc họ không giỏi lắm trong việc tính toán chi tiêu và lo chuyện tương lai cho con cái. Nhìn mấy đứa bé đi theo họ, khó hy vọng được những cô/cậu bé kia rồi sẽ khá hơn ba mẹ của chúng. Con người xét ra chỉ bình đẳng trong “nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ”, trong những khổ đau của “sanh, lão, bệnh, tử”, còn khó bình đẳng được trong những cơ hội về giáo dục, nghề nghiệp, kinh tế… Những cô/cậu bé này để mà trở thành được một ông/bà bác sĩ, thầy/cô giáo, hay đơn giản chỉ là một chủ cửa hàng nhỏ, là điều quá xa vời!

Tháng bảy, buổi chiều trời ít mưa, và thường là thời điểm tôi đi mua rau mua gạo. Làm khách trọ ở xứ này nhiều khi cũng vui đáo để! Không quen ăn thức ăn của Ấn thì phải tự mua đồ về nấu. Mà nấu ăn cũng là một cách tiếc kiệm đó chớ. Ghé mấy tiệm ăn bán Indian-Chinese food, những nơi thức ăn được xem là ít có “hương vị” Ấn Độ nhất, ăn dĩa cơm chay chiên giá 65 rupees, bằng mình nấu ăn cả ngày. Thỉnh thoảng cũng gặp các sư Miến Điện đi chợ, gặp tôi các sư hỏi, “where are you from”. Tôi đáp, “I am from Việt Nam”. Các sư cười, và có thể nghĩ, “đến từ một nước không có gì đặc biệt, ngon lắm bằng nước mình!”.

Tháng bảy, mưa, tôi xuống chỗ chủ nhà lấy nước (nhà này có “khuyến mãi” thêm nước uống. Hì!). Ông hỏi tôi có phải người Nepal không. Không biết tôi có chỗ nào giống người Nepal mà ông hỏi vậy. Thiệt tình! Trong khi hôm chuyển đến tôi đã nói với ông tôi là người Việt Nam, và trong những giấy tờ tôi gửi ông có ghi rõ quốc tịch là Việt Nam. Chắc ông đã không coi mấy tờ giấy kia. Vậy là tôi phải trả lời lại lần nữa tôi là người Việt Nam. Khổ nỗi ông không biết Việt Nam, hỏi Việt Nam ở đâu, thuộc châu nào. Ối giời! Nói Nhật Bản hay Trung Quốc thì chắc ông biết cái rụp!

Tháng bảy, buổi sáng thường mưa lất phất. Lũ quạ dậy sớm và kêu inh ỏi, khá vui tai. Ở Việt Nam, thành phố nào đó mà có nhiều quạ kêu thế này chắc Vietkings phải tìm đến để xác lập kỷ lục: nơi có nhiều quạ kêu nhất! Mà dân thị thành Việt Nam nếu nghe tiếng qụa kêu trong thành phố hẳn phải sợ lắm, cho là điềm không lành. Nên giả sử có vấn đề Vietkings trao chiếc cúp cho thành phố có nhiều quạ kêu nhất, chắc là không ai dám đi nhận chiếc cúp ấy…

Tháng bảy, mưa, và tôi sẽ không nói “giá trời đừng mưa”…!

Pune 2009