Cách Cho Hơn Của Cho

Nguyễn Mai Sơn

Đọc “Một thời mù chữ” của ông Trần Ngọc Cư, đến cuối bài tôi mới rõ hiện trạng “mù chữ” này có “tính lịch sử của đại khối dân tộc”. Và may mắn cho tôi là được đọc bài viết của ông Trần Ngọc Cư bằng chữ Quốc ngữ (Latin hoá), chứ không phải chữ Hán hay chữ Nôm. Vì thế có thể nói rằng những ai đọc được bài viết của ông Trần Ngọc Cư như tôi thì tối thiểu đều không “mù chữ” Quốc ngữ. Có điều dù không “mù chữ” Quốc ngữ thì ai cũng nhận thấy bài viết của ông Trần Ngọc Cư tiếng Hán – Việt vẫn chiếm rất nhiều trong cái vỏ chữ Quốc ngữ kia.

Lạ quá, hiện tại “Hán – Việt – Latin” vẫn “đề huề” trong ngôn ngữ và chữ viết hàng ngày của dân ta. Nếu chỉ đề cao một trong ba cái sự “đề huề” này thì sẽ không công bằng. Nhưng nó đã có “tính lịch sử” rồi thì còn biết làm sao được nữa, nhất là khi dân tộc ta ngay từ đầu đã không có một thứ chữ viết ổn định đủ khả năng để đề kháng ngoại lai. Ngay cả khi mượn vào hình thức chữ Hán để sáng chế ra chữ Nôm (khiến người Trung Hoa đọc cũng không hiểu) thì cũng vẫn bị mang tiếng là vay mượn. Ai chê trách người nghèo mang công mắc nợ nhỉ?

Nhưng áo rách còn giữ được lề, người Việt đã không đánh mất luôn tiếng nói của mình. Không có chữ viết thì đi vay mượn, mất chữ viết thì có thể học chữ viết khác, nhưng mất tiếng mà học tiếng khác thì trở thành người ngoại quốc mất rồi. Dân tộc ta tiếp thu nguồn Hán học cả hàng nghìn năm, và chính vì cái tiếng nói không mất nên không bị đồng hoá. Nhưng cái “tính lịch sử” nó cứ lặp lại như thế thì biết làm sao, bởi cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đều là vay mượn để ký âm tiếng Việt cả.

Cụ Hoàng Xuân Hãn đã viết về Hội Truyền bá Quốc ngữ như sau: “Lần đầu nghe nói đến tên hội này, tôi lấy làm ngạc nhiên, rồi đáp: ‘Không ai mời tôi cả. Vả chăng ngày nay ai mà chẳng học Quốc ngữ; thì lập hội làm gì? Hoặc Quốc ngữ đây nghĩa là tiếng ta. Tiếng và văn Việt ngữ? Lập hội với mục đích ấy cũng tốt, vì ngày nay ai cũng muốn nói tiếng Tây cho thoáng, chứ không hiểu đúng tiếng ta, đến đỗi hạng lầm hiểu rằng ‘yếu điểm’ là điểm yếu, ngày càng nhiều’. Cụ để tôi nói dài mới ngắt lời, rồi đáp: ‘Truyền bá Quốc ngữ là truyền bá cách viết tiếng ta bằng những chữ la-tinh A, B, C” (“Nhớ lại hội Truyền bá Quốc ngữ…” – Báo Đoàn Kết tháng 9-10-1988).

Mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ của những người Việt Nam yêu nước và mục đích của chính quyền Pháp là không giống nhau. Giám mục Puginier, từng nói: “Sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần, ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi bằng tiếng Pháp, như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông” (Thư giám mục Purinier gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, 6-5-1887, Thư khố Pháp quốc Hải ngoại A00 (30) hay N.F 541). Còn ở Nam Kỳ, ngày 6/4/1878, Đô đốc Hải quân – Thống soái Nam kỳ Louis Lafont ra nghị định số 82 bắt buộc các công văn, thư từ hành chính phải viết bằng chữ Quốc ngữ thay vì chữ Hán hay chữ Nôm. Rất may các cụ nhận ra cái việc “nói tiếng Tây cho thoáng” mà “không hiểu đúng tiếng ta” là việc đồng hoá nguy hại, nên truyền bá chữ Quốc ngữ như một đòn “gậy ông đập lưng ông” đánh vào mưu đồ đó.

Trong lá thư đề ngày 12/01/1882, từ Chợ Quán “Kính gởi các vị trong Hội đồng Thuộc địa”, Trương Vĩnh Ký viết rõ hơn về mục đích các tác phẩm của ông:

“Thưa quí vị,

Tôi hân hạnh gởi đến quí vị một bản trình bày từng tác phẩm xuất bản mà tôi đã biên soạn. Làm như vậy, ý định của tôi là để chứng tỏ với quý vị rằng trong 13 cuốn sách tôi đã xuất bản cho đến nay do tiền tôi bỏ ra, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp mà tôi đã trình bày trước đây trong các thư tôi viết vừa cho nhà cầm quyền, vừa cho Ủy ban Phụ trách Cứu xét những tác phẩm của tôi. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam”
(Nguyễn Sinh Duy, Cuốn sổ bình sinh của Trương Vĩnh Ký, NXB Nam Sơn, Sài Gòn, tháng 3,1975).

Khi tôi đề cập việc cần nhìn nhận vấn đề “mù chữ” trong hiện tượng “đồng văn” ở phương Đông cũng như phương Tây, thì ông Trần Ngọc Cư đã phản hồi rằng: “Ngữ hệ Hán có cánh cửa cơ hội là ngàn năm lịch sử để hình thành một loại chữ viết kí âm tiếng nói của người Việt, nhưng cao điểm cũng chỉ tạo ra được chữ Nôm, một thứ chữ viết rối rắm. Vua Quang Trung với ‘Sùng Chính viện’ chỉ là một loé chớp trong đêm dài nô lệ chữ Hán”.

Ông Trần Ngọc Cư đã nói như thánh phán khi một sự việc mà nguyên nhân và kết quả đã bày ra trước mặt mọi người để có thể so sánh sự tiện lợi giữa việc viết bằng chữ Nôm và viết bằng chữ Quốc ngữ (trong một ý thức, tâm lý và quán tính sử dụng đã trở nên nhuần nhuyễn). Nhưng nếu người Trung Quốc, Nhật Bản (trừ Hàn Quốc ra vì chữ viết có vẻ giản tiện hơn) cũng có “tinh thần so sánh” như trên thì chắc họ cũng sẽ bỏ quách cái chữ họ đang dùng đi cho khoẻ vì đỡ “rối rắm” hơn chăng? Vâng, nếu có thể so sánh (dù rất buồn cười) thì một đứa trẻ ở Việt Nam có thể học chữ Quốc ngữ trong một thời gian ngắn (loại trừ một số học sinh lên lớp 5 rồi mà vẫn chưa biết đọc như báo chí từng đưa tin), nhưng với một đứa trẻ Trung Quốc, cũng không phải vì ít thuận tiện hơn trong việc viết chữ Hán (thay bằng Latin) mà bảo rằng nó sẽ học không đúng cấp (tức mất nhiều thời gian để học lớp 1. lớp 2…), ít kiến thức hay ít thông minh hơn…

Khi chữ Nôm được đưa vào trong thi cử, chắc chắn đó không phải là một “thách đố” mà chứng tỏ việc học chữ Nôm đã trở nên phổ biến trong xã hội, có tác động nhiều đến tầng lớp bình dân. Năm 1791 vua Quang Trung cho lập “Sùng Chính viện” để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm. Dĩ nhiên dịch sang Nôm là diễn đạt bằng ngữ pháp của người Việt. Còn thì chữ Nôm cũng chỉ chiếm khoảng 20% trong cái kho từ vựng chữ Hán. Vì thế việc viết khoảng 20% chữ Nôm cũng không phải công việc khó tới mức không làm được khi lịch sử phát triển của nó đã trải dài trước đó cả vài trăm năm. Điều đáng tiếc là năm 1791 vua Quang Trung cho lập Sùng Chính viện thì năm 1792 ông qua đời.

Nếu nói về thành công của văn xuôi chữ Nôm, trước đó phải kể đến những tác phẩm kinh sách của Minh Châu Hương Hải (1628-1715) với lối hành văn tiếng Việt không khác với chúng ta ngày nay. Trong Giải tâm kinh ngũ chỉ, Minh Châu Hương Hải viết bằng chữ Nôm: “Nương lời trong kinh, dịch rằng Thích Ca Thế tôn thuở trú trong non Linh Thứu, vào toạ thiền, nhập quang minh đại định. Khi ấy, Xá Lợi Tử bạch Quán Tự Tại Bồ tát rằng: ‘Dầu có chúng sinh tu hành, muốn học cửa pháp Bát nhã thần thông vi diệu, rằng làm sao cho hiểu thấu được’. Quán Tự Tại Bồ tát bèn dạy bảo Xá Lợi Tử rằng: ‘Thích Ca Thế tôn diễn thuyết đại bộ Bát nhã sáu trăm quyển. Một Bát nhã tâm kinh này lấy làm chí tinh, chí yếu, là mẹ đại bộ chư kinh, truyền sang Đông độ, đã năm lần dịch. Đến đời Đường, Huyền Tráng pháp sư lại vâng chiếu dịch truyền để Đông độ lấy làm chính giáo thịnh hành…”. Xin tìm đọc cuốn Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB TPHCM, 2000 của Lê Mạnh Thát.

Như vậy, cái “loé chớp trong đêm dài nô lệ chữ Hán” mà ông Trần Ngọc Cư hùng hồn nói chẳng qua khi chúng ta đã không còn cơ hội để đặt giả thiết nếu vua Quang Trung không mất sớm và nếu người Pháp không xâm lược Việt Nam thì… nữa. Và khi chúng ta vẫn đang sử dụng “Hán – Việt – Latin” một cách “đề huề” trong ngôn ngữ và chữ viết (vỏ ngữ âm) như vậy mà ông Trần Ngọc Cư sử dụng từ “nô lệ” cho riêng chữ Hán thì thật thiếu công bằng. Khoảng gần 80% từ Hán – Việt mà chúng ta đang sử dụng để ít nhiều có thể hiểu nhau qua diễn đạt tư tưởng, tình cảm (bằng cái vỏ ngữ âm Latin) có nguồn gốc từ đâu? Không biết hơn 1000 năm sau, thời thế đổi thay (dĩ nhiên không ai mong dân tộc ta bị thế lực nào đó đồng hóa), con cháu chúng ta có bảo chúng ta “nô lệ chữ Quốc ngữ” hay không?

Sự vận động và phát triển qua nhiều giai đoạn của chữ Nôm chắc không phải để “mua vui” như Nguyễn Du nói ở cuối Truyện Kiều. Vì rõ ràng cái chữ Nôm đó đã diễn tả được tiếng nói của dân tộc trong một giai đoạn phát triển ngôn ngữ mà chữ Hán không thể thay thế được. Vì thế từ Trần Nhân Tông đến Lê Thánh Tông, Quang Trung, cùng với hàng loạt các danh dân, trí thức mà chúng ta tự hào nói đến, họ đều là những người thông Hán và giỏi Nôm cả. Các vị ấy đều đã mất công mất sức thâm nhập vào chữ Nôm (“rối rắm”) để mang đến cho dân tộc những ngôn ngữ gần với đời sống hơn.

Không ai phủ nhận lợi ích của chữ Quốc ngữ trong việc dùng nó để chống lại Pháp và sự thuận tiện của nó hiện nay. Nhưng cần có một cái nhìn công bằng hơn với chữ Hán – Nôm, đặc biệt là chữ Nôm. Vì muốn hiểu tư tưởng của tiền nhân không chỉ có sự nỗ lực học tập mà còn rất cần có tấm lòng nữa. Trong sự “lựa chọn” mà không thể còn lựa chọn nào khác (“thông minh”) hơn thì đó chính là “tính lịch sử” (đã rồi) như ông Trần Ngọc Cư đã nói về sự “lựa chọn”. Còn dĩ nhiên, chữ Quốc ngữ (kể cả trước đó là chữ Hán) làm sao có thể lấy đi cơ hội thành công của chữ Nôm được. Chỉ có điều cái chính quyền áp đặt việc thủ tiêu nó mới lấy đi cơ hội thành công của nó mà thôi. Tháng 5/1906, dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục hệ 3 cấp cho bản xứ được một nghị định của Paul Beau phê chuẩn: ở cấp I, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp II học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc; đến cấp III thì cả 3 thứ chữ đều bắt buộc học như nhau. Một “chính sách” xuyên suốt và có hệ thống như thế thì làm gì còn cơ hội cho chữ Nôm (Nôm na là cha mách qué) thành công.

Trong ý kiến trước, tôi nói: “khi “mù” đã có tính “lịch sử” rồi thì… trách ai, ai trách bây giờ trách ai?”. Nhưng qua ý kiến ngắn phản hồi của ông Trần Ngọc Cư thì tôi đã hiểu một vài phần về cái sự “mù chữ” ấy. Tôi cũng xin nói thêm rằng, trong cái hiện tượng “đồng văn”, dân tộc ta đã từng được “ban cho” chữ viết (nói như ai đó), nhưng sự tỉnh táo của người Việt là đã biết vận dụng sự tiện ích của nó nhằm bảo vệ tiếng nói, non sông của mình. Nên dù có phải nói lời cảm ơn (hay gượng ép phải cảm ơn vì từng bị “đấm đá”) thì trước khi nhận một “món quà” người Việt cũng hiểu được thế nào là “cách cho hơn của cho”./.