Giáo Dục Phật Giáo: Quá Khứ và Hiện Tại

(Phần II)

Thích Nguyên Hiệp

III. Giáo Dục Phật Giáo: Hiện Tại

Thế kỷ 20 là thế kỷ mà Phật giáo đã đối mặt với rất nhiều vấn đề và có sự biến chuyển lớn lao bởi sự tác động khách quan của những điều kiện lịch sử và xã hội. Sự va chạm mạnh mẽ với nền văn minh Tây phương đã có lúc khiến cho giới Phật giáo cảm thấy chao đảo bởi không ít người là Phật tử hoặc mang truyền thống Phật giáo đã hồ hởi đón nhận nền văn minh mới mẻ đối với họ đó và quay sang phủ nhận những giá trị văn hoá truyền thống. Cũng trong thế kỷ 20, Phật giáo, phần lớn Phật giáo Đại thừa, lại phải đối mặt với một hệ tử tưởng chống tôn giáo rộng khắp trên những đất nước mà ở đó mình hiện diện. Va đập, đối đầu, bị công kích, thậm chí bị tàn phá và thủ tiêu, thế kỷ 20 có thể nói là một thế kỷ đầy “bi kịch” đối với Phật giáo Đại thừa (gồm cả Mật giáo). Tuy nhiên trong thế kỷ 20, nơi này nơi kia vẫn mở ra những cơ hội đối với Phật giáo, ít nhất là ở Ấn Độ.

Như đã biết, Ấn Độ trở thành thuộc địa của Anh từ giữa thế kỷ 18. Sự cai trị và “khai hoá” của Anh đã đưa nhiều nhà khảo cổ, học giả… đến với mảnh đất này mà sự khảo sát và nghiên cứu của họ đã khai mở lại những giá trị đã bị lãng quên bấy lâu, và Phật giáo là một trong những giá trị đó. Với sự hình thành của Hội Pali Texts Society vào cuối thế kỷ 19 đi kèm theo nghiên cứu và dịch thuật, cùng với các công trình khảo cổ nổi tiếng của Alexander Cunningham, cũng như sự có mặt và góp sức của The Mahabodhi Society do Dharmapala thành lập ở Srilanka nhưng có trụ sở ngay sau đó ở Calcutta (thủ đô cũ của Ấn), đã là những cơ hội đầu tiên cho hình ảnh Phật giáo xuất hiện trở lại ở đất nước này. Những khám phá, nghiên cứu và góp công của những tổ chức này về sau có những tác động nhất định đến giới văn nghệ sĩ Ấn cũng như những nhà lãnh đạo của đất nước này mà những phát biểu của họ đã có những ảnh hưởng tích cực đối với Phật giáo.

Nhưng sự hồi sinh chính thức của Phật giáo tại Ấn phải kể đến từ sau sự kiện B. R. Ambedkar quy y theo Phật giáo cùng với hàng trăm ngàn người đi theo và ủng hộ ông. Sự kiện này đã trở thành một phong trào tôn giáo xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ, tác động sâu sắc vào tầng lớp giai cấp thấp, đưa đến những cuộc cải đạo tập thể đông đảo, làm trổi dậy hình ảnh Phật giáo đã bị chôn vùi trong nhiều thế kỷ. Phật giáo được hồi sinh với sự giải thích giáo lý theo B. R. Ambedkar đã khiến nhiều người gọi đó là Phật giáo Mới, hay Phật giáo Ambedkar!

Số người quy ngưỡng theo Phật giáo từ phong trào của B. R. Ambedkar, cộng với số lượng tín đồ ở các vùng giáp ranh với Tây Tạng và Miến Điện như Ladakh, Moziram và Sikkim… đưa số lượng tín đồ Phật giáo tại Ấn Độ hiện nay lên được con số 6.5 triệu người, chiếm 0.76 % dân số Ấn[22]!

Phật giáo tại Ấn như vậy chính thức được hồi sinh vào giữa thế kỷ 20, và do vì vừa mới hồi sinh chỉ trong vòng vài thập kỷ nên cộng đồng tăng lữ ở đây rất còn “non trẻ”. Những người xuất gia phần lớn xuất thân từ tầng lớp giai cấp thấp nên trình độ học vấn khá hạn chế, trong khi đó những ngôi chùa của Ấn chưa đủ khả năng trở thành những tu viện có thể huấn luyện và đào tạo họ thành những tăng sĩ thông thạo trong lĩnh vực chuyên môn của họ, và giáo dục tự viện nói chung không có gì để nói. Chỉ trừ những tu viện theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng ở Ladakh, Sikkim, Dharamsala và Nam Ấn, cũng như một vài trung tâm tu thiền theo truyền thống Vipassana mà có thể được coi như là những trung tâm giáo dục Phật giáo.

Từ giữa thế kỷ XX, Phật giáo cũng đã trở thành một môn học trong nhiều trường học, và trở thành phân khoa trong một số trường đại học khác ở Ấn Độ. Nhưng việc dạy Phật học tại các đại học không phải là giáo dục Phật giáo, đó chỉ đơn thuần là giảng dạy văn hoá, lịch sử và triết học của một tôn giáo. Giáo dục Phật giáo phải là một nền giáo dục được dựa trên triết học giáo dục Phật giáo, tức là nền giáo dục đó phải hướng đến những mục đích mà Phật giáo nhằm đến (đã nói ở phần một). Giáo dục Phật giáo không chỉ có nghĩa là việc truyền trao kiến thức về văn học, lịch sử và triết học của Phật giáo đến một bộ phận người nào đó, mà còn đào tạo nên những con người ngoài việc có kiến thức Phật học, cần phải tu tập bản thân và cống hiến cho xã hội những giá trị sống của Phật giáo mà mình đã hấp thụ được…

Ở Trung Quốc, với Cách mạng Tân Hợi 1911, đưa đến sự cáo chung của vương triều nhà Thanh, kết thúc thời kỳ phong kiến hàng ngàn năm, dẫn đến những thay đổi xã hội lớn lao từ những thập niên đầu của thế kỷ 20. Sau cách mạng Tân Hợi, giới trí thức Trung Quốc hầu như hướng về văn minh Tây phương. Nhập nhằng giữa tinh thần khoa học và các giá trị văn hoá, họ quay sang coi nhẹ những giá trị truyền thống. Phật giáo Trung Quốc với sự đình trệ trong những thế kỷ trước đó đã không tạo nên được một hình ảnh đẹp đẽ và không còn hấp dẫn đối với tầng lớp trí thức, và rồi trở thành đối tượng bị lên án bởi nhiều người.

Từ sau 1949, Phật giáo Trung Quốc lại phải đối mặt với một làn sóng chống tôn giáo mới. Tuy nhiên cao trào chống Phật giáo ở đây phải kể từ 1966-1976, trong cái gọi là Đại cách mạng văn hoá. Trong thời kỳ này, nhiều chùa chiền bị đập phá, tăng sĩ bị buộc hoàn tục, nhục thân xá lợi của các thiền sư bị đem đi thiêu đốt, đất đai bị chiếm dụng…[23] Nhưng tất cả những điều đó chưa phải là “pháp nạn” chính của Phật giáo Trung Quốc thời kỳ này, mà pháp nạn chính là từ sau đó các thế hệ học sinh được giáo dục để nhìn tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, bằng cặp mắt khinh bỉ, cần phải tẩy chay và xa lánh như một thứ bệnh hủi. Một thời kỳ thê thảm nhất của Phật giáo Trung Quốc mà bốn thời kỳ pháp nạn của Phật giáo trước đó ở xứ này so ra không có gì đáng kể[24]. Có thể so sánh thời kỳ này với thế kỷ 13 của Phật giáo Ấn Độ, nếu nói nó nhẹ hơn thì là bởi tăng sĩ không bị sát hại, tuy thế họ lại bị ám hại theo một thể thức khác, cũng không kém phần tệ hại!

Trong khi hàng loạt tăng sĩ bị buộc phải hoàn tục, thì một số khác vẫn được giữ lại, rồi cùng với những người mới được tuyển chọn đào tạo sung vào làm tăng, họ trở thành những người giám sát và đếm tiền ở những ngôi chùa bị biến thành những địa điểm du lịch hoành tráng, hay trở thành những con rối trong các vấn đề đối ngoại. Phật giáo hầu như không còn mấy ảnh hưởng và không có chút uy tín nào trong cộng đồng xã hội, nhất là đối với tầng lớp học thức!

Sau thời kỳ Đại cách mạng văn hoá, với sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục ngoài mức mong đợi, xã hội Trung Quốc đã hình thành nên một lớp người giàu có rất mực, nhưng cũng đã hình thành nên một sự chông chênh lớn lao giữa tầng lớp giàu và tầng lớp nghèo, cũng hình thành nên nỗi “trống trải cô đơn” sâu đậm trong tầng lớp thị dân, sự mất niềm tin trong lớp trẻ, sự đói khổ và cảm thấy như bị bỏ rơi trong tầng lớp những người nghèo bởi bất lực không đuổi theo kịp sự phát triển của xã hội. Những nhà truyền đạo Tin Lành là những người đã “lắng nghe và thấu hiểu” rõ thực trạng của xã hội Trung Quốc. Với phương thức khéo léo và được sự trợ giúp của các tổ chức từ Mỹ và Anh, họ đã len lỏi có mặt kịp thời khắp nơi, an ủi và mang “tin lành” đến với quảng đại quần chúng. Với một kết quả thật ngoạn mục, theo thống kê của CCRC (Chinese Church Research Centre) có trụ sở tại Hồng Kông, con số tín đồ của Tin Lành hiện nay đã lên đến 80 triệu, cho dù nhà nước Trung Quốc có thông báo rằng chỉ có 10 triệu tín đồ Tin Lành tại đây. Trong khi Thiên Chúa giáo La Mã có khoảng 12 triệu (thông báo của chính phủ TQ là 4 triệu)[25]. Vào các ngày chủ Nhật, các nhà thờ Tin Lành được cho là có đông tín đồ đi lễ hơn so với các nhà thờ ở châu Âu hiện nay[26].

Sau 1979, chính sách về tôn giáo của Trung Quốc thay đổi, các tôn giáo được hành hoạt tự do hơn, do đó các tự viện Phật giáo đã bắt đầu được mở cửa trở lại. Theo thông báo vào năm 2003 của Hội Phật giáo Trung Quốc (Hội này được thành lập vào năm 1953), có 13,000 tự viện đã được mở cửa vào thời điểm đó, và có 180,000 tăng sĩ trên toàn lãnh thổ. Trong số này hết 120,000 tăng ni thuộc Tây Tạng, 60,000 người còn lại phân bố rãi rác ở các tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải cùng một số tỉnh khác. Số lượng tăng sĩ theo Phật giáo Theravada là 8000 người, chủ yếu sống ở tỉnh Vân Nam. Hiện tại có 34 trường Phật học tại Trung Quốc, trong đó sáu trường thuộc về Tây Tạng. Tín đồ Phật giáo theo thống kê của chính phủ là 100 triệu, nhưng Eric O. Hanson trong cuốn “Religion and Politics in the International System Today” thì đưa ra con số 10 triệu cho cả ba tôn giáo truyền thống là Lão, Khổng và Phật (!?)[27]. Tổ chức RISR (Real International Statistics on Religion) thì cho rằng có từ 6 - 9% dân số Trung Quốc theo Phật giáo.

Mặc dù Phật giáo Trung Quốc đã thoát khỏi “nạn” Cách mạng văn hoá gần 30 năm và được xem là phát triển mạnh lại ở đây, nhất là tại các thị thành, tuy thế giáo dục Phật giáo tại đây vẫn chưa được phát triển. Tăng sĩ sau nhiều thập niên bị xã hội tẩy chay, không được tham dự vào các trường công, trong khi hệ thống giáo dục tự viện gần như bị xoá sổ, đã không có đủ khả năng để phát triển giáo dục Phật giáo trở lại khi chính sách thay đổi. Và thay vì cố gắng phát triển văn hoá, hoằng pháp và giáo dục, nhiều tăng sĩ Trung Hoa đã hồ hởi chạy theo kinh tế thị trường, lo phát triển của cải vật chất để trở thành những phú tăng thời đại.

Các trường Phật học dù hiện diện vẫn không đủ khả năng đào tạo nên những tăng sĩ có tâm huyết với tôn giáo của mình, không đủ khả năng đào tạo nên những con người nhạy bén bắt kịp thời cuộc; và các tăng sĩ vẫn không cất được tiếng nói có giá trị và hành động tích cực để cho xã hội nhìn mình khác đi. Dù có sự hiện diện của 34 trường Phật học, rất nhiều tu sĩ Trung Quốc hiện nay, nhất là nữ tu, vẫn chịu cảnh thất học, cả về nội điển lẫn ngoại điển!

Các tự viện quá chú trọng vào đầu tư và kinh doanh, từ mở công ty đến biến chùa thành khu du lịch, để rồi bị xem như là “những cổ máy sản xuất tiền”[28]. Ngay như Thiếu Lâm tự, một cơ sở văn hoá nổi tiếng của Phật giáo giờ đây cũng đã trở thành một “trụ sở thương mại”. Các sư đã biến môn võ truyền thống thành một thứ “mại võ” đem rao bán khắp nơi dưới cái mỹ danh giới thiệu văn hoá.

Hoà Thượng Chin Kung trong cuốn “Phật giáo là giáo dục” đã xếp Phật giáo thành bốn nhóm: 1. Phật giáo là một tôn giáo, và ngài đã đưa Phật giáo ở Đài Loan vào nhóm này; 2. Phật giáo học thuật mang tính hàn lâm, và Phật giáo Nhật Bản được ngài xếp vào đây; 3. Phật giáo bị biến thành một thứ nghi lễ dành cho ma chay; và 4. Phật giáo thuần tuý là Phật giáo[29]. Trong bốn nhóm này, nếu phải xếp Phật giáo Trung Quốc hiện nay vào trong một nhóm, thì nó hẳn thuộc nhóm thứ ba. Và nếu phải phân thêm một nhóm khác nữa, thì đó phải là “Phật giáo du lịch”, và Phật giáo Trung Quốc hiện nay cũng được xếp vào nhóm này! Giáo dục Phật giáo ở Trung Hoa lục địa hiện là một thực trạng. Và khi giáo dục Phật giáo đã là như vậy thì khó mong Phật giáo phát triển tốt ở đây, dù cho hiện nay ngày càng có nhiều người đến chùa lễ bái. Tuy nhiên, với sự giúp sức hiện nay của các tổ chức Phật giáo đến từ Đài Loan, hy vọng Phật giáo Trung Quốc sẽ thoát ra khỏi sự bế tắc này để phát triển trở lại.

Quay sang Nhật. Ngài Chin Kung xem Phật giáo Nhật nghiêng về học thuật và mang tính hàn lâm. Từ thời kỳ mới du nhập cho đến khi phát triển mạnh mẽ, Phật giáo Nhật luôn coi trọng việc giáo dục và sự đóng góp của giới Phật giáo cho lĩnh vực này phải nói là rất đáng kể. Trong quá khứ, giáo dục Phật giáo Nhật đã chi phối rất lớn đời sống xã hội, ảnh hưởng đến các môn nghệ thuật, và nhất là đã tạo nên được một “tâm thức Phật giáo” trong đời sống cộng đồng.

Vào thời Minh Trị, mặc dù Nhật Hoàng Minh Trị (Meiji) đã tách Thần đạo ra khỏi sự ảnh hưởng của Phật giáo và nâng Thần Đạo lên làm quốc giáo, thì với những ảnh hưởng vốn có, lại không phải đối đầu với những trào lưu chống tôn giáo nào, Phật giáo Nhật vẫn có những cơ hội để phát triển và truyền bá tư tưởng học thuật của mình ra thế giới bên ngoài, đặc biệt là phương Tây. Trong quá khứ, các chùa của Nhật thường có các trường học đi kèm theo, và hiện nay một số nơi vẫn còn giữ được truyền thống này.

Trong các nước theo Phật giáo Đại thừa thì Nhật là nơi có nền giáo dục Phật giáo phát triển nhất ở thời điểm hiện tại, tất nhiên là về mảng nghiên cứu học thuật. Các sách viết về Phật học được cho là rất phong phú và xếp đầy các nhà sách ở Tokyo. Có khá nhiều trường đại học Phật giáo ở Nhật, ngay cả trường đại học Phật giáo quốc tế. Tuy nhiên, các tăng sĩ Phật giáo và giới học giả Nhật quá chú trọng vào việc nghiên cứu và chú giải kinh điển mà ít chú trọng vào việc diễn giải giáo lý ấy thành những điều thực tiễn thích ứng với bối cảnh hiện đại[30]. Dù có nhiều phát triển trong lĩnh vực học thuật, Phật giáo Nhật cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề của xã hội hiện đại, nhất là chủ nghĩa tiêu thụ mà nó đã len lõi khắp mọi ngõ ngách xã hội. Và một bộ phận lớn tăng sĩ Nhật cũng quá thiên về dịch vụ tang ma, điều bị phê bình rất nhiều vì đã khiến cho Phật giáo trở thành một tôn giáo dành cho người chết.

Phật giáo Hàn Quốc gần đây được chú ý bởi những cuộc biểu tình chống chính phủ về vấn đề kỳ thị tôn giáo. Và vẫn có những ý kiến trái ngược nhau về hiện tình Phật giáo tại đất nước này.

Như đã nói ở trước, Phật giáo từng có những thời kỳ rất hưng thịnh ở Hàn Quốc, nhưng từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20 Phật giáo bị suy yếu ở đây khi Nho giáo nắm quyền thống trị về tư tưởng và chính trị. Từ đầu thế kỷ 20, với sự thôn tín của Nhật Bản, Phật giáo được phát triển trở lại với sự góp sức của các tăng sĩ Nhật. Nhưng trong sự góp sức đó, những tăng sĩ Nhật (những người theo phái Tân tăng) cũng đã tạo nên một điều dẫn đến sự chống đối của một bộ phận Phật tử Hàn Quốc là cho phép các tăng sĩ ở đây được kết hôn[31]. Chính vấn đề này đã dẫn đến một sự chia rẽ sâu sắc và làm suy yếu đi Phật giáo Hàn, một điều đã khiến cho Tin Lành có nhiều ưu thế khi bành trướng thế lực ở đây vào những năm giữa cuối thế kỷ XX.

Thường khi nói đến Phật giáo Hàn Quốc chúng ta chỉ nghĩ đến Phật giáo Nam Hàn. Bắc Hàn, một đất nước “bí ẩn”, khó có thể biết được tín đồ Phật giáo ở đấy là bao nhiêu. Mọi con số đưa ra chỉ mang tính ước đoán, xê dịch từ 2 % cho đến 60 %. Nếu con số 2 % là chính xác, thì điều đó vẫn không khiến ta ngạc nhiên khi biết rằng phần lớn dân chúng Bắc Hàn hiện nay đều là “tín đồ” của ông Kim Chính Nhất (và trước đó là ông Kim Nhật Thành). Và nếu con số 60 % là có thực, thì không phải vì Phật giáo ở Bắc Hàn được khuyến khích phát triển, mà bởi vì nó không bị cạnh tranh và bị giành dật tín đố gay gắt bởi Tin Lành như ở Nam Hàn.

Quay trở lại Phật giáo ở Nam Hàn. Với việc đổ bộ của các nghiệp đoàn của Mỹ từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), dân chúng của đất nước này đã choáng ngợp trước một nền văn minh mới được truyền vào. Lại không phân tách được đâu là văn minh vật chất nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật và đâu là những giá trị văn hóa thực sự, rất nhiều người Hàn đã quay sang với Tin Lành, bởi nhầm lẫn rằng tôn giáo này có thể giúp họ trở nên văn minh và giàu có[32]. Trong khi đó các tổ chức Tin Lành thì có những chiêu bài cải đạo rất “độc chiêu”. Họ lôi kéo những nhân vật có tên tuổi trong xã hội, rồi tổ chức những buổi rữa tội quy mô tại những hội trường và sân vận động lớn; trong buổi lễ họ cho những nhân vật đó phát biểu, đại loại rằng Tin Lành là tôn giáo văn minh, nên theo; còn Phật giáo là tôn giáo mê tín, làm nghèo xã hội và nên loại bỏ. Đó là chưa kể đến việc họ công khai viết những khẩu hiệu đá đảo và sĩ nhục Phật giáo lên các tường chùa. Bên cạnh việc trợ giúp vật chất và giáo dục, những sự kiện cải đạo như thế này đã lôi kéo rất đông dân chúng đi theo.

Nhưng Tin Lành phát triển mạnh ở đây từ giữa thế kỷ 20 đến những năm cuối của thế kỷ này và sau đó thì chững lại. Sau một vài thập kỷ, có lẽ dân chúng đã đủ “độ lùi” để nhìn lại và cũng đã đủ giàu để không còn chạy theo bánh mì và gạo.

Phật giáo trong những thập niên bị Tin Lành lấn lướt cũng đã phải nhìn lại mình để rồi có những thay đổi và điều chỉnh thích hợp. Trong cái rủi vẫn có cái may! Phật giáo trong thời kỳ này đã có những cải cách nhất định. Các tăng sĩ đã trở nên đoàn kết hơn, cố gắng phát triển văn hoá, hoằng pháp và giáo dục. Từ những năm đầu của thế kỷ 21, Phật giáo Nam Hàn được cho là phát triển nhanh hơn Tin Lành. Nhiều trường Phật học đủ các cấp được mở ra, các lễ hội, như lễ Phật đản được tổ chức rất quy mô và rất có ảnh hưởng vào đời sống văn hoá. Các tăng sĩ ở đây cũng học theo cách làm của Phật giáo Theravada, tổ chức những khóa xuất gia ngắn hạn cho những người nhỏ tuổi.

Tuy nhiên, dù số lượng tín đồ Phật giáo Nam Hàn hiện nay đông hơn Tin Lành và Thiên Chúa giáo La Mã, thì cơ sở sinh hoạt tâm linh, cơ sở giáo dục và các nhóm truyền giáo lại không nhiều bằng: Phật giáo có 846 ngôi chùa; Tin Lành có 63,275 nhà thờ; Thiên Chúa giáo La Mã có 1,152. Phật giáo có 69 hội đoàn; Tin lành có 162; Thiên Chúa giáo La Mã có 1. Phật giáo có 3 trường đại học; Tin Lành có 38; Thiên chúa giáo La mã có 9. Bên cạnh đó Tin Lành còn có thêm 9 cơ sở giáo dục sau đại học, trong khi Phật giáo không có được một cơ sở nào[33]. Với giáo dục được đẩy mạnh và phát triển như vậy, Tin Lành rõ ràng có rất nhiều ưu thế để phát triển về sau.

Trong các nước theo Phật giáo Theravada thì Sri Lanka được xem là nơi có nền Phật học phát triển nhất, trong quá khứ cũng như hiện tại. Phật giáo với sự trợ giúp của chính phủ đã có những công trình nghiên cứu Phật học có giá trị. Tăng sĩ được đào tạo và huấn luyện kỹ về nhiều phương diện để có thể truyền bá Phật pháp cũng như đảm nhận những công tác xã hội, trong đó gồm cả dạy học cho người thế tục cũng như hướng dẫn đạo đức cho họ. Nhiều tự viện trở thành nơi dạy học cho mọi thành phần xã hội và Phật giáo cũng được giảng dạy và thực hành trong các trường học. Dù có một thời gian là thuộc địa của Anh, một bộ phận dân chúng đã theo Anh giáo, thì Phật giáo hiện nay vẫn chiếm ưu thế và cũng được xem như là quốc giáo.

Ở Sri Lanka, những hoạt động xã hội của Phật giáo phát triển rất mạnh mẽ. Điều này có cơ sở từ thời nước này còn là thuộc địa của Anh khi những tổ chức Phật giáo được hình thành để chống lại sự cai trị của Anh và sự bành trướng đầy kỳ thị của Anh giáo, và những tổ chức này cũng đã hình thành nên Chủ nghĩa dân tộc Phật giáo về sau trong việc đấu tranh giành độc lập cho Sri Lanka. Hiện nay, những tổ chức Phật giáo ở đây có những đề án phát triển xã hội rất tích cực, mà tất cả đường hướng phát triển đều được dựa trên triết học xã hội và giáo dục của Phật giáo[34].

Ở Miến Điện, Phật giáo về phương diện học thuật có thể không được tiến bộ như Srilanka, nhưng về khía cạnh huấn luyện tâm linh thì ở đây rất phát triển (huấn luyện tâm linh cũng là một khía cạnh của giáo dục Phật giáo). Rất nhiều trung tâm tu thiền truyền thống được duy trì ở đây và dành cho mọi hạng người. Các tịnh xá ở Miến Điện cũng trở thành những trung tâm giáo dục cho dân chúng. Tăng sĩ đảm nhận vai trò giáo dục đạo đức cho xã hội, và họ cũng đảm trách những môn học khác ở các trường học công.

Trước khi người Anh cai trị, ngoài việc giảng dạy kinh-luật-luận, các tự viện ở đây còn giảng dạy một số môn học khác như thiên văn, y học, ngôn ngữ…; và các tự viện cũng đóng chức năng như là những trung tâm giáo dục chính dành cho công chúng. Dưới thời thuộc địa, chính phủ Anh yêu cầu các tự viện phải đưa các môn khoa học của phương Tây vào trong giáo dục, và điều này đã gặp phải sự phản kháng của giới tăng sĩ. Và vì có những bất đồng giữa chính quyền cai trị và giới Phật giáo, đã dẫn đến việc hình thành nên những phong trào xã hội Phật giáo nêu cao chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh giành độc lập cho Miến Điện về sau.

Sau thời kỳ thuộc địa, chính quyền đã ủng hộ để phát triển giáo dục Phật giáo. Vào những năm cuối thế kỷ 20, chính phủ tại đây lại gia tăng vai trò của các tự viện trong việc giáo dục cơ bản cho mọi hạng người trong xã hội, đặc biệt cho thiểu số không phải là Phật tử[35].

Thái Lan là nước may mắn thoát khỏi nạn thuộc địa. Và Phật giáo từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã có nhiều cải cách để phát triển tại đất nước này. Có những phong trào cải cách do chính nhà vua khởi xướng. Dân chúng Thái phần lớn đều là Phật tử, và Phật giáo được xem như là quốc giáo ở đây. Về phương diện học thuật, Phật giáo Thái có thể không phát triển được như Phật giáo Sri Lanka, tuy nhiên cơ hội để cho các tăng sĩ học tập và dấn thân thì rất dễ dàng. Bên cạnh các chùa viện là nơi huấn luyện và giảng dạy kinh luật, cũng có các trường đại học Phật giáo có mặt. Các tăng sĩ Thái ngoài việc tu hành, vẫn có thể đảm trách công việc giảng dạy tại các ngôi trường công của nhà nước, từ giảng dạy Phật học, đạo đức, cho đến văn chương, toán và những môn học khác. Họ cũng tham gia vào những hoạt động xã hội khác.

Trong quá khứ, các chùa viện ở Thái đóng chức năng của các cơ sở giáo dục và huấn luyện, cho cả tăng sĩ lẫn cư sĩ. Về sau, vì đặt mục tiêu phát triển kinh tế và đi theo nền giáo dục phương Tây, nhà nước Thái đã kiểm soát và quản lý giáo dục, tách giáo dục ra khỏi các chùa viện; và hiện nay các chùa viện không còn là cơ sở giáo dục cho đa số quần chúng. Nhưng chính phủ Thái đã không thành công trong việc này, không đem lại được cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho mọi tầng lớp như trước đây giáo dục còn do Tăng già đảm trách.

Bên cạnh đó Phật giáo Thái cũng gặp phải những khó khăn trong việc phân bổ nhân sự. Khi các trường đại học đều nằm ở những thành phố lớn, tăng sĩ Thái từ các vùng quê đều tập trung về thành thị để học, và rồi không ai chịu trở lại miền quê để phục vụ sau khi học xong (hình như giống Việt Nam!). Dù được giáo dục tốt về thế học, họ vẫn không đủ khả năng để hành đạo ở thị thành, trong khi họ có thể trở thành người lãnh đạo tinh thần ở các ngôi chùa quê và dân chúng đang mong đợi điều đó thì họ vẫn cứ ở lại thành thị, và các ngôi chùa làng ở Thái hiện nay vẫn thiếu tăng sĩ. Và đây là một trong những cái lỗi mà giáo dục Phật giáo ở đây phải chịu trách nhiệm. Điều này khiến những tăng sĩ có tâm huyết ở Thái hết sức lo ngại[36].

Thay Kết Luận

Tôi đã đi hơi xa trong bài viết của mình nhưng rồi nhận thấy vẫn chưa đi đến nơi. Cuối cùng tôi vẫn không đề cập đến giáo dục Phật giáo ở Việt Nam. Giáo dục Phật giáo hiện nay ở Việt Nam như thế nào chắc nhiều người đã biết. Và nếu để trình bày về điều này cho đầy đủ hẳn phải cần đến một bài viết khác. Vì vậy tôi xin tạm dừng bài viết lại ngang đây, với hy vọng đã nói lên được một vài điểm sơ lược về giáo dục Phật giáo nói chung./.

Chú thích:

[22] Thom Wolf, “Buddhism in the 21st Century: Three Challenges”, trong Buddhism and the Contemporary World, edited by B. Mungekar & A. S. Rathore, New Delhi: Bookwell, 2007, tr. 41
[23] Ven Jing Yin, “Buddhism and Economic Reform in Mainland China”, trong Chinese Religions in Contemporory Societies, edited by James Miller, UK: Oxford, 2006, tr. 85
[24] Bốn kỳ pháp nạn trước đó xảy ra dười các triều vua: Thái Võ Ðế (423 – 451); Võ Ðế (560-578); Ðường Võ Tông (840-846); và Châu Thế Tông (954-959)
[25] Trong bài “Christianity in China: Sons of heaven” trên tạp chí The Economist ở Anh đã nêu con số tín đồ Ky-tô giáo từ 70-130 triệu.
[26] Francis Ching-Wah Yip, “Protestant Christianity in Contemporary China”, trong Religions in Contemporory Societies, edited by James Miller, UK: Oxford, 2006, tr. 175. Trong bài này tác giả đưa ra số lượng tín đồ Tin Lành hiện nay là 30 triệu.
[27] Eric O. Hanson, Religion and Politics in the International System Today, UK: Cambridge University Press, 2006, tr. 165-176
[28] Ven Jing Yin, “Buddhism and Economic Reform in Mainland China”, trong Chinese Religions in Contemporory Societies, edited by James Miller, UK: Oxford, 2006, tr. 86
[29] Hoà thượng Chin Kung, Buddhism as an Education, ấn bản điện tử của Buddhanet, tr. 7
[30] Stephen G. Covell, “Buddhism in Japan: The creation of traditions”, trong Buddhism in World Cultures, edited by Stephen C. Berkwitz, Carlifornia: ABC-CLIO 2006, tr. 219 - 222
[31] Pori Park, “Buddhism in Korea: Decolonization, Nationalism, and Modernization”, trong Buddhism in World Cultures, edited by Stephen C. Berkwitz, Carlifornia: ABC-CLIO 2006, tr. 195
[32] Max Weber, giáo sư người Đức, một trong 4 nhà xã hội học nổi tiếng nhất thời hiện đại, cho rằng tôn giáo có ảnh hướng lớn đến sự phát triển kinh tế, và ông dẫn chứng rằng sự ảnh hưởng của Tin Lành đối với Hoa Kỳ, Hòa Lan, Anh, đã giúp cho các nước này có nền kinh tế phát triển. Quan niệm của ông đã ảnh hưởng đến không ít người châu Á, nhất là những nơi chịu ảnh hưởng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quan niệm đó đã được chứng minh là có nhiều hạn chế (trường hợp Nhật Bản, Singapore?). Xem phê bình của Richard F. Gombrich trong cuốn “Theravāda Buddhism”, tr. 11-15
[33] Jeong-Kyu Lee, The Role of Religion in Korean Higher Education, Journal of Religion & Education, Vol. 29, No. 1, University of Northern Iowa, tr. 58-59
[34] Stephen C. Berkwitz, “Buddhism in Sri Lanka: Practice, Protest, and Preservation” trong Buddhism in World Cultures, edited by Stephen C. Berkwitz, Carlifornia: ABC-CLIO, 2006, tr. 45-70
[35] Juliane Schober, “Colonial Knowledge and Buddhist education in Burma”, trong Buddhism, power and political order, edited by Ian Harris, New Yord: Routledge, 2007, tr. 66-67
[36] Phra Dhammapitaka (Prayudh Payutto), Buddhism and Education, http://www.buddhist-monk-notebook.info/2009/03/buddhism-and-education.html