Sau Động Đất: Người Tây Tạng Không Tin vào Sự Trợ giúp của Trung Quốc

Các tăng sĩ đứng trên đống đổ nát của một trường dạy nghề, đang cố gắng di dời những mảng bề tông bằng cuốc xẻng và tay trần. Bất ngờ một tiếng kêu vang lên. Một cánh tay, hẳn nhiên của người đã chết, đang thò ra từ những mảng bê tông.

Nhưng trước khi các tăng sĩ có thể kết thúc công việc của họ, một nhóm lính Trung Quốc sau khi nghỉ ngơi trên nền trường đã kịp đứng dậy hành động. Họ đội những chiếc mủ lính lên, xua các tăng sĩ đi, và với một máy quay phim dành cho nhóm họ đang rè rè quay, họ nhanh chóng đưa thi thể của một thiếu nữ ra khỏi đống đổ nát.

Các tăng sĩ kiềm chế cơn giận và đứng ở phía dưới, đọc một đoạn kinh bằng tiếng Tây Tạng cầu nguyện cho người bạc mệnh.

“Bạn sẽ không thấy những chiếc máy quay phim khi chúng tôi đang làm việc đâu,” một tăng sĩ có tên là Ga Tsai đã nói như vậy. Vị sư này cùng với 200 người khác từ một tu viện ở tỉnh Sichuan đã đến đây từ rất sớm ngay khi vưa nghe tin về trận động đất.

Bởi vì trận động đất thật sự khủng khiếp mà nó gần như san bằng thành phố Tây Tạng này, cướp đi ít nhất 1,400 mạng người, giới lãnh đạo Trung Quốc đã xem trận động đất là một tình trạng khẩn cấp kép: khủng hoảng nhân đạo tại một vùng đất cách mực nước biển ba dặm ở một tỉnh Thanh Hải xa xôi; và là một phép thử mới về khả năng của Đảng Cộng sản trong việc kiềm giữ sự chống đối của những người Tây Tạng bất khuất phục.

Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đạo đã rút ngắn chuyến viếng thăm cao cấp ở Brazil để bay về nước và giám sát những nỗ lực cứu trợ; trong khi đó Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã hoãn lại cuộc viếng thăm Indonesia đã được hoạch định để đến tận nơi trận động đất, hứa rằng người Hán Trung Quốc sẽ làm những gì có thể để cứu giúp người Tây Tạng.

Các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước đã loan đi những câu chuyện ấn tượng về những người Tây Tạng thọ ân đang nhận thực phẩm và lều trại; và các chuyên gia tìm kiếm cũng như cứu trợ đang làm việc cật lực để tìm kiếm những người sống sốt dù khi họ đang đương đầu với căn bệnh hô hấp.

Nỗ lực cứu trợ thật sự tạo ấn tượng. Hàng ngàn lính tráng và hàng loạt xe thực phẩm chen cứng các đường phố Kiegu vào thứ bảy, trong khi những thiết bị di dời đã bắt đầu dọn dẹp những tòa nhà sụp đỗ từ khu thị tứ. Hơn 600 trong số những người bị thương nặng đã được đưa đến những bệnh viện ở thủ phủ tỉnh cách khu động đất 500 dặm. Trong những ngày gần đây, những chiếc lều xanh mang lô-gô của Bộ Dân Sự đã xuất hiện khắp thành phố.

Nhưng bất chấp những biểu hiện hào phóng của chính phủ và sự hợp nhất sắc tộc bề ngoài, trận động đất đã phơi bày sự căng thẳng sâu sắc giữa Bắc Kinh và người Tây Tạng, mà nhiều người trong họ đã có một thời gian dài đấu tranh đòi quyền tự trị và gìn giữ đặc tính văn hoá Tây Tạng ở giữa một đất nước tộc Hán chiếm ưu thế. Cuộc nỗi dậy lan rộng của người Tạng chống lại sự cai trị của người Hán đã làm cho Bắc Kinh rối loạn khi đăng cai Thế vận hội mùa Hè năm 2008, và rồi Trung Quốc đã đặt Tây Tạng và những khu vực có đa số người Tạng sinh sống dưới sự kiểm soát chính trị và quân sự nghiêm ngặt kể từ đó.

Đức Dalai Lama, nhà lãnh đạo Tây Tạng đã không đặt chân đến Trung Quốc từ sau 1959, đã chính thức đưa ra lời yêu cầu được viếng thăm vùng đất gặp họa. Điều này hẳn nhiên bị từ chối.

Từ sau trận động đất, hàng ngàn tăng sĩ đã đến thành phố, một số người đến từ những vùng đất xa xôi của Tây Tạng, phải mất đến hai ngày đường, vượt qua ba tỉnh mới đến nơi.

Các Tăng sĩ chính là những người đầu tiên đã đưa các nạn nhân ra khỏi những tòa nhà đổ nát. Vào chiều tối ngày thứ bảy, khi những chuyên gia cứu trợ đã thôi công việc tìm kiếm, người ta vẫn thấy các Tăng sĩ còn đang làm việc với những đống đổ nát.
“Họ là tất cả đối với chúng tôi,” Oh Zhu Tsai Jia, một người đàn ông 57 tuổi đã nói như vậy, khi mở thùng xe của mình để một nhóm tăng sĩ trẻ cầu nguyện cho thi hài vợ ông.

Vào sáng thứ bảy, các tăng sĩ đã chuyển 1,400 thi hài từ những tu viện chính của thành phố đến một gò đất cao ngoài thành phố. Ở đó, trong hai huyệt mộ dài chất đầy củi, họ đặt thi thể người chết xuống và hỏa thiêu.

Khi những ngọn lửa hỏa thiêu âm ỉ bóc cháy, hàng trăm người đưa tiễn đã im lặng ngồi xuống trên sườn đồi bên cận các tăng sĩ, những người đang lần chuỗi tụng niệm cầu nguyện. Rõ ràng những nhân viên cảnh sát và người Hán không có mặt ở đây.

Những người đứng đầu tu viên nói rằng không có quan chức địa phương nào ghi danh những thân nhân gặp nạn của họ vào trong bản ghi tên hoả thiêu. Tuy nhiên những tăng sĩ này cẩn thận không nói ra bất cứ lời phê bình nào. Nhưng nhiều vị tăng trẻ thì không giữ im lặng được.

Tại một ngôi trường Tiểu học, các tăng sĩ nói rằng họ đã đưa 50 học sinh ra khỏi những phòng học đỗ nát, nhưng khi một viên chức đến hỏi có bao nhiêu người đã thiệt mạng thì cảnh sát chỉ đưa ra con số phân nửa. “Tôi nghĩ họ sợ thế giới biết trận động đất này tồi tệ đến mức nào,” Gen Ga Ja Ba, một tăng sĩ 23 tuổi đã nói như vậy.

Tuy nhiên, than phiền nhiều nhất là rằng, nhiều nỗ lực cứu trợ của chính quyền chỉ tập trung vào những tòa nhà lớn của thành phố, không màng đến những ngôi nhà xây bằng gạch vữa mà, trừ một vài ngoại lệ, đã đỗ sụp hàng ngàn. Một vài người nói rằng đã có những đụng độ với cảnh sát, mặc dù những thông tin như vậy không thể kiểm chứng.

Lời phê bình khác có phần kích động hơn: bất cứ khi nào các tăng sĩ cùng tập họp lại thì các lính tráng ngăn chặn họ, không để họ chung tay trong những nỗ lực cứu trợ trong suốt những ngày đầu sau trận động đất.

Tsairen, một vị tăng đã nói về việc ông và nhiều tăng sĩ khác đã va chạm với các lính tráng tại một khách sạn sụp đổ vào tối đầu tiên như thế nào. “Chúng tôi hỏi họ tại sao không để chúng tôi trợ giúp, và họ thật sự đã phớt lờ đi chúng tôi,” Tsairen đã nói như vậy.
Sau đó, ông và hơn 100 vị khác đã đến một ngôi trường dạy nghề, ở đó những tiếng kêu của các nữ sinh bị mắc kẹt vẫn còn được nghe thấy ở trong khu ký túc xá đổ sụp.

Họ nói rằng những người lính đã ngăn cản họ đến khu nhà, và sau đó vị đứng đầu tu viện của họ, Ga Tsai, đã va chạm với một người đàn ông mà họ mô tả là một quan chức nhà nước.

“Ông ta đã túm lấy y của tôi và kéo tôi ra đường,” Ga Tsai nói.

Vào buổi tối, sau khi các lính tráng đã rời khỏi hiện trường, thì các tăng sĩ đi làm việc, và rồi họ đưa ra thêm mười hai thi thể khác.

Những ngày gần đây, chính phủ tuyên bố sẽ tái thiết lại Jiegu, mà nó cũng có tên Trung Quốc là Yushu, hứa sẽ không hạn chế kinh phí. Nhưng trong khi nhiều người Tây Tạng biểu lộ lòng biết ơn đối với những nỗ lực cứu trợ và sự quan tâm của chính quyền, những người khác không mấy hoan nghênh.

Khi một chiếc máy xúc và một chiếc xe ủi rời khỏi khu ký túc xá đổ nát của trường dạy nghề vào ngày thứ bảy, Gong Jin Ba Ji, một học sinh 16 tuổi đã đứng nhìn theo.
Vào đầu ngày, cô nói, chiếc máy đã vô tình xé toạc thi thể của một bạn học. Cô mong họ sẽ tìm kiếm được thi hài chị gái của cô.

“Tôi mong họ sẽ làm việc cẩn thận hơn,” cô nói trong đớn đau. “Có lẽ họ không mấy quan tâm bởi vì chúng tôi là những người Tạng!”

Nguyên Hiệp dịch

Nguồn: http://www.nytimes.com