Khái niệm hiếu của Nho giáo và Phật giáo: một nghiên cứu so sánh


Tỳ-kheo Quảng Hưng - Nguyên Hiệp dịch

1. Giới thiệu

Chỉ một vài học giả hiện đại thực hiện những nghiên cứu so sánh về khái niệm hiếu của Phật giáo và Nho giáo, chẳng hạn như Michihata Ryoshu và Zhong Yulian. Cả Đạo đức học Phật giáo và Nho giáo (Buddhist and Confucian Ethics) của Michihata Ryoshu và Tư tưởng hiếu trong Nho giáo và Phật giáo (Filial Thought in Confucianism and Buddhism) của Zhong Yulian đã thảo luận khái niệm hiếu của hai trường phái một cách riêng biệt, trường phái này xong rồi đến trường phái kia. Do đó, ở ý nghĩa thật sự, những thảo luận của họ không phải là những nghiên cứu so sánh, bởi vì họ không bàn luận về những tương đồng và khác biệt cũng không phân tích nguyên nhân phía sau chúng. Sun Xiusheng cũng đã viết một bài về đề tài này, có tựa, Một nghiên cứu so sánh về khái niệm hiếu của Nho giáo và Phật giáo (A comparative study of Confucian and Buddhist concepts of filial piety). Nhưng nghiên cứu của Sun Xiusheng chỉ là một diễn tả đơn giản về một vài câu chuyện được tìm thấy trong văn học Phật giáo, và ông cũng không tóm tắt khái niệm hiếu trong Nho giáo cũng không phân tích nó trong Phật giáo. Wang Kaifu đã chạm đến khái niệm hiếu trong bài viết của mình, Tư tưởng đạo đức trong kinh Sigalovāda - những tương đồng và khác biệt giữa đạo đức học Nho giáo và Phật giáo (The Ethical thought in the Sigalovāda Sūtra — the similarities and differences of Confucian and Buddhist ethics).

Tuy nhiên Tông Mật ( 780-841), một học giả Phật giáo Trung Quốc, đã có một nghiên cứu so sánh văn tắt về hiếu đạo trong Phật giáo và Nho giáo trong luận giải của mình về kinh Vu lan bồn (Ullambana). Nhưng trong thảo luận của mình Tông Mật đã sử dụng hầu như văn học Đại thừa cũng như những quan điểm và thực hành phổ biến vào thời của ông; cho nên những kinh sách Phật giáo sơ kỳ chẳng hạn như các bộ A-hàm (Āgama) đã không được sử dụng, chưa nói đến các bộ Nikāya tiếng Pāli, mặc dù chúng là căn bản cho việc nghiên cứu cả khái niệm và thực hành hiếu đạo trong Phật giáo. Như vậy, nghiên cứu so sánh của Tông Mật bị giới hạn ở phạm vi. Chúng ta hiểu rằng Tông Mật có một mong muốn mạnh mẽ là hòa giải sự xung đột giữa Nho giáo và Phật giáo. Do đó trong nghiên cứu của mình, ông đã khẳng định rằng hiếu là nền tảng của cả Nho giáo và Phật giáo. Thực ra, nghiệp mới là nền tảng của lời dạy đạo đức trong Phật giáo, mặc dù hiếu cũng được coi trọng. Chính Nho giáo mới xem hiếu như là nền tảng của đạo đức.

Trong bài viết này, tôi chủ yếu giới hạn nơi những kinh sách nguyên thủy của cả Phật giáo và Nho giáo. Về Nho giáo, tôi sử dụng những kinh sách như Luận ngữ ( ), Thi kinh ( ), Mạnh Tử ( ), Lễ ký ( ) Hiếu kinh ( ); và với Phật giáo là các bộ Nikāya, A-hàm (Āgama), Luật tạng của những trường phái khác nhau bằng tiếng Pāli và ở những bản dịch Hán ngữ. Chọn những bản kinh này là bởi hai lý do sau. Trước hết, chúng ta có thể tìm thấy định nghĩa và miêu tả căn bản về khái niệm hiếu ở trong cả hai trường phái tư tưởng ở trong những kinh sách sơ kỳ của chúng; khái niệm đã được phát triển và thay đổi trong những tác phẩm về sau bởi những đạo sư khác nhau. Việc hiểu định nghĩa căn bản này về hiếu trong cả hai trường phái cũng sẽ giúp chúng ta trong việc nghiên cứu vấn đề trong những tác phẩm về sau. Thứ hai, có nhiều bản văn được viết bởi những đạo sư về sau của cả hai trường phái liên quan đến vấn đề mà chúng tôi không thể giải quyết trong bài viết này và phải để lại trong một bài khác.

Một vài học giả có thể nghĩ rằng việc sáng tác Hiếu kinh là về sau và khái niệm hiếu ở trong đó đã được phát triển rồi, vì vậy nên đưa nó ra nếu tôi chỉ muốn sử dụng những nguồn tài liệu sơ kỳ. Tôi đưa Hiếu kinh vào xem xét như một trong những nguồn tài liệu sơ kỳ của Nho giáo bởi vì nó là tác phẩm đại diện của Nho giáo về hiếu và nó tóm tắt khái niệm như đã được phát triển mãi về sau. Kết quả, tác phẩm này được bao gồm trong mười ba kinh sách của Nho giáo. Do đó, không đưa Hiếu kinh vào trong nghiên cứu của tôi sẽ để lại một khoảng trống.

2. Những tương đồng giữa Nho giáo và Phật giáo

Luân lý đạo đức là nền tảng của cả Phật giáo và Nho giáo và hiếu là một lời dạy đạo đức quan trọng. Có năm điểm tương đồng giữa hai trường phái tư tưởng liên quan đến hiếu.

1) Nhấn mạnh việc báo ân cha mẹ

Tư tưởng báo ân cha mẹ được tìm thấy cả ở trong Phật giáo và Nho giáo, nhưng cách thức báo ân lại khác nhau. Thi kinh, mà nó được những Nho gia xem là chân thực, dạy quan điểm hiếu và báo ân cha mẹ. Những kinh sách Nho giáo thường trích dẫn bản kinh này nhằm hỗ trợ chứng cứ cho quan điểm của chúng. Thi kinh nói:

“Cha người sinh ra ta!

Mẹ người nuôi dưỡng ta!

Ôm ấp, cho bú mớm,

Nuôi, dạy bảo nên người.

Săn sóc, không rời bỏ

Bồng bế khi ra vào

Nay lúc để báo đáp

Như trời rộng vô cùng” (Thi kinh 2.3).

Thi kinh ở đây miêu tả những vất vả và khó nhọc của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái, vì vậy nó nói rằng: “Đây là lúc ta phải báo đáp ân đức của cha mẹ, nhưng ân đức ấy như trời cao rộng vô cùng”.

Trong cả hai truyền thống Nam–Bắc truyền Phật giáo, chúng ta bắt gặp tư tưởng như được thể hiện trong Thi kinh về tình thương của cha mẹ đối với con cái. Kinh Kataññu của Tăng chi bộ viết:

“Này các Tỳ-kheo, có hai người ta nói không bao giờ trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là cha và mẹ. Cho dù một vai ta mang mẹ và một vai ta mang cha, và làm như vậy một trăm năm cho đến một trăm tuổi; và nếu người ấy cấp dưỡng cho cha mẹ, thoa xức, đấm bóp, tắm rửa và chà rửa tay chân họ, và trong khi ấy họ có đại tiện lên người – cho dù như vậy vị ấy cũng không thể báo đáp được công ơn của cha mẹ mình.

Thêm nữa, này các Tỳ-kheo, nếu vị ấy an trí cha mẹ mình vào quyền uy tối thượng, trong việc cai trị tuyệt đối khắp quả đất rộng lớn có đầy bảy loại châu báu này – dù vậy cũng không thể báo đáp đủ cha mẹ. Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều điều cho con cái: cha mẹ nuối nấng và giáo dưỡng chúng, giới thiệu chúng vào đời này”.

Từ những trích dẫn trên, rõ ràng là cả Phật giáo và Nho giáo có cùng quan điểm về hiếu với việc nhấn mạnh vào những gian lao vất vả của mẹ cha.

2) Kính trọng cha mẹ

Cả Phật giáo và Nho giáo đề cập đến lòng kính trọng đối với cha mẹ. Luận ngữ nói: “Ngày nay ‘hiếu’ chỉ có nghĩa là có thể nuôi dưỡng cha mẹ. Nhưng ngay chó ngựa cũng được nuôi. Vậy nếu không có kính trọng thì chỗ khác nhau nằm ở đâu?” (Luận ngữ 1.7). Vì vậy khái niệm hiếu đạo của Nho giáo là gốc và lễ là khuôn mẫu. Lễ ký cũng nói: “Có ba cấp độ hiếu. Cao nhất là kính trọng cha mẹ; thứ hai là không làm họ hổ nhục; và thấp nhất và nuôi dưỡng họ” (Lễ ký 24). Mạnh Tử tiếp tục một cách cơ bản tư tưởng Nho giáo liên quan đến kính trọng cha mẹ, khi nói: “Điều lớn lao nhất một người con có bổn phận có thể làm là kính trọng cha mẹ” (Mạnh Tử 9.4). “Một người con đại hiếu (大孝) thương kính cha mẹ mình suốt đời” (Mạnh Tử 9.1). Theo Nho giáo, trong thực hành hiếu, việc nuôi dưỡng cha mẹ mình là yêu cầu cơ bản và kính trọng cha mẹ là hình thức cao nhất. Do đó, “Trong khi hầu hạ cha mẹ, có thể nhẹ nhàng khuyên can họ. Tuy nhiên, mỗi khi họ không nghe theo lời khuyên can thì cũng nên cung kính mà không chống đối họ, và theo sự chỉ dạy của họ mà không oán giận” (Luận ngữ 4.17). Tầm quan trọng của kính trọng trong thực hành hiếu của Nho giáo được biểu thị rõ trong những trích dẫn này.

Mặc dù kính trọng là then chốt của khái niệm hiếu trong Nho giáo, trong thực tế người ta nên thực hiện nó phù hợp với lễ (). Vì vậy trong Luận ngữ, khi Mạnh Ý Tử hỏi Khổng Tử về hiếu, Khổng Tử nói: “Không phải là không vâng lời”. Phan Trì xin Khổng Tử giảng giải rõ điều này và Khổng Tử bảo ông: “Khi cha mẹ còn sống thì phụng dưỡng hợp với lễ; khi cha mẹ qua đời thì tống tang cho hợp lễ, cúng tế họ hợp với lễ” (Luận ngữ 2.5). Nói cách khác, trong việc thực hành hiếu, người ta nên theo lễ. Nhưng lễ là gì ở trong Nho giáo? Trong Hiếu kinh, Khổng Tử nói:

“Lễ chỉ là một vấn đề của kính trọng (). Theo đó, người con vui trong việc kính trọng cha mình; người em thấy vui trong việc kính trọng anh mình; quan lại thấy vui trong việc kính trọng vua; và tất cả dân chúng thấy vui trong việc kính trọng hoàng đế. Những người được kính trọng thì ít, nhưng người thấy vui trong việc thể hiện sự kính trọng này thì vô số. Đây là những gì được gọi là đạo ()” (Hiếu kinh 12).

Lại, Lễ ký cũng diễn tả: “Chúng là những luật tắc đúng đắn giúp xác định họ hàng thân hay sơ; giải quyết những điểm gây nên hiềm nghi; phân biệt chỗ giống và khác nhau; và phân biệt rõ ràng những gì đúng và những gì sai” (Lễ ký 1.6).

Theo những luật tắc đó, ta không nên (tìm cách) làm vui lòng người khác theo một cách thức không đúng đắn, cũng không lãng phí lời nói. Theo chúng, ta không vượt qua giới hạn được quy định, cũng không xâm phạm hay khinh thường người khác” (Lễ ký 1.7).

Từ thảo luận ở trên, rõ ràng là cả hiếu và lễ lấy sự kính trọng làm then chốt. Hiếu là tình cảm tự nhiên của một con người, trong khi lễ là luật lệ và mô thức cho việc thực hành nó. Trong Luận ngữ, Tể Ngã đã hỏi Khổng Tử về ba năm cử tang cha mẹ, trong khi cho rằng một năm là đủ lâu rồi:

“Nếu người quân tử không thực hành lễ trong ba năm, lễ nghi chắc chắn sẽ đổ nát; nếu ông ta không thực hành nhạc trong ba năm, nhạc chắc chắn sẽ băng hoại. Sau thời gian một năm, lúa cũ đã được dùng hết, trong khi lúa mới đã chín, và bốn loại bùi nhùi khác nhau tất cả đã được dùi để nhen lửa. Một năm chắc đã đủ lâu rồi.

Khổng Tử nói:

Điều này cho thấy Tể Ngã là người bất nhân! Một đứa trẻ hoàn toàn nhờ vào sự chăm sóc của cha mẹ nó trong ba năm đầu – đây là tại sao thời gian ba năm cử tang là thực hành phổ biến khắp thiên hạ. Tể Ngã có nhận được sự chăm sóc của cha mẹ nó trong ba năm hay không?” (Luận ngữ 17.21).

Từ đối thoại này, rõ ràng rằng theo tư tưởng Nho giáo sơ kỳ, hiếu là một tình cảm tự nhiên của một người con đối với cha mẹ. Hiếu kinh định rõ việc thực hành hiếu theo năm cách sau:

“Khổng Tử nói: ‘Con cái có hiếu thì trong khi hầu hạ cha mẹ trong đời sống hàng ngày cần thể hiện sự kính trọng (), trong khi phục vụ những nhu cầu và mong muốn của cha mẹ thì cố gắng mang đến cho họ niềm vui (), trong khi chăm sóc cha mẹ lúc bệnh đau thì thể hiện sự lo âu (), trong lúc cử tang cho họ thì thể hiện sự đau buồn (), và trong lúc cúng tế họ thì thể hiện sự đoan nghiêm (). Khi chuẩn bị đủ năm điều này thì mới có thể phụng sự cha mẹ mình’” (Hiếu kinh 10).

Phật giáo cũng dạy sự kính trọng đối với cha mẹ. Kinh Sabrahma thuộc Tăng chi bộ viết:

“Này các Tỳ-kheo, những gia đình nào mà ở đó con cái kính lễ cha mẹ thì được sánh ngang với Phạm thiên (Brahmā). Những gia đình nào mà ở đó con cái kính lễ cha mẹ thì sanh ngang với những bậc thầy xưa. Này các Tỳ-kheo, những gia đình nào mà ở đó con cái kính trọng cha mẹ thì xứng đáng được cúng dường. Này các Tỳ-kheo, ‘Phạm Thiên’ là từ dành cho cha mẹ. Này các Tỳ-kheo, ‘những bậc thầy xưa’ là từ dành cho cha mẹ. Này các Tỳ-kheo, ‘xứng đáng được cúng dường’ là từ dành cho cha mẹ. Vì sao vậy? Bởi vì cha mẹ làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, giáo dưỡng và giới thiệu họ vào đời”.

Trước hết, cha mẹ được kính trọng như Phạm thiên, vua của tất cả chư thiên. Theo Bà-la-môn giáo, con người được Phạm thiên tạo ra. Ở đây Đức Phật nói rằng nếu một người kính trọng Phạm Thiện như là đấng sáng tạo loài người, thì tốt hơn nên kính trọng cha mẹ mình bởi vì cha mẹ là đấng sáng tạo thật sự của họ. Thứ hai, cha mẹ được kính trọng như những vị tiên sư vì họ giáo dưỡng con cái từ thời điểm con cái mới chào đời. Thứ ba, cha mẹ được kính trọng như “xứng đáng cúng dường” vì đã cấp dưỡng những nhu cầu cơ bản cho con cái.

Kính trọng đối với cha mẹ cũng được thảo luận ở trong kinh Mahāyañña của Tăng chi bộ, mà ở đó chúng ta tìm thấy một đoạn đối thoại giữa Đức Phật và một vị Bà-la-môn thờ lửa, về cách thực hiện một tế lễ mà nó bao gồm việc sát hại nhiều bò và những thú vật khác. Đức Phật khuyên vị Bà-la-môn thờ lửa, bằng thuật ngữ hiến tế, rằng có ba loại lửa cần nên được tôn kính: cha mẹ là ngọn lửa đầu tiên; vợ con, người làm và những người phụ thuộc là thứ hai; ngọn lửa thứ ba là tượng trưng cho những người tu đạo mà họ hoặc chứng đắc A-la-hán quả hoặc đã dự vào dòng thánh, tu tập đoạn trừ những yếu tố tâm tiêu cực. Đức Phật nói với Bà-la-môn: “Ba ngọn lửa này, khi được tôn kính, chắc hẳn mang lại phúc lạc lớn nhất”. Ở đây cha mẹ là đầu tiên.

Hai bản kinh này minh chứng sư kính trọng đối với cha mẹ trong giáo pháp Phật giáo.

3) Bất hiếu là một trong năm trọng tội

Cả Phật giáo và Nho giáo xem bất hiếu là một trong năm trọng tội.

Nho giáo xem bất hiếu là điều thứ nhất trong năm trọng tội. Như Hiếu kinh nói:

Khổng Tử nói: ‘Năm hình phạt được áp dụng cho ba ngàn tội phạm, nhưng không có tội nào trong đó nghiêm trọng hơn tội bất hiếu’” (Hiếu kinh 11).

Vào thời nhà Hán, tư tưởng “trị quốc bằng việc sử dụng hiếu” được nghĩ ra và áp dụng; bất hiếu được xem như là một trong những trọng tội. Theo Xuân thu quyết ngục (春秋決獄), “Người mà đánh đập cha mẹ sẽ bị chém đầu”. Đây là luật liên quan đến thực hành hiếu đạo ở thời nhà Hán (206 tr.TL – 220 TL). Vì vậy từ thời Tam quốc đến thời Nam–Bắc triều, những nội dung của hiếu trở nên có hệ thống và cụ thể hơn. Chính trong suốt thời Bắc Tề (550-577) mà “mười trọng tội” được thiết định và viết thành luật; bất hiếu là tội thứ tám. Theo luật của thời Lưu Tống (420-479), “Người nào bất hiếu đối với cha mẹ sẽ bị đánh đập và treo ngoài chợ” (The Biography of Gu Kaizi in the Song Shu, the History of the Liu Song Dynasty). Vào thời nhà Đường, “Mười điều ác xuất hiện ở trong những quyển sách luật và bất hiếu là tội thứ bảy”. Tùy thư (隋書, Lịch sử của triều Tùy) nói, “Lại nữa ‘mười điều ác’ được thiết định… Điều thứ bảy là bất hiếu”. Mục “mười điều ác” có mặt trong những quyển sách luật từ đời Đường mãi cho đến cuối thời nhà Thanh và bất hiếu là một trong mười điều ác. Hệ thống luật đời Đường là hệ thống hoàn bị nhất. Hình phạt cho sự bất hiếu là: “Người nào chửi rủa cha mẹ và ông bà mình sẽ bị treo cổ, người nào đánh đập họ sẽ bị chặt đầu”. “Những ai tố cáo ông bà cha mẹ của mình (vì bất kỳ việc làm xấu nào) sẽ bị treo cổ”.

Theo giáo pháp Phật giáo, giết mẹ cha là hai tội đầu trong năm tội nặng nhất. Kinh Parikuppa thuộc Tăng chi bộ viết:

“Này các Tỳ-kheo, năm nghịch tội này đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không có thể chữa trị. Thế nào là năm? Ðoạt mạng mẹ, đoạt mạng cha, đoạt mạng A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, phá hòa hợp Tăng. Thực sự, này các Tỳ-kheo, năm pháp ngũ nghịch này đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị”.

Theo bài kinh này, người nào giết mẹ hoặc cha của mình là phạm tội nghiệp nặng nhất do đó vị ấy sẽ đọa vào địa ngục. Điều này cho thấy tầm quan trọng của hiếu đạo trong đạo đức Phật giáo.

Bản dịch Hán ngữ Tăng nhất A-hàm (Ekottarāgama) cũng cho chúng ta biết rằng có 11 loại người không thể đạt đạo; một trong số họ là giết cha mẹ của mình. Theo Luật tạng của những trường phái khác nhau, người nào giết cha mẹ của mình sẽ không được phép gia nhập Tăng đoàn, và nếu vị ấy đã gia nhập thì nên tẩn xuất.

4) Phổ quát việc thực hành hiếu đạo

Cả Phật giáo và Nho giáo đã phổ quát hóa việc thực hành hiếu đạo, xem đó như là luật phổ quát. Theo Luận ngữ, hiếu là một tình cảm tự nhiên của người con đối với cha mẹ của mình, nhưng quan điểm này đã được phát triển trong Lễ ký và nó khái quát hóa luân lý này như một luật phổ quát, là đạo thường của trời và nghĩa của đất. Tất cả hành xử con người được nối kết với hiếu, từ chiến tranh đến đời sống hàng ngày: trong việc phục vụ người trị vì, trong giao tiếp với bạn bè. Nó bao gồm tất cả mọi phương diện của đời sống con người.

Tăng Tử nói: ‘Thân thể này là do cha mẹ của ta truyền lại; vậy ai dám bất kính trong việc sử dụng di thể của mẹ cha? Nếu một người hành xử không đoan chính thì người này không phải là hiếu; nếu một người phục vụ vua mà không trung thành thì người này không phải là hiếu; nếu trong việc thực thi những bổn phận của một vị quan mà không kính thì người này không phải là hiếu; nếu với bạn bè mà không chân thành thì người này không phải là hiếu; nếu ở nơi chiến trận mà không dũng cảm thì người này không phải là hiếu. Nếu không làm được năm điều này thì cha mẹ sẽ bị ô nhục; vậy dám không kính chúng sao?’” (Lễ ký 24.26).

Lễ ký khái quát thêm luân lý này: “Đốn một cái cây đơn độc, hay giết một con thú đáng thương, không phải là lý do chính đáng, là trái với hiếu”. (Lễ ký 24.28). Như vậy hiếu được xem như một chân lý phổ quát.

“Tăng Tử nói: ‘Thiết lập hiếu, và nó sẽ lấp đầy trời đất; phổ biến nó ra khắp bốn biển,truyền nó lại cho đời sau, và từ sáng đến tối nó sẽ được tuân giữ; đẩy nó vào biển Đông, biển Tây, biển Nam và biển Bắc, và nó sẽ là luật dành cho con người. Kinh Thi nói: ‘Từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc, không ai không tuân theo’” (Lễ ký 24.27).

Phổ quát hóa hiếu đạo của Phật giáo thì khác với Nho giáo. Phật giáo xem mọi phụng sự và giúp đỡ chúng sanh là hiếu. Điều này là bởi Phật giáo không nghĩ cái chết là sự chấm dứt đời sống mà là một sự thay đổi hình thức. Một người có thể tái sanh vào cõi trời để thụ hưởng đời sống sung sướng hay sanh vào địa ngục chịu nếm trải khổ đau. Chúng sanh lang thang trong cõi luân hồi (samsāra) từ vô thỉ đến nay, vì vậy tất cả những chúng sanh khác có thể đã là cha mẹ của ta ở trong những kiếp quá khứ. Do đó ta nên thực hành hiếu đối với tất cả chúng sanh. Đức Phật dạy những đệ của của Ngài trong kinh Mātu thuộc Tương ưng bộ (Samyuttanikāya):

“Này các Tỳ-kheo, vòng luân hồi này là vô thỉ… Này các Tỳ-kheo, nó là không dễ để tìm thấy một chúng sanh ở trong thời gian dài này trước đây không phải là mẹ ta… cha ta… chị ta… con trai ta… con gái ta. Vì lý do gì? Này các Tỳ-kheo, bởi vì vòng luân hồi này là vô thỉ…”.

5. Báo ứng của việc thực hành hiếu đạo

Cả Phật giáo và Nho giáo dạy những báo ứng mà chư thiên hay trời đem lại cho người hiếu đạo. Nho giáo cho rằng việc làm hiếu đạo của một người sẽ được trời đền đáp. Trong khi Phật giáo dạy rằng chư thiên sẽ ủng hộ những việc làm hiếu đạo của con người.

Hiếu kinh nói: “Sự thực, hiếu là đạo thường () của trời, là nghĩa () của đất và là đức hạnh () của con người” (Hiếu kinh 7). Vì vậy, một cách tự nhiên, trời sẽ ủng hộ những hành động hiếu của con người. Theo Hiếu kinh:

“Khi còn sống cha mẹ ta có thể hưởng được những sự an nhàn; khi qua đời linh hồn họ có thể hưởng được sự cúng tế. Như vậy thế giới này đi đến hòa bình, những tai họa thiên nhiên không xảy ra, họa hoạn và bạo loạn không sanh khởi. Đó là cách những vị minh vương sử dụng hiếu để cai trị thiên hạ. Kinh Thi nói: ‘Khi có đức lớn, các nước ở bốn phương đều thuận theo’” (Hiếu kinh 8).

Những gì Nho giáo nhấn mạnh ở đây là rằng hòa bình sẽ lan khắp khi người ta có đạo đức. Nhưng Hiếu kinh xa hơn giải thích điều này như là sự ủng hộ của thần linh.

“Trước đây những vị minh vương (明王) phụng dưỡng cha của họ với hiếu, và do đó thờ trời với sự sáng suốt (). Những vị vua phụng dưỡng mẹ của họ với hiếu, và do đó thờ đất với sự sâu sát (). Người lớn và trẻ nhỏ hòa thuận với nhau, và do đó cả người trên và kẻ dưới có tôn ti và khéo trị. Khi các vị vua sáng rõ và sâu sát trong việc phục vụ của họ đối với trời và đất, thần linh sẽ ban phước cho họ.

Như vậy, ngay cả thiên tử cũng phải thể hiện sự tôn kính, và phải thuận theo người. Ta tỏ lòng tôn kính ở nơi tông miếu ( ) bởi vì ta không quên cha mẹ của mình. Ta tu dưỡng tâm tính và cẩn trọng trong hạnh kiểm bởi ta sợ làm hổ nhục tổ tiên.

Khi ở tại tông miếu, vua thể hiện sự tôn kính, khiến quỷ thần hiện ra. Khi hiếu và để () có mặt, ta kết thông với thần. Điều này dẫn đến sự chói sáng khắp thế gian, không nơi nào là không thông suốt” (Hiếu kinh 16).

Vua Huyền Tông nhà Đường đã giải thích câu trích dẫn “thần minh chương hỉ” ( ) ở trong Hiếu kinh“Khi trời và đất được thờ với trí thông minh và suy xét đúng đắn, sự anh minh của thần linh sẽ biết sự đứng đắn [của con người] và ban phước lành và bảo hộ họ. Như người ta nói: ‘thể hiện quyền năng ban ơn của họ’”. Hình Bỉnh (邢昺 932-1010) đã giải thích điều này trong luận giải của mình về Hiếu kinh“Chương này giải thích sự ảnh hướng của hiếu và sự báo ứng đối với nó”. Như vậy từ Hiếu kinh đến vua Đường Huyền Tông và đến Hình Bỉnh, tất cả giải thích rằng hiếu sẽ tác động đến thần linh, và họ sẽ ủng hộ người thực hành nó. Do đó trong những sách sử chính thống Trung Quốc có những chương đặc biệt dành ghi chép những câu chuyện về việc báo ứng đối với những người thực hành hiếu đạo. Những câu chuyện hư cấu nổi tiếng là chuyện về người con trai hiếu thảo Quách Cự ( ), người bởi vì nghèo khó đã chôn con trai của mình để nuôi mẹ; và ông được trời ban thưởng vàng. Vương Tường ( ), để bắt một ít cá cho mẹ mình, đã sử dụng thân thể của mình để làm tan băng; bởi vì lòng hiếu thảo của ông băng đã tan và hai con cá đã nhảy lên như là sự ban tặng của trời.

Phật giáo có một quan điểm tương tự. Tôn kính cha mẹ được xem như là nguyên tắc đâu tiên của phẩm hạnh đạo đức, là pháp, con đường mà vạn vật nên là. Nếu cha mẹ không được tôn kính, những điều xấu ác sẽ xảy ra, chẳng hạn như chiến tranh. Quan điểm này được tìm thấy ở nhiều nơi trong kinh Tăng chi Pāli cũng như ở trong những bản dịch Hán ngữ của Tạp A-hàm, Trường A-hàmTăng nhất A-hàm.

Những bản kinh này nói rằng vào ngày thứ tám, ngày thứ 14 và 15 của mỗi tháng, Tứ Đại Thiên Vương cùng con trai và tùy tùng của họ đi dạo khắp thế gian này để xem xét dân chúng có kính trọng cha mẹ họ hay không, có kính trọng các ẩn sĩ và Bà-la-môn, có thể hiện sự kính trọng đối với những vị niên trưởng của dòng tộc và có làm những việc thiện hay không. Sau đó Tứ Đại Thiên Vương trình báo với người cai trị chư thiên của cõi trời Tam thập tam khi họ ngồi trong Chánh pháp đường. Nếu việc trình báo tiêu cực, chư thiên của cõi trời Tam thập tam không hài lòng, nói: “Quả thật, thưa chư vị, chư thiên sẽ suy giảm và A-tu-la sẽ tăng thịnh”. Nhưng nếu Tứ Đại Thiên Vương tường thuật với những lời tích cực thì chư thiên của cõi trời Tam thập tam sẽ hoan hỷ, nói: “Quả thực, thưa chư vị, chư thiên sẽ tăng thịnh và A-tu-la sẽ suy giảm”.

Trong kinh điển Phật giáo, A-tu-la được biết là thường đánh nhau với chư thiên. Theo từ điển Pali-English Dictionary: “Việc đánh nhau giữa chư thiên và A-tu-la cũng được phản ánh ở trong những cuốn sách cổ nhất của kinh tạng Pāli và xuất hiện trong sự mô tả đồng nhất dưới tựa đề ‘devāsura-sangāma’ ở nhiều nơi”. Được biết, chư thiên tượng trưng cho sự chính trực, như đoạn kinh Pāli cho chúng ta biết rằng ngay cả hội đường của chư thiên được đặt tên là Sudhammā, Chánh pháp đường: “Tứ Đại Thiên Vương tường trình vấn đề đến chư thiên của cõi trời Tam thập tam khi họ hội họp trong Chánh pháp đường (Sudhammā)…”. Điều này được hỗ trợ bởi bản dịch Hán ngữ của Tạp A-hàm, Trường A-hàmTăng nhất A-hàm, mà theo đó chư thiên hội họp trong Chánh pháp đường để thảo luận những vấn đề sau khi họ xem xét thế gian. Vị vậy đoạn trích ở trên hàm ý rằng nếu dân chúng không kính trọng cha mẹ, các Sa-môn và Bà-la-môn, thì sẽ có thêm sự giao chiến, bởi vì các A-tu-la thích đánh nhau, trong khi chư thiên thích hòa bình. Vì vậy theo đoạn kinh này, việc con người kính trọng cha mẹ hay không là gốc của việc thực hành đạo đức mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự yên bình của thế gian.

Kinh Cakkavatti Sīhanāda được tìm thấy trong Trường bộ kinh Pāli và cả ở trong bản dịch Hán ngữ Trường A-hàmTrung A-hàm, đề cập rằng việc cha mẹ có được kính trọng hay không, là một trong những yếu tố đưa đến việc tăng thịnh hay suy giảm của tuổi thọ con người. Bản kinh này nói rằng khi tuổi thọ của con người suy giảm đến 250 tuổi, những điều sau sẽ gia tăng: thiếu hiếu kính với cha mẹ, thiếu kính lễ những người tu hành, thiếu tôn kính người đứng đầu gia tộc. Vì vậy thọ mạng giảm xuống còn một trăm tuổi.

Khi thọ mạng của con người chỉ con mười tuổi, “hại tâm rất mãnh liệt, sân tâm rất mãnh liệt, ác ý rất mãnh liệt, sát hại tâm rất mãnh liệt ngay ở nơi người mẹ đối với con, con đối với mẹ, nơi người cha đối với con, con đối với cha”.v.v… Những gì người ta làm chỉ là mười ác nghiệp; mười thiện nghiệp không được nghe đến.

Ngược lại, thọ mạng của con người gia tăng khi họ kính trọng cha mẹ, các tu sĩ, người đứng đầu gia tộc. Bản Pāli nói rằng điều này xảy ra khi thọ mạng con người là 20 tuổi, và bởi vì điều thiện mà họ làm, họ sẽ gia tăng thọ mạng; kết quả, con trai của họ sẽ sống 40 năm. Như vậy, hiếu thậm chí ảnh hướng đến trật tự của tự nhiên.

Những ví dụ này cho thấy rằng Phật giáo cũng nói đến sự ủng hộ của chư thiên đối với việc thực hành hiếu đạo, nhưng điều này gần với những quan điểm được tìm thấy trong Luận ngữ và khác nhiều với Lễ ký.

Những khác nhau trong Phật giáo và Nho giáo

Vì Phật giáo và Nho giáo khác nhau trong triết học của họ về đời sống, nên có bốn điểm khác nhau trong khái niệm và thực hành của họ về hiếu. Triết học Nho giáo về đời sống nhấn mạnh vào gia đình và những trách nhiệm xã hội của cá nhân để người ta vừa là một thành viên có hiếu của gia đình và vừa tích cực tham gia vào phục vụ xã hội; nó nhằm vào tu sửa bản thân, chỉnh đốn gia đình, lãnh đạo tốt quốc gia và kiến tạo hòa bình ở trong thế gian. Điều này được mô tả rõ ràng trong sách Đại học ( ).

“Từ cổ xưa, những ai muốn phát huy tính thiện khắp thiên hạ thì trước kết phải cai trị tốt nước mình. Muốn lãnh đạo tốt nước mình thì trước hết họ chỉnh đốn gia đình họ. Muốn chỉnh đốn gia đình thì trước hết họ tu dưỡng bản thân. Muốn tu dưỡng bản thân thì trước hết họ tu sửa tâm tính mình. Muốn tu sửa tâm tính thì trước hết họ tìm cách làm cho ý nghĩ của mình ngay thật. Muốn ý nghĩ của mình ngay thật thì trước hết họ mở rộng tận cùng hiểu biết của mình. Sự mở rộng hiểu biết ấy nằm ở nơi việc nghiên tầm sự vật. Sự vật được nghiên tầm thì hiểu biết mới trở nên hoàn thiện. Hiểu biết của họ hoàn thiện thì ý nghĩ của họ mới ngay thật. Ý nghĩ của họ ngay thật thì tâm họ mới được tu sửa. Tâm của họ được tu sửa thì bản thân mới được tu dưỡng. Bản thân được tu dưỡng thì gia đình họ mới được chỉnh đốn. Gia đình họ được chỉnh đốn thì đất nước họ mới được cai trị đúng đắn, toàn thể vương quốc mới được thanh bình và phúc lạc” (Đại học 3).

Như được thảo luận ở trên, hiếu là gốc rễ và nền tảng của đạo đức Nho giáo và nó là cơ sở cho việc tu thân. Còn mục đích của triết học Phật giáo về đời sống là chấm dứt khổ đau ngang qua việc giải thoát khỏi thế giới tham dục và chấp thủ, nhưng điều này không có nghĩa là rời khỏi thế giới vật lý. Do đó theo giáo pháp Phật giáo, người ta tu bồi đạo đức trước và cuối cùng đạt được sự giải thoát rốt ráo.

1) Những cách thức báo ân cha mẹ

Cách thức báo ân cha mẹ khác nhau ở trong Nho giáo và Phật giáo, khi triết học về đời sống ở trong hai hệ tư tưởng thì khác nhau. Những kinh sách Nho giáo như Luận ngữ, Lễ ký, Đại đới lễ ký ( ), Mạnh TửHiếu kinh… miêu tả chi tiết khái niệm và thực hành hiếu. Luận ngữ nói: “Khi cha mẹ còn sống, hầu hạ họ theo lễ; khi cha mẹ qua đời, an táng và cúng tế họ theo lễ” (Luận ngữ 2.5). Đại đới lễ ký nói: “Có ba loại hiếu. Lớn nhất là kính trọng cha mẹ, thứ hai là không làm họ hổ nhục, và thứ ba là nuôi dưỡng họ.” (Đại đới lễ ký 11.1). Hiếu kinh tóm tắt:

“Con cái có hiếu thì trong khi hầu hạ cha mẹ trong đời sống hàng ngày cần thể hiện sự kính trọng (), trong khi phục vụ những nhu cầu và mong muốn của cha mẹ thì cố gắng mang đến cho họ niềm vui (), trong khi chăm sóc cha mẹ lúc bệnh đau thì thể hiện sự lo âu (), trong lúc cử tang cho họ thì thể hiện sự đau buồn (), và trong lúc cúng tế họ thì thể hiện sự đoan nghiêm (). Khi chuẩn bị đủ năm điều này thì mới có thể phụng sự cha mẹ mình” (Hiếu kinh 10.1).

Ở đây rõ ràng rằng hiếu được phân thành hai, ba và năm phần. Nhưng điều này vẫn không bao gồm tất cả mọi khía cạnh của hiếu trong Nho giáo. Do đó những học giả hiện đại có những phân loại khác nhau. Để cho tiện thảo luận, tôi sẽ phân hiếu trong Nho giáo thành bảy khía cạnh dưới hai đề mục. Thứ nhất, khi cha mẹ còn sống, con cái nên (1) kính trọng, (2) làm cho họ hạnh phúc với tất cả mọi loại phụng dưỡng, không phiền lòng khi họ bệnh, (3) được khuyên là không được buồn bực. Thứ hai, khi cha mẹ qua đời, (4) tang lễ nên được thực hiện theo lễ, (5) nghề nghiệp của họ nên được tiếp tục để thanh danh họ được lưu truyền đến những thế hệ tương lai, (6) giữ thân thể nguyên vẹn, và (7) có con cái nối dõi.

Trong những điều này, từ số 1 đến số 5 được tìm thấy trong Phật giáo, nhưng số 6 và số 7 thì không.

Bản kinh Phật có tên Sigālovāda dạy người ta thực hiện năm điều như là sự thực hành hiếu. Một người con nên chăm sóc cha mẹ bằng việc (1) nuôi dưỡng họ, (2) thực hiện những bổn phận của mình, (3) giữ truyền thống gia đình, (4) xứng đáng là người thừa kế, và (5) bố thí để tỏ lòng tôn kính những người thân quá cố. Năm mục này được tìm thấy trong năm phương diện đầu của Nho giáo, ngoại trừ rằng mục thứ ba được thảo luận trong kinh khác. Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng miêu tả của Nho giáo về hiếu thì chi tiết hơn Phật giáo, bởi vì hiếu là nền tảng của giáo thuyết Nho giáo.

Cả Phật giáo và Nho giáo ủng hộ việc khuyên nhủ cha mẹ như một cách thức báo ân, nhưng cách để khuyên cha mẹ là khác nhau trong hai trường phái tư tưởng này. Theo Nho giáo, khi khuyên cha mẹ, một người con nên làm điều đó một cách nhẹ nhàng với sự kính trọng nhất. Tuy nhiên nếu cha mẹ không nghe, người con không nên bực tức. Như Luận ngữ nói:

“Trong khi hầu hạ cha mẹ, có thể nhẹ nhàng khuyên can họ. Tuy nhiên, mỗi khi cha mẹ không nghe theo lời khuyên can thì cũng nên cung kính mà không chống đối họ, và theo sự chỉ dạy của họ mà không oán giận” (Luận ngữ 4.18).

Tuy nhiên, đó là bổn phận tích cực của một người con để khuyên cha mẹ của mình. Hiếu kinh nói rõ điều này. Tăng Tử hỏi Khổng Tử: “Con mạo muội hỏi thầy là con cái có thể được cho là có hiếu chỉ bởi việc vâng theo mệnh lệnh của cha mẹ họ không?”. Khổng Tử cả giận nói:

“Ông đang nói gì? Ông đang nói gì? Trước đây khi một vị thiên tử có bảy vị cận thần tranh luận với mình, cho dù ông không có đạo đức (vô đạo) ông vẫn không mất thiên hạ. Khi chư hầu có năm triều thần tranh luận với họ, cho dù vô đạo họ vẫn không mất nước. Khi những vị đại phu có ba hầu thần tranh luận với họ, cho dù vô đạo họ vẫn không mất nhà. Nếu những quan lại có một người bạn tranh luận với họ, họ vẫn không mất thanh danh. Nếu một người cha có con tranh luận với mình, ông sẽ không rơi vào bất nghĩa ( ). Vì vậy, khi có sự bất nghĩa, thì con chắc hẳn tránh tranh luận với cha và tôi hầu chắc hẳn tránh tranh luận với chủ. Do đó, tranh luận là sự đối phó duy nhất đối với sự bất nghĩa. Vậy có thể nào việc vâng theo mệnh lệnh của cha có thể được xem là hiếu? (Hiếu kinh 15).

Ở đây hoàn toàn rõ ràng rằng nếu một người không khuyên cha mẹ của mình nếu cha mẹ có khả năng làm điều sai trái, điều đó giống như làm cho họ bất chính và được xem là bất hiếu. Vì vậy trong Lễ ký, Khổng Tử nói: “Vâng theo những mệnh lệnh (của cha mẹ mình) mà không than phiền; nhẹ nhàng tranh luận với họ mà không mỏi mệt; và không kêu ca than phiền chống lại họ, dù bị họ đánh đập, có thể được cho là hiếu. Thi kinh nói rằng: ‘Người con hiếu không mệt mỏi trong việc phục dịch của mình’”. (Lễ ký 30.18).

Phương pháp và thái độ đối với cha mẹ trong việc khuyên họ được thảo luận chi tiết trong Đại đới lễ ký:

“Đan Cử Lại hỏi Tăng Tử: ‘Có phương pháp nào trong việc hầu hạ cha mẹ không?’ Tăng Tử nói: ‘Có, thương yêu và kính trọng. Nếu đạo đức của cha mẹ theo hướng tốt, vậy thì ta nên theo họ. Nếu không, vậy thì ta khuyên họ; nếu lời khuyên không được ghi nhận, ta nên hành động vì họ. Nếu ta [mù quáng] theo cha mẹ mà không khuyên can hay phản đối, đó không phải là hiếu, nhưng nếu ta chỉ phản đối mà không theo chỉ bảo của họ, đó cũng không phải là hiếu. Phản đối của một người con hiếu đạo nên nhằm cho sự tốt lành chứ không phải cho tranh cãi và gây sự; nếu một sự tranh cãi xảy ra, nó sẽ gây nên hỗn loạn. [Nếu một người con nghĩ rằng] do lời khuyên của mình mà cha mẹ trở nên hoàn thiện, có sự an bình; còn [nếu một người con nghĩ rằng] nhờ lời khuyên của mình cha mẹ trở thành những hiền thánh, sẽ có sự hỗn loạn. Một người con hiếu đạo không có hạnh phúc riêng tư, vị ấy lo nghĩ về những mối ưu tư của cha mẹ và vui với niềm hạnh phúc của cha mẹ. Nếu một người con có hiếu khéo léo thay đổi [cách thức đưa ra lời khuyên của mình], thì cha mẹ của vị ấy trở nên an ổn. Nếu vị ấy ngồi nghiêm trang như thể ở trong một lễ cúng tế, đứng thẳng như thể cúng tế, không nói khi không có yêu cầu, và chỉ nói theo mong muốn của cha mẹ, điều này khiền người ta thành một người có hành xử tốt, nhưng đó không phải là cách con của một người nên là’” (Đại đới lễ ký 12.1).

“Nếu cha hay mẹ có khiếm khuyết, (người con) với sự e dè, thái độ ôn tồn và giọng nói nhẹ nhàng, nên khuyên nhắc cha mẹ mình. Nếu lời khuyên không hữu hiệu, vị ấy lại càng tôn kính và hiếu nghĩa hơn; và khi người cha dường như vui vẻ, vị ấy sẽ lập lại lời khuyên. Nếu người cha không hài lòng với điều này, tốt hơn để ông ấy phạm tội với người nào đó trong xóm giềng, (khi ấy người con) nên mạnh mẽ than trách. Nếu người cha giận dữ và bực mình (hơn) và đánh con mình cho đến chảy máu, người con không nên giận dữ bực tức, mà (vẫn) kính trọng và hiếu kính hơn” (Lễ ký 12.18).

Sự phản đối hay khuyên can của một người con đối với cha của mình được mô tả chi tiết trong Lễ ký với những luật lệ. Ví dụ, một người con nên khiêm nhường khuyên cha mẹ với lời lẽ nhẹ nhàng và diện mạo vui vẻ. Nếu cha mẹ không vui và đánh anh ta đến chảy máu, người con không nên phẫn uất, mà tăng thêm lòng kính trọng. Trong khi khuyên nhủ, anh ta không nên tranh cãi với cha mẹ, nếu không nó là điểm khởi đầu của hỗn loạn. Nếu cha mẹ không chấp nhận lời khuyên, anh ta nên xem cách đưa ra lời khuyên của mình có sự thiếu sót nào hay không. Lời khuyên này nên được đưa ra chỉ ba lần; nếu cha mẹ vẫn không nghe, thì ta nên nghe cha mẹ.

Phật giáo có một lời dạy tương tự như vậy về việc khuyên cha mẹ làm những điều tốt. Trong kinh Kataññu thuộc Tăng chi bộ, điều này được đề cập:

“Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú cha mẹ vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.

Bốn cách thức khuyên cha mẹ này được thảo luận chi tiết ở trong kinh Vyagghapajja:

“Có bốn pháp này, này Byagghapajja, đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai cho thiện nam tử. Thế nào là bốn?

Ðầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ lòng tin?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: ‘Ðây là Thế Tôn... bậc Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn’. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ lòng tin. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ giới đức?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ giới đức. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ bố thí?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia sẻ vật bố thí. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ bố thí. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ trí tuệ?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với thánh thể nhập (quyết trạch), chơn chánh chấm dứt khổ đau. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ trí tuệ”.

Theo kinh này, nêu ta có thể khuyên cha mẹ mình theo bốn cách này bằng một cách thức khéo léo, cha mẹ sẽ có được một đời sống tốt đẹp trong đời này cũng như ở đời sau. Đây là điều người Phật tử xem là cách báo ân tốt nhất đối với cha mẹ mình. Kinh Bản sự ( / Itivṛttaka sūtra) do Huyền Trang dịch cũng có một phóng tác của bản kinh ngắn này mà ở đó cách thức khuyên cha mẹ được mô tả là khéo léo khuyên bảo và an ủi họ bằng cách làm gương và ca ngợi những việc làm tốt.

Sự khác nhau giữa Phật giáo và Nho giáo trong việc khuyên cha mẹ là rằng Phật giáo nhấn mạnh việc khuyên cha mẹ làm nhiều việc thiện hơn, ví dụ như thọ trì năm giới và bố thí, trong khi Nho giáo nhấn mạnh những cách thức đưa ra lời khuyên. Theo học thuyết nghiệp của Phật giáo, chỉ khi cha mẹ thực hiện những việc làm thiện thì họ mới có thể hưởng được kết quả tốt trong đời này và đời sau. Nhưng theo truyền thống Nho giáo, kính trọng là điều tiên quyết, vì vậy cách thức khuyên trở thành điểm hết sức quan trọng: những cách thức kính trọng khiến họ hạnh phúc, trong khi những cách thức sai trái khiến họ không hạnh phúc.

Ngoài ra, cách thức khuyên của Phật giáo thì tích cực và chủ động hơn trong khi cách thức của Nho giáo thì thụ động hơn. Theo Phật pháp, ta nên khuyên cha mẹ của mình làm việc thiện trong đời sống hàng ngày trong khi cha mẹ còn khỏe mạnh để họ có thể hưởng được những quả lành từ việc làm của họ cả trong đời này và đời sau. Còn theo giáo huấn của Nho giáo, chỉ khi nào cha mẹ phạm những lỗi lầm thì ta mới khuyên họ.

Nho giáo có thêm hai mục trong thực hành hiếu đạo: giữ thân thể nguyên vẹn và có người nối dõi. Hai mục này không được thảo luận trong kinh sách Phật giáo bởi vì ý thức hệ của Phật giáo thì khác. Nếu chúng ta hiểu “giữ nguyên vẹn thân thể” như là không làm hại thân thể vật lý của mình thì Phật giáo chủ trương điều ấy, nhưng không phải làm như vậy vì hiếu. Những Phật tử cho rằng thân thể vật lý nên luôn được gìn giữ để có sức khỏe tốt vì nó là phương tiện quan trọng cho một Phật tử thực hành Pháp và để thực hiện mục đích của đời sống. Tuy nhiên, Phật giáo không xem thân thể vật lý như là thứ gì đó thiêng liêng, đến mức như nó là một tặng phẩm của cha mẹ, như những Nho gia chủ trương. Kinh Sīhanāda thuộc Tăng chi bộ thậm chí nói: “Ví như, bạch Thế Tôn, có người mang một cái bát đầy mỡ, có thủng nhiều lỗ, thủng nhiều đường, bị chảy, bị rỉ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con mang cái thân này, có thủng nhiều lỗ, có thủng nhiều đường, bị chảy, bị rỉ”. Do đó một Phật tử được phép hy sinh thân mạng của mình để thực hiện hành động Bồ-tát cứu giúp chúng sanh. Trong những câu chuyện tiền thân Phật giáo, chúng ta thấy rằng trong những kiếp quá khứ, Đức Phật Thích Ca là một vị Bồ-tát và Ngài đã bố thí tay chân cho kẻ khác và thậm chí hy sinh thân mạng cho những kẻ khác.

Theo học thuyết nghiệp, tư tưởng đạo đức là một trách nhiệm hoàn toàn cá nhân, vì vậy nó luôn nói về những hành vi và kết quả của chúng đối với một cá nhân. Nhưng tư tưởng đạo đức Nho giáo là một trách nhiệm gia đình, vì vậy nó luôn nói về mối liên hệ giữa cha và con. Do đó, theo học thuyết nghiệp Phật giáo, ta chỉ có thể gặt những kết quả từ những việc làm của chính mình, mà nó có thể tốt hoặc xấu. Con cái không bao giờ có thể làm điều đó thay cho cha mẹ. Kết quả là, con cái không có ảnh hưởng trực tiếp đến cha mẹ, mà khuyên họ làm điều tốt thì hữu ích hơn. Quan điểm có con cái nối dõi không phải là chính yếu của tư tưởng đạo đức Phật giáo bởi vì nó không liên quan đến cha mẹ và lợi ích của họ không tùy thuộc vào con cháu.

2) Hiếu đạo là tiêu chuẩn cao nhất đối lại với nghiệp

Nho giáo xem hiếu là tiêu chuẩn cao nhất mà tất cả mọi thành viên trong xã hội phải tuân theo, trong khi Phật giáo xem nghiệp là cơ sở của đạo đức, mặc dù Phật giáo cũng dạy hiếu là phẩm hạnh đạo đức quan trọng nhất. Chính bởi vì giáo huấn cốt tủy của Nho giáo là luân lý mà nó tập trung vào gia đình, và hiếu là nền tảng của luân lý gia đình, còn nếu không thì gia đình sẽ không có nền tảng. Do đó trong Nho giáo chính từ hiếu mà tất cả những giáo huấn đạo đức được triển khai. Vì vậy hiếu đạo trở thành “Đạo thường của trời và nghĩa của đất”. Hiếu kinh nói:

“Khổng Tử nói: ‘Hiếu chính là gốc của đức hạnh, và từ đây giáo dục () sinh ra” (Hiếu kinh 1).

“Tăng Tử thưa: ‘Con xin được hỏi là ở nơi cái đức của thánh nhân (聖人之德) thì có thứ gì vượt qua hiếu không?’ Khổng Tử đáp: ‘Trong tất cả những sinh vật ở thế gian này, con người là cao quý nhất. Nơi đức hạnh con người, thì không có gì quan trọng hơn hiếu’” (Hiếu kinh 9).

“Sự thực, hiếu là đạo thường của trời, cái nghĩa của đất và cái hạnh của con người” (Hiếu kinh 7).

Một vài học giả xem nhân () là mô thức cao nhất của luân lý Nho giáo. Nhưng khi chúng ta xem xét khái niệm nhân ở trong những kinh sách Nho giáo sơ kỳ, chúng ta thấy rằng khái niệm nhân rộng hơn hiếu nhưng nó gộp trong hiếu. Mô thức cao nhất cũng như gốc rễ của nhân là hiếu. Trong Luận ngữ, học trò của Khổng Tử là Hữu Nhược (有若) hỏi: “Có phải hiếu và đễ là cái gốc của nhân không?” (Luận ngữ 1.2). Khổng Tử cũng nói: “Khi người quân tử có chức vị cao giữ trọn đạo với người thân thì dân chúng phát khởi lòng nhân” (Luận ngữ 8.2).  “Một người thanh niên khi ở trong nhà thì nên hiếu thảo, và khi ra ngoài thì kính trọng những bậc niên trưởng. Vị ấy nên cẩn trọng mà thành thực. Vị ấy nên yêu thương tất cả mọi người, và thân cận với người nhân đức” (Hiếu kinh 1.6). “Nhân là đức tính của con người, và hành xử cao đẹp của nó là trong việc thương kính cha mẹ” (Lễ ký 31.19). Mạnh Tử có quan điểm tương tự và nhấn mạnh nhiều lần rằng “Yêu thương cha mẹ là nhân; kính các vị niên trưởng là nghĩa” (Mạnh Tử 13.15). “Nội dung của nhân là hầu hạ cha mẹ; nội dung của kính là vâng lời những huynh trưởng” (Mạnh Tử 7.27).  Từ những trích dẫn trên, rõ ràng rằng hiếu là gốc rễ của nhân và nhân có hiếu là mô thức cao nhất. Chỉ khi một người yêu thương cha mẹ của mình thì vị ấy mới có thể mở rộng tình yêu thương này đến với người khác.

Bởi vì hiếu là mô thức cao nhất của nhân ở trong đạo đức Nho giáo nên tôn giáo này đã có quan điểm về việc bao che cho nhau giữa cha và con. Quan điểm này được phát triển thêm đến mức độ rằng việc báo thù vì hiếu thì được luật cho phép còn báo thù vì những lý do khác thì bị luật cấm. Trong xã hội thế tục, báo thù vì hiếu không bị kết tội mà còn rất được ca ngợi. Trong lịch sử Trung Quốc, có những người đã giết kẻ khác để trả thù cho cha của mình và được các hoàng đế thứ tha. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này sau.

Vào đời Đường, Tông Mật nghĩ rằng “Hiếu là nền tảng của cả Phật giáo và Nho giáo”. Tông Mật tìm sự ủng hộ cho lời khẳng định của mình trong việc nói rằng “Hiếu được gọi là giới và cũng được gọi là chế ngự” ở trong kinh Phạm võng, mà nó được xem như một bản kinh về các giới Bồ-tát. Tuy nhiên, kinh Phạm võng chính nó là một bản văn gây tranh cãi, khi một số học giả cho rằng nó là kinh ngụy tác. Cho dù nếu bản văn này là một bản dịch từ một bản kinh được truyền từ Ấn Độ vào, lời nói trên hẳn là một sự tự ý thêm vào. Tôi đã bàn luận vấn đề này trong một bài viết khác rồi và vì vậy tôi sẽ không thảo luận nó ở đây nữa. Xem xét nó từ một góc nhìn lịch sử, giải thích của Tông Mật cho thấy cách hòa giải Phật giáo và Nho giáo của ông, khi ông chủ trương một cách hiểu bao hàm về hai tôn giáo.

Mặc dù đạo đức là nền tảng của Phật giáo, sự thực hành và trau dồi của nó bao gồm ba phương diện: đạo đức (giới), thiền định và trí tuệ. Hoàn toàn rõ ràng rằng đạo đức là đầu tiên. Đạo đức bao gồm tất cả những giới luật chẳng hạn như năm giới, mười thiện nghiệp, và hiếu, nhưng nghiệp là nền tảng của đạo đức Phật giáo. Kinh Dhanañjani thuộc Trung bộ nói rằng người ta phải thọ lãnh kết quả của việc tạo nghiệp xấu ác cho dù người ta làm điều đó vì lợi ích của cha mẹ.

“- Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi nói: "Tôi vì cha mẹ đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục"? Hay cha mẹ của người ấy làm được gì khi nói: "Con chúng tôi vì cha mẹ đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo nó đến địa ngục"?

- Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.”

Như vậy, nghiệp là nền tảng của đạo đức Phật giáo, mặc dù hiếu là một lời dạy đạo đức quan trọng.

3) Hiếu như con đường bổn phận một chiều trái với con đường hỗ tương

Nho giáo nhấn mạnh bổn phận của con cái đối với cha mẹ, trong khi Phật giáo dạy về sự tương tác lẫn nhau.

Trong Nho giáo, có rất ít hoặc không có sự thảo luận về trách nhiệm và sự chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Nói cách khác, quyền của con cái đã không được thừa nhận, vì vậy hiếu là con đường một chiều. Tất nhiên, người ta có thể biện luận rằng tình cảm tự nhiên và lòng yêu thương của cha mẹ đối với con cái là luôn có, vì vậy không cần phải nói thêm nữa.

Thực hành hiếu bằng việc tuyệt đối tuân theo quyền uy của cha mẹ được xem là không lành mạnh. Suốt cuộc đời chấp nhận quyền uy của cha mẹ khiến cả trẻ em và người trưởng thành gượng gạo khi thể hiện quan điểm riêng của mình, và điều này dẫn đến sự oán giận cha mẹ và kiềm chế những thất vọng. Chủ nghĩa độc đoán, như một kết quả, tạo nên sự cứng nhắc, bởi vì người ta không thể bày tỏ bản thân. Kết quả cuối cùng của nó là kiềm hãm tính sáng tạo; nó dẫn đến chủ nghĩa bảo thủ ở trong một xã hội, và chủ nghĩa tuân thủ ở mức độ cá nhân.

Không giống như Nho giáo, Phật giáo nhấn mạnh vào sự hỗ tương trong liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Con cái có trách nhiệm nuôi dưỡng và kính trọng cha mẹ, và đồng thời họ được quyền nhận được sự giáo dục tốt, thừa kế tài sản gia đình v.v… Vì vậy cả cha mẹ và con cái phải tôn trọng nhau và làm lợi ích cho nhau. Kinh Sigālovāda dạy rằng con cái phục vụ cha mẹ theo năm cách và cha mẹ cũng nên chăm sóc con cái theo năm cách.

“Này Gia chủ tử, có năm trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Ðông: ‘Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời’. Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Ðông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con”.

Bản kinh này được tìm thấy cả ở trong văn học Pāli của Nam truyền và bản dịch Hán ngữ là kinh Śrgālavāda của Bắc truyền. Sự nhấn mạnh vào sự hỗ tương được tìm thấy trong tất cả các bản.

4) Quyền lực của cha và đức hạnh của mẹ

Nho giáo nhấn mạnh quyền lực của người cha, trong khi Phật giáo nói nhiều về những đức hạnh của người mẹ.

Quyền lực của người cha được nhấn mạnh trong Nho giáo và con cái phải kính trọng và vâng theo mệnh lệnh của người cha. Nhưng Nho giáo ít nói về việc kính trọng đối với mẹ. Hiếu kinh của Không Tử nói:

“Nơi hạnh của con người không có điều gì cao quý hơn hiếu; ở nơi hiếu không có điều gì cao quý hơn kính trọng cha; ở nơi việc kính trọng cha không có điều gì cao quý hơn đặt ông ngang với trời. Và Chu Công có thể làm điều này” (Hiếu kinh 9).

“Lấy cách đối xử với cha mà đối xử với mẹ thì thấy lòng yêu thương ấy giống như nhau. Lấy cách đối xử với cha mà đối xử với vua thì thấy lòng tôn kính ấy như nhau. Như vây, người mẹ thì có được yêu thương, vua thì có được tôn kính, còn người cha thì có được cả hai.

Như vậy, khi phục vụ vua với lòng hiếu thì gọi là trung (). Khi đối xử với người trên với lòng tôn kính thì gọi là thuận (). Không đánh mất trung và thuận khi phục vụ những người trên, người ta có thể có được chức vị và giữ được sự tế tự. Như vậy, đây là hiếu đạo của kẻ sĩ” (Hiếu kinh 5).

Như vậy người cha thì có cả “yêu thương” và “sự tôn kính”, nhưng người mẹ thì có nhiều yêu thương hơn tôn kính. Ví dụ, Lễ ký cho chúng ta biết điều đó. Khổng Tử nói: “Do đó một người con có đức đầy đủ thì thờ cha mẹ như thờ trời, và thờ trời như thờ cha mẹ. Do đó một người con hiếu đạo làm tất cả điều có thể làm cho bản thân” (Lễ ký 27.13). Ở đây thờ trời là sự tôn kính. Vì vậy Nho giáo nhấn mạnh quyền lực của người cha.

Hiếu đạo của Nho giáo đã được phát triển với việc nhấn mạnh vào quyền lực của người cha. Trước hết, vào triều Hán, Đổng Trọng Thư ( ) đã đưa ra “tam cương ngũ thường”: mối quan hệ giữa cha và con trở thành một giềng mối (cương). Đổng Trọng Thư miêu tả “Giềng mối giữa cha và con” như “người cha là trời của con mình”. Ở đây, người cha được xem như là người ở trên và người con nên vâng theo những mệnh lệnh của cha mình. Quan điểm này đã được phát triển và giải thích ở trong Bạch hổ đường: “Mối quan hệ giữa cha và con là gì? Người cha là hình mẫu mà qua đó ông dạy con mình, và người con như vậy tránh được những hậu quả tội lỗi”. Như vậy, mối quan hệ giữa cha và con đã thay đổi từ một tình yêu thương tự nhiên đến một mối quan hệ quyền lực. Hiếu đạo Nho giáo đi đến chỗ bất hợp lý khi sự vâng lời tuyệt đối của một người con đối với cha mình lên đến tột điểm ở trong lời nói như “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”.

Ngược lại, Phật giáo nhấn mạnh lòng đại bi và đức hạnh của cha mẹ, đặc biệt là đức hạnh của người mẹ. Điều này rõ ràng từ những bản kinh Phật giáo sơ kỳ.

Kinh Tương ưng nói, “Mẹ chính là người bạn của gia đình mình”. Bản dịch Hán ngữ ngắn hơn của Tạp A-hàm nói, “Ở trong nhà, mẹ là người yêu quý nhất”. Trong ngôn ngữ Pāli, mẹ luôn được đặt trước cha (mātā-pitaro) mỗi khi cha mẹ được đề cập. Người ta cũng được đặt tên theo tên mẹ của họ, chẳng hạn như Sāriputta, mà nó có nghĩa rằng người con trai của Sāri. Theo Từ điển danh xưng Pāli (Dictionary of Pāli Proper Names), cha của Sāriputta là một vị Bà-la-môn có tên là Vanganta và mẹ của ngài là Rūpasāri. Chính bởi vì tên mẹ của ngài mà ngài được gọi là Sāriputta.

Bản dịch Hán ngữ kinh Mahāparinirvāna của Dharmaksema vào năm 421 cũng nói về đức hạnh của người mẹ:

“Giống như người con dần đang trưởng thành và nghĩ: “Đây là bác sĩ, người biết rõ nhất về đơn thuốc và thuốc. Khi ta còn ở trong bào thai, ông cho mẹ của ta thuốc. Nhờ vậy, mẹ ta được bình an, và do bởi những yếu tố gián tiếp này, ta thoát khỏi hiểm nguy. Ôi, thật khủng khiếp làm sao nỗi đau đớn lớn lao mà mẹ ta phải chịu đựng. Mười tháng mẹ bảo bọc và cưu mang ta. Sau khi sinh ta, mẹ chăm sóc để ta không quá nóng hay quá lạnh, và cân chừng việc đại tiểu tiện của ta; mẹ cho ta bú mớm và cho ta ăn. Vì tất cả điều này, ta phải báo đáp lại những gì mà ta nợ mẹ, quan tâm đến những cảm xúc của mẹ, vâng lời và hầu cận mẹ”.

Ở đây đau đớn và khổ nhọc của một người mẹ trong việc sinh nở và nuôi dưỡng con mình được đề cập đặc biệt. Kinh Đại thừa bổn sinh tâm địa quán (大乘本生心地觀經) do Bát Nhã (般若, Prajñā) dịch, có một chương về hiếu và đoạn kết nó tóm tắt về mười đức hạnh của một người mẹ.

“Bởi vì điều này, một người mẹ có mười hạnh: thứ nhất, hạnh của quả đất lớn, vì người mẹ mang con trong bụng mình; thứ hai, hạnh sinh nở, vì người mẹ chịu đau đớn vô cùng trong việc sinh nở; thứ ba, hạnh cưu mang, vì người mẹ chăm sóc con cái bằng đôi tay của mình; thứ tư, hạnh nuôi dưỡng, vì người mẹ cung cấp cho con mình vật dụng theo các mùa; thứ năm, hạnh khôn ngoan, vì người mẹ chăm sóc con mình một cách khéo léo bằng sự khôn ngoan; thứ sáu, hạnh trang sức, vì người mẹ trang sức cho con mình với những đồ trang sức đẹp; thứ bảy, hạnh nương tựa, vì người mẹ bảo vệ con mình bằng đôi tay; thứ tám, hạnh dạy dỗ, vì người mẹ chỉ dạy cho con mình một cách khéo léo; thứ chín; hạnh khuyên bảo, vì người mẹ bằng lời nói khéo léo khuyên con mình phòng tránh những việc làm xấu; và mười, hạnh thừa kế, vì người mẹ giao phó cho con mình tài sản của gia đình”.

Những Phật tử Trung Quốc đã sáng tác bản văn nỗi tiếng Phụ mẫu ân trọng kinh (父母恩重經) bằng việc tiếp thu những quan điểm và tư tưởng được thảo luận trong những bản kinh trên, và chuyển thể lại bản dịch Phụ mẫu ân trọng nan báo kinh (父母恩重難報經) do An Thế Cao dịch. Bản văn này được tìm thấy ở tập 85 của ấn bản Taisho. Nó tập trung vào việc miêu tả mười hạnh của một người mẹ. Về sau có nhiều sự sửa đổi và bổ sung và nó trở thành một trong những bản văn Phật giáo phổ biến nhất ở xã hội Trung Quốc.

4. Ba khía cạnh đặc biệt ở trong hiếu của Nho giáo

Có ba đặc điểm của khái niệm hiếu Nho giáo mà chúng không tìm thấy trong Phật giáo. Đầu tiên là hàm ý chính trị mạnh mẽ, thứ hai là sự bao che cho nhau, và thứ ba là báo thù cho cha mẹ.

1) Hàm ý chính trị mạnh mẽ

Hiếu của Nho giáo có một hàm ý chính trị rõ ràng. Khi hiếu được áp dụng cho những người cai trị thì nó được gọi là trung. Hiếu kinh có một chương đặc biệt có tên gọi là “Hiếu trị” (孝治) mà nó thảo luận về sự nối kết giữa hiếu và chính trị và nhấn mạnh chức năng chính trị của nó.

“Khổng Tử nói: ‘Xưa kia các vị minh vương sử dụng đạo hiếu mà làm cho thiên hạ bình trị. Họ không dám xem thường các kẻ bề tôi của nước nhỏ, chứ đừng nói là đối với các công, hầu, bá, tử, nam của các nước ấy. Nhờ vậy mà vua có được sự yêu mến của họ, khiến họ thờ phụng cả đến vua các đời trước nữa. Người biết trị nước không dám ức hiếp những người không vợ không chồng, đừng nói là ức hiếp sĩ dân; nhờ vậy mà được lòng trăm họ, khiến họ thờ phụng cả đến vua đời trước nữa. Người điều khiển gia đình không dám xúc phạm những người hầu hạ, đừng nói là xúc phạm vợ con mình; nhờ vậy có được sự yêu mến của người trong nhà khiến họ thờ phụng ông bà cha mẹ mình. Cho nên, lúc cha mẹ còn sống thì an ổn và khi qua đời thì hương hồn có thể hưởng được sự cúng tế. Như vậy thiên hạ yên bình, những tai họa tự nhiên không xảy ra, bạo loạn và họa hoạn không sinh khởi. Đó là cách những vị minh vương dùng hiếu để trị thiên hạ. Kinh Thi nói: Khi có đức lớn, các nước ở bốn phương đều thuận theo” (Hiếu kinh 8).

Như vậy, “Thiên hạ được yên bình và hòa hợp lan khắp, tai họa sẽ không xuất hiện, và bạo loạn và họa hoạn sẽ không sinh khởi” nếu đất nước được cai trị bởi những vị vua có hiếu. Chính bởi điều này hiếu là gốc của nhân (), và nếu nhân được thiết lập thì đại đạo có thể lan tỏa. Theo Luận ngữ:

“Hữu Tử nói: ‘Người có nết hiếu đễ thì không ai dám coi thường người trên; và không hề có trường hợp người không dám xúc phạm người trên lại dám làm loạn. Người quân tử chăm lo vào cái gốc. Mỗi khi gốc rễ được thiết lập vững chắc thì đạo sẽ phát triển. Hiếu, đễ hình thành nên gốc rễ của đức nhân chăng?” (Luận ngữ 1.2)

Vì vậy hiếu là gốc của nhân và hiếu nên bắt đầu với người cai trị, và chỉ khi những người cai trị kính trọng cha mẹ của mình thì người khác sẽ theo họ và không có ai bất kính cha mẹ của mình. Vì vậy Hiếu kinh nói, “Người mà yêu thương cha mẹ của mình thì không dám làm điều xấu với người khác; người mà kính cha mẹ mình thì không dám khinh thường người khác. Thương yêu và kính trọng hết mức trong việc phụng dưỡng cha mẹ, và mang đức hạnh này phổ rộng đến dân chúng, thành luật định khắp bốn biển. Đây chính là hiếu đạo của thiên tử” (Hiếu kinh 2). Chính bằng cách này mà toàn thế gian trở nên yên bình. Còn đối với kẻ sĩ:

“Vì vậy, đem lòng hiếu mà thờ vua thì gọi là trung; đem lòng kính mà đối với người trên thì gọi là thuận. Với trung và thuận vững chắc trong việc thờ những người trên, họ có thể giữ được địa vị và giữ được sự tế tự. Như vậy là hiếu của kẻ sĩ” (Hiếu kinh 5).

Do đó, theo Nho giáo, “Có một sự tương hợp cơ bản giữa một quan lại trung thành trong việc thờ vua và một người con hiếu trong việc thờ cha mẹ” (Lễ ký 25.2). Trong Hiếu kinh, Khổng Tử nói:

“Chính vì người quân tử hiếu thảo trong việc phụng sự cha mẹ họ, và vì vậy lòng trung có thể được chuyển sang vua của mình. Chính vì kính trọng trong việc phụng sự anh của mình, và vì vậy lòng thuận có thể được chuyển sang những người lớn tuổi hơn. Và chính bởi họ giữ được đời sống gia đình đúng đắn, và vì vậy khả năng cai quản của họ có thể được chuyển sang địa vị như một quan lại. Như vậy, khi một người thành công nơi những gì vị ấy làm ở nhà, danh vị được thiết lập và nó sẽ được lưu truyền đến đời sau” (Hiếu kinh 14).

Đây là tại sao từ nhà Hán trở đi, chính nhiều vị hoàng đế hoặc giải thích hoặc viết những luận giải về hiếu, bởi vì hiếu được nối kết mật thiết với lòng trung thành. Sự thực, những Nho gia đã biện luận rằng hiếu và trung có tương quan với nhau. Hiếu Võ Đế ( ) đời Lưu Tống (420-479) và Lương Vũ Đế ( ) đã giải thích Hiếu kinh và Đường Huyền Tông đã viết một luận giải về Hiếu kinh. Như Lo Yuet Keung chỉ ra trong bài viết của mình “Về cái chết của những hiếu nữ vào đời Tiền Đường Trung Hoa” (On the Dearth of Filial Daughters in Pre-Tang China), Hiếu kinh là căn bản cho những mục đích chính trị bởi vì nó phân chia hiếu thành năm phạm trù theo địa vị xã hội: thiên tử, hoàng tử, đại thần, quan lại, và dân chúng. Thực hành hiếu trong mỗi phân loại này là khác nhau. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng hiếu đã là một công cụ chính trị cho việc phục vụ vua ở trong Hiếu kinh. Do vậy, ở đó xuất hiện lý thuyết “trị quốc với hiếu” ở triều Hán và nó tiếp tục vào thời Nam-Bắc triều.

Khái niệm hiếu của Phật giáo chỉ là mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái và hoàn toàn không có những liên hệ chính trị.

2) Cha con bao che cho nhau

Khổng Tử nói về việc cha và con bao che lẫn nhau. Đây là bởi đạo đức Nho giáo tập trung vào luân lý gia đình và trong luân lý gia đình hiếu là cốt tủy. Nếu cha mẹ và con cái trình báo việc làm sai trái của nhau đến quan lại thì hiếu sẽ sụp đỗ, và luân lý gia đình sẽ khép lại chức năng. Khi một gia đình không có yên bình, toàn thể xã hội không yên bình, bởi vì gia đình là những khối thể xây dựng nên một xã hội. Do đó, trong Luận ngữ, khi quan lệnh doãn huyện Diệp nói với Khổng Tử: “Ở làng tôi có một người chính trực tên là Trực Cung; khi cha đi bắt trộm cừu thì con đi tố cáo” thì Khổng Tử nói: “Ở làng tôi người chính trực khác vậy. Cha giấu tội cho con và con giấu tội cho cha. Sự chính trực nằm ở chỗ đó” (Luận ngữ 13.18). Mạnh Tử cũng nói:

“Đạo nằm nơi tầm tay vậy nhưng người ta tìm nó ở nơi xa xôi; vật thì nằm nơi chỗ dễ dàng vậy nhưng người ta kiếm tìm nơi chỗ khó khăn. Nếu mọi người yêu thương cha mẹ và đối xử với anh mình bằng sự kính trọng, thiên hạ sẽ yên bình” (Mạnh Tử 7.11).

Rõ ràng Mạnh Tử nói chỉ khi hiếu tồn tại trong một gia đình thì yên bình mới có thể lan tỏa trong thế gian.

Một vài học giả hiện đại phê bình Khổng Tử vì đã biện luận cho việc cha và con nên bao che nhau, gọi đó là suy đồi khi đặt mối quan hệ huyết thống lên trên luật.

Nhưng chúng ta không thể tách lời nói ở trên khi thảo luận về những hàm ý của nó, bởi Luận ngữ và những kinh sách Nho giáo khác chẳng hạn như Hiếu kinh, những cuốn sách chứa đựng những lời dạy của Khổng Tử, không cung cấp cho chúng ta ngữ cảnh mà ở đó ông nói. Vì vậy chúng ta có thể phạm phải những sai lầm. Chúng ta phải xem xét những lời nói của Khổng Tử ở trong ngữ cảnh của chúng để có được một sự hiểu đúng hơn.

Về mối liên hệ giữa cha và con, có một yếu tố quan trọng khác. Như chúng tôi đã chỉ ra ở trên, Khổng Tử nói về bổn phận của một người con trong việc khuyên can và thậm chí phản đối cha mẹ của mình, không phải chỉ luôn vâng lời mà không đặt vấn đề. Từ điểm này, rõ ràng rằng Khổng Tử nhấn mạnh rằng một người con nên phản đối cha mẹ mình trước việc nói điều gì đó sai. Nhưng trích dẫn của chúng tôi từ Hiếu kinh đã cho thấy rằng khi cha mẹ tiếp tục làm điều sai trái, Khổng Tử đề cao sự hòa hợp và đoàn kết bên trong một gia đình, mà nó muốn nói rằng cha và con nên che giấu việc làm sai trái của nhau, vì điều này giữ cho gia đình hòa hợp, mà nó tốt cho xã hội như một tổng thể.

Trong đạo đức học Phật giáo, việc cha con bao che cho nhau là vô nghĩa, bởi vì cho dầu họ có thể thoát khỏi sự trừng phạt của luật xã hội, họ không thể thoát được luật nghiệp.

3) Báo thù cho cha mẹ

Nho giáo xem hiếu là gốc rễ của đạo đức và nền tảng của giáo dục, vì vậy hiếu trở thành đạo thường của trời, nghĩa của đất và đạo đức của con người. Trong thực hành hiếu, người cha là trung tâm, như Hiếu kinh nói rằng ở nơi hạnh kiểm con người không có điều gì quan trọng hơn hiếu, và ở nơi hiếu không có điều gì quan trọng hơn kính cha. Như vậy, Nho giáo gia cố quan điểm báo thù cho cha mẹ với việc nhấn mạnh vào hiếu. Luận ngữ nói: “Có người hỏi, ‘Ông nghĩ gì về lời nói ‘Lấy đức () để báo oán?’ Khổng Tử trả lời, ‘Vậy thì lấy gì đề báo đức? Hãy báo oán với sự chính trực, và lấy đức báo đức’” (Luận ngữ 14.34). Lễ ký cũng nói: “Với kẻ thù đã giết chết cha mình, không nên sống cùng trời” (Lễ ký 1.70). Trịnh Huyền ( ) đời nhà Hán đã giải thích câu trên là “Cha là trời đối với con. Người con sẽ là một người con bất hiếu nếu sống cùng trời với người đã giết cha mình. Vì vậy người con nên giết người đó, và rồi dừng lại”. Khổng Dĩnh Đạt ( ) đời nhà Đường giải thích thêm rằng: “Cha là trời của con, và nếu cha của người ta bị giết, đó chính là giết trời, vì vậy người ta phải giết người đó để báo thù, vì người con không thể sống cùng dưới trời với kẻ giết cha mình kia”. Lễ ký lại nói:

“Tử Hạ hỏi Khổng Tử: ‘Một người con nên đối xử như thế nào đối với người đã giết cha hoặc mẹ của mình?’ Khổng Tử đáp: ‘Người ấy nên ngủ trên nệm rơm, lấy mọc làm gối; người ấy không nên làm quan; người ấy phải kiên quyết không sống cùng trời với kẻ sát nhân kia. Nếu ông ta gặp kẻ sát nhân kia ở chợ hay ở cung vua, ông ta không phải quay về lấy vũ khí mà liền đánh ngay kẻ kia’” (Lễ ký 3.53).

Khổng Dĩnh Đạt đời nhà Đường giải thích thêm: “‘Ông ta không phải quay về lấy vũ khí’ có nghĩa rằng ông ta luôn mang vũ khí bên mình, vì vậy nếu ông ta gặp kẻ sát nhân ở chợ, ông ta không cần phải quay về tìm vũ khí của mình, mà đánh nhau liền ngay nơi ấy”. Hoàn toàn rõ ràng rằng người ta nên báo thù cha mẹ mình và chuẩn bị sẵn để đánh nhau bất kỳ lúc nào. Đại đới lễ ký cũng nói: “Người ta không nên sống cùng (cõi đời) với kẻ giết cha mẹ mình” (13.6). Tất cả chứng cứ này cho thấy rằng Nho giáo ủng hộ việc báo thù cho cha mẹ, như là phần quan trọng của việc thực hành hiếu. Mặc dù Mạnh Tử nói:

“Ta nay nhận ra giết thành viên của một gia đình người khác thì nghiêm trọng thế nào. Nếu ông giết cha người ta, người ta sẽ giết cha ông; nếu ông giết anh người ta, người ta sẽ giết anh ông. Như vậy, mặc dù ông không tự tay giết chết cha và anh mình nhưng cũng như giết họ”. (14.7)

Nhưng, báo thù cho cha mẹ và bà con huyết thống là rất phổ biến vào triều Hán, khi tư tưởng Nho giáo chiếm vị trí trọng tâm và quan điểm Nho giáo về “trị quốc bằng hiếu” được thực hiện.

Không có quan điểm báo thù như vậy trong Phật giáo, khi điều này trái với nguyên tắc căn bản của Phật giáo. Quan điểm Phật giáo là vượt qua hận thù bằng lòng từ bi, như một bài kệ trong kinh Pháp cú nói: “Lấy hận giệt hận thù/ Đời này không có được/ Không hận giệt hận thù/ Là định luật ngàn thu”.

5. Kết luận

Chúng ta có thể đi đến một kết luận chừng mực rằng Nho giáo xem hiếu là mô thức và tiêu chuẩn cao nhất của đạo đức, là đạo thường của trời, nghĩa của đất. Còn nghiệp là nền tảng của đạo đức Phật giáo, mặc dù hiếu cũng được xem như một nguyên tắc đạo đức quan trọng. Do đó, Nho giáo phân tích hiếu chi tiết hơn Phật giáo. Như những Nho gia chỉ ra rằng mục đích của đạo đức Nho giáo là xây dựng gia đình và quốc gia cùng với nhau, vì vậy mục đích của hiếu Nho giáo là mở rộng đạo đức gia đình đến xã hội và quốc gia. Do đó Luận ngữ nói:

“Kinh thư nói: “‘Hiếu ư, là hiếu thuận với cha mẹ; thân ái ư, là thân ái với anh em’. Bằng cách này mà cảm hóa được người cầm quyền. Như vậy, là một người con hiếu và một người anh em tốt đã là tham gia vào việc cai trị rồi. Vậy cần gì phải nói tham gia vào chính sự?” (Luận ngữ 2.21).

Còn mục đích của đạo đức Phật giáo là sự tu tập bản thân để ta trở thành một con người hoàn thiện và cuối cùng đạt được Niết-bàn.

 Tỳ-kheo Quảng Hưng - Nguyên Hiệp dịch