Nghệ thuật điêu khắc sớm nhất trong lịch sử Ấn Độ là thuộc về triều đại Mauryan từ thế kỷ IV-III trước Tây lịch. Đây là loại hình nghệ thuật táo bạo được ghi dấu bằng một chủ nghĩa hiện thực thoát ra khỏi việc sử dụng những yếu tố nước ngoài từ Ba Tư. Hoàng đế Phật tử Ashoka đã cho dựng những trụ đá bằng đá nguyên khối, cao từ 12 đến 15 mét, trên đỉnh được đặt những tượng như bò, sư tử và voi, và khắc lên đó những nguyên tắc Phật giáo về đạo đức, lòng nhân đạo và sự mộ đạo, những điều ông muốn thần dân của ông thực hành theo. Những trụ đá nổi tiếng của vua Ashoka có mặt ở Lauriya Nandangarh ở Bihar, Sanchi và Sarnath.
Đáng chú ý nhất trong số chúng là đầu cột trụ có tượng sư tử bằng đá nguyên khối rất bóng láng được tìm thấy ở Sarnath, mà nó hiện là Huy hiệu của Chính phủ Ấn. Đầu trụ đá gồm bốn con sư tử đang rống xoay lưng vào nhau và mặt quay về bốn hướng. Đỉnh cột tròn được trang trí với bốn bánh xe Pháp luân (dharmachakra), đan xen giữa là một con voi, một con bò, một con ngựa và một con sư tử, tất cả được khắc tạc với sự tinh xảo bậc thầy. Đỉnh cột được chống đỡ bằng một cái bệ hình chuông bao gồm một hoa sen với bánh xe Pháp luân, mà nó có lẽ tương trưng cho sự chiến thắng của đạo đức vượt qua bạo lực. Sự oai hùng của những mẫu tượng này được thể hiện ở nơi một hình thức hiện thực với phần nào được cách điệu hóa, làm tăng thêm sức mạnh và phẩm chất lớn cho thấy bản chất quý phái và quốc tế của nghệ thuật Maurya.
Đối với một sinh viên mỹ thuật xuất sắc, một cái nhìn cận cảnh đầu cột trụ sẽ rất bổ ích. Bốn con sư tử ở trên đỉnh cột là hết sức cân xứng và được cách điệu. Điều này sẽ rõ ràng khi nhìn vào bờm của những con sư tử mà nó được miêu tả như một ngọn lửa nhỏ có hình dáng những búi tóc, không hoàn toàn được thực hiện theo tự nhiên, mà bằng một cách thức được cách điệu. Chúng ta cần nhớ rằng chính vua Ashoka đã bắt đầu sử dụng rộng rãi đá cho việc điêu khắc tượng và những đài tưởng niệm trong khi truyền thống trước đó chính yếu sử dụng gỗ và đất sét.
Nhìn sát những con thú ở trên những đầu cột sẽ thấy rằng những con thú này là không ở dạng tĩnh hay cứng ngắc. Chúng trông rất tinh nhạy và nhìn rất tự nhiên và được thể hiện một cách rất trung thực chính xác, tràn đầy sức sống.
Đầu trụ đá có hình con bò của vua Ashoka ở Rampurva, Bihar, cũng thuộc về thế kỷ thứ III (tr.TL) là một đối tượng nghiên cưu thú vị khi nó là một sự kết hợp những yếu tố của Ba Tư và Ấn Độ. Đầu trụ đá hoa sen là hoàn toàn thuộc trường phái hình thức. Những mô-típ trên những đầu cột là những phần trang trí đẹp, như hình hoa hồng, lá cọ và những vật trang trí lá ô rô, mà không có thứ nào trong chúng là thuộc Ấn Độ.
Tuy nhiên, phần đỉnh của đầu trụ đá có tượng con bò, tức là chỉ riêng tượng con bò, là một kiệt tác của nghề thủ công Ấn Độ, khi thể hiện một con bò có bướu, được tạo mẫu đẹp, với sự béo mập mềm mại được trình bày ấn tượng, với bốn chân mạnh mẽ, lỗ mũi trông tinh nhạy và tai vểnh lên như thể là nó đang lắng nghe.
Những tượng nam và nữ Da Xoa (Yaksh/Yakshi, những vị thần tượng trưng cho sự phồn thịnh) bằng đá nguyên khối là những mẫu xuất sắc của nghề thủ công Maurya trong việc tạo hình người. Dạ Xoa nữ ở Viện bảo tàng Patna là một minh họa nổi bật của thế kỷ III-II (tr.TL), do một nhà điêu khắc tài năng sáng tác. Tượng mang đồ trang sức lộng lẫy và quần áo đẹp, mặc dù còn thô trong thể hiện, việc miêu tả lại ở trong một kiểu thức trang trọng, quan điểm của người Ấn về vẻ đẹp của phụ nữ là ngực nở, thắt lưng thon và hông lớn. Bề mặt của bức tượng đáng yêu này mang lấy vẻ bóng láng điển hình của thời ấy.
Minh họa nổi bật khác của nghệ thuật Maurya vào thế kỷ thứ III (tr.TL) là tượng người nam bán thân tuấn tú ở Lohanipur. Mẫu tượng được thực hiện bằng một phong cách hiện thực, được phú cho một sinh khí diệu kỳ. Nó hầu như chắc chắn thể hiện một vị Tirthankara (tiên tri) của Kỳ-na giáo, hoặc là một vị Cứu độ của phái Digambara (thuộc Kỳ-na).
Sau sự suy tàn của triều đại Maurya, những người thuộc triều đại Sunga nối tiếp quyền lực vào khoảng năm 185 (tr.TL). Họ cai trị những khu vực Trung và Đông của Bắc Ấn. Phong cách nghệ thuật bản xứ của họ, được phân biệt bởi sự đơn giản và tính quần chúng, được trình bày tốt nhất ở nơi những bức tượng Dạ Xoa nam và Dạ Xoa nữ đứng bằng đá nguyên khối, được phát hiện ở Gwalior và Mathura; và những mảnh vở của cổng và hàng rào được khắc tạc đẹp đẽ của một bảo tháp Phật giáo tại Bharhut, bây giờ được lưu giữ ở Viện bảo tàng Ấn Độ, Calcutta. Nghệ thuật tường thuật của Bharhut, miêu tả những câu chuyện tiền thân Đức Phật (Jataka) bằng điêu khắc, nghệ thuật trang trí của Sanchi và ngôi tháp của Kỳ-na giáo ở Mathura là thuộc về cùng truyền thống. Tất cả chúng bắt chước lại cấu trúc gỗ, và phong cách nghệ thuật của những công trình điêu khắc này dường như liên quan đến việc khắc chạm vào gỗ hay ngà voi, về cơ bản là khai thác và chế tác trên một bề mặt phẳng, được chi phối bởi luật hình vẽ điêu khắc theo mặt trước khác biệt với việc trình bày “phối cảnh”. Trong khi chính việc miêu tả Đức Phật bằng đôi bàn chân hoa sen của Ngài, một ngai vàng bỏ trống, một đôi chổi hay biểu tượng tam bảo, hay việc hạ sinh của Hoàng hậu Maya bằng hai con voi đẹp tắm cho hoàng nhi mới sinh, rót nước từ chiếc bình, ngôn ngữ mà họa sĩ sử dụng là ngôn ngữ biểu tượng.
Khi người họa sĩ hình dung một nữ Dạ Xoa, vị thần thiên nhiên, hay biểu tượng phồn sinh Sura-Sundari, thì lông mày của nữ thần giống như cánh cung, mắt của bà như một con cá uốn cong, môi thì như một cánh sen, tay như một cây leo xinh đẹp, chân thon như vòi của con voi hay như một cây chuối. Sự trung thành của các nghệ sĩ là về những gì họ xem đúng như nguyên bản ở trong một giấc mơ hay một ẩn dụ thi ca. Và chính sự hình dung này, hình ảnh được lý tưởng hóa mà họ hy vọng và nỗ lực trình bày một cách trung thực nhất, trong số những vị thần phồn thực khác nhau và những cảnh khác được khắc trên những trụ đá rào của Bharhut.
Tượng Chulakoka Devta là một mẫu đáng chú ý của nghệ thuật Sunga mà nó trình bày đặc điểm bản địa và quần chúng của nó. Nữ thần đứng một cách yêu kiều trên một con voi với đôi tay và một chân của bà uốn quanh một cây đang trổ hoa, vì bà là một nữ thần cây. Nhiều trang sức và cách thức mang quần và khăn trùm đầu thể hiện kiểu thời trang của phái nữ vào thời ấy. Bức tượng phần nào thể hiện sự thanh tú mà chúng ta tìm thấy nhiều hơn ở trong nghệ thuật điêu khắc Kushan về sau. Chữ khắc ở phía bên phải của nữ thần cho chúng ta biết những tên gọi của nữ Dạ Xoa và nói rằng trụ đá này là do Arya Panthka hiến cúng.
Có vô số những câu chuyện tiền thân thú vị, và Bharhut hình thành nên một căn nhà lưu trữ những câu chuyện ngụ ngôn, được trình bày bằng hình ảnh. Ở đấy, tịnh xá Kỳ viên do Trưởng giả Cấp Cô Độc hiến cúng, bằng việc lát đất bằng tiền vàng để mua lại từ vị thái tử thương gia, được trình bày sinh động nhất.
Một minh họa điển hình khác về nghệ thuật Sunga vào thế kỷ thứ II (tr.TL) là những mẫu hình hài hước, nam Dạ Xoa nhỏ bé từ những hang động Pithalkhora ở Trung Ấn, mang một cái bát đầy trên đầu. Nụ cười khoáng đạt thảnh thơi ngự trên gương mặt và cái bụng béo mập cho thấy rằng ông no đủ thoã mãn trong mọi phương diện. Hai cái bùa hộ mạng treo trên vòng cổ để ngăn những vị thần xấu ác đến gần tín đồ của ông. Mặt sau của tay trái mang chữ viết ghi tên người điêu khắc là Krishnadasa, một thợ kim hoàn. Nhìn chung, nghệ thuật Ấn Độ là một nghệ thuật ẩn danh, vì nhà điêu khắc hay họa sĩ không bao giờ tìm kiếm danh vọng cho riêng mình. Họ luôn nỗ lực hết mình như là một sự dâng tặng nhỏ bé đến thần linh hay đến người bảo trợ cho mình, nhà vua, người được xem là một hình ảnh của thần linh.
Mặc dù có thể dường như là khác lạ, Đức Phật chưa bao giờ được thể hiện trong hình thức con người trong nghệ thuật Phật giáo trước Tây lịch, khi tính thiêng liêng của Ngài được xem là quá trừu tượng. Sự hiện diện của Đức Phật trong nghệ thuật Ấn Độ, do đó, được trình bày bằng những biểu tượng như cây Bồ-đề mà dưới đó Ngài đã giác ngộ, bánh xe Pháp luân, dấu chân của Ngài, cái lọng của vua, bảo tháp và vương tòa để trống...
Một phù điêu khắc nổi từ mảnh vở của một trụ đá tường rào của bảo tháp ở Bharhut có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II (tr.TL) trình bày bốn hình người đang tôn bái cây Bồ-đề. Đức Phật đạt giác ngộ dưới cây Bồ-đề tại Bodhgaya. Ở đây cây Bồ-đề tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Phật.
Nơi mảnh vở của một dầm đầu cột từ cổng vào của bảo tháp tại Bharhut, chúng ta có thể thấy được tình thương, sự hiểu biết và lòng yêu mến mà người nghệ sĩ Ấn Độ xưa kia đã dành cho muông thú và cây cối, những thứ mà họ đã dồn hết tâm trí để nghiên cứu một cách cặn kẽ. Trên mặt khác của dầm đầu cột này, được thể hiện một cách tài nghệ, là hình những người và voi đang kính lễ Đức Phật, mà được tượng trưng bằng cây Bồ-đề ở trung tâm.
Người Kishvaku tiếp tục những truyền thống nghệ thuật vĩ đại của người Satavahana. Họ đã xây dựng những bảo tháp ở tại Nagarjunikonda và những công trình nghệ thuật khắc tạc ấn tượng của họ.
Những vị vua uy quyền Satavahana của Nam Ấn là những người xây dựng vĩ đại và từ thế kỷ thứ II (tr.TL) đến thế kỷ thứ II (TL), họ rãi khắp lãnh thổ của họ những công trình huy hoàng mà chúng rất mực ấn tượng. Họ đào khoét đá làm đền, chùa dọc theo bờ biển Tây Ấn và xây dựng vô số bảo tháp Phật giáo. Những khắc tạc phong phú ở trên cổng bảo tháp Sanchi mà chúng cũng được thực hiện trong suốt triều đại của họ, cho thấy một kỹ xảo cao và sự thành thạo kỹ thuật của những nhà điêu khắc Satavahana. Thờ phụng tháp là một hình thức cổ xưa trong việc tỏ lòng tôn kính những người quá cố vĩ đại. Những bảo tháp được xây dựng không chỉ để cất giữ xá-lợi của Đức Phật và chư Thánh tăng, mà cũng để tưởng niệm những sự kiện quan trọng của Phật giáo.
Trường hợp đáng chú ý nhất là một bảo tháp Phật giáo thời kỳ đầu mà nó được xây dựng suốt thế kỷ thứ III và thứ thứ I (tr.TL), bảo tháp tại Sanchi ở Trung Ấn. Vòm mái có cấu trúc vững chắc được dựng trên một nền đất cao và được bao quanh bằng một lan can có chấn song. Nguyên thuỷ bảo tháp là một ngôi mộ bằng đất mà ở giữa cất giữ xá-lợi của Đức Phật và những đệ tử của Ngài, chẳng hạn như tóc, và xương.v.v.. Ngôi tháp hiện nay ở Sanchi ban đầu được xây dựng dưới triều vua Ashoka, sau đó được nới rộng đáng kể và tường rào bao quanh đường kinh hành cũng như hàng rào bên ngoài được kiến tạo thêm vào thế kỷ thứ I (tr.TL). Hành lang được bao bọc bằng một rào chắn có bốn cửa vào đối diện với bốn hướng. Những khắc tạc của Phật giáo vào hai mặt của dầm đầu trụ và vào tất cả những trụ cột của các cổng vào này là rất nổi bật vì đầy các cảnh tượng, sự phối cảnh và sự ảnh hưởng của nghệ thuật diễn đạt bằng hình tượng ở nơi đá.
Ở một phần cổng phía Đông của bảo tháp Sanchi có một cảnh miêu tả về nữ thần cây (wrikshika). Ở đây chúng ta có thể thấy rằng người điêu khắc đã có tiến bộ bởi vì ông ta đã khắc tạc mặt trước, mặc dù phần nào đó chưa mềm mại, những hình ảnh con người, vào thế kỷ II-III (tr.TL). Người điêu khắc đã thành công trong việc phác vẽ chân thực người phụ như là một nữ thần cây đang treo mình từ những nhành cây với sự khoả thân, rõ ràng cho thấy rằng bà là một nữ thần sinh sản.
Chuyện tiền thân Vessantara ở Goli, thuộc về thế kỷ thứ I (TL), kể về một tiền kiếp của Đức Phật khi Ngài là Hoàng tử Vessantara, người không bao giờ thối thất việc bố thí tài vật mà mình có. Một con voi mà nó bảo đảm sự thịnh vượng cho vương quốc, và được xem là vật quý báu nhất, được hoàng tử ban tặng cho dân chúng Kalinga, những người tìm cách giúp cho xứ sở của họ được thịnh vượng, khi nơi này chịu nạn hạn hán. Dân chúng của vương quốc, gồm cả vua cha đều tức giận, nên đày Vessantara cùng với vợ con của ngài đến một khu rừng. Câu chuyện rất cảm động, kể lại chi tiết việc thái tử gắp phải những thử thách khốc liệt, nhưng nó đã có một kết thúc có hậu.
Sau đó, vào khoảng thế ký thứ I (TL) và chín muồi hơn trong kỹ xảo, là những công trình khắc chạm ở Karle. Đáng chú ý là những tượng Dampati và Mithuna, cũng là một cặp đôi đang cỡi con voi hùng dũng đặt trên những trụ cột mà chùng hình thành nên một hàng cột ấn tượng. Những tượng này có kích cở lớn hơn người thật và được trình bày với một thân thể vật lý mạnh mẽ và vạm vỡ.
Một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác miêu tả về việc phụng bái đôi bàn chân Phật của bốn nữ nhân; nó thuộc về thế kỷ II (TL), ở Amravati. Ở đây bố cục và cách bố trí các chi mà nó miêu tả vẻ đẹp của những đường cong, tâm trạng của sự sùng kính mãnh liệt kết hợp với sự rụt rè e ngại tự nhiên ở nơi nữ giới, cho điểm nó là một kiệt tác lớn.
Một phù điêu khắc nổi ở Amravati thuộc về thế kỷ thứ II (TL) là một sự trình bày tài tình về cảnh chinh phục Nalagiri, một con voi điên do Devadatta thả ra nhằm hãm hại Đức Phật trên những con đường ở thành Rajagriha. Việc con voi điên tấn công Đức Phật tạo nên sự hỗn loạn và náo động và sau đó con thú điên tiết này thể hiện sự điềm tĩnh và quỳ nơi chân bậc Đạo sư.
Có một phiến đá được điêu khắc rất hoàn hảo từ bảo tháp Phật giáo tại Amravati. Trường hợp nổi bật khác là phong cách nghệ thuật thanh nhã của Amravati vào thể kỷ thứ II (TL) được thấy nơi thanh xà ngang rào chắn ấn tượng. Chủ thể được đề cập ở đây là sự thể hiện của Thái tử La Hầu La đối với Đức Phật, khi Ngài viếng thăm hoàng gia của mình. Sự hiện diện của Đức Phật ở đây được biểu trưng bằng ngai vàng để trống, dấu chân của Ngài, bánh xe Pháp luân và biểu tượng Tam bảo. Phía bên trái là những đệ tử xuất gia của Ngài và phía bên trái là những thành viên trong hoàng gia. Cách một khoảng, phía sau bức màn, ta nhìn thấy một con voi, một con ngựa và những người hầu. Sự rụt rè của vị thái tử trẻ đang cố dấu khuôn mặt của mình phía sau mép ngai vàng và đưa hai tay chắp lại trong tư thế chào, sự mô tả tinh tế về những tư thế khó của những hình người quỳ kính lễ Đức Phật, sự thể hiện ấn tượng bố cục đông đúc cả ba mặt, chứng minh một cách hung hồn nhà điêu khắc tạo nên kiệt tác này với một ảnh hưởng diễn đạt bằng hình tượng một cách tuyệt vời.
Xà khắc nổi với một chuỗi các vật thể là một trường hợp điển hình của nghệ thuật từ Nagarjunakonda. Những đặc điểm đã được nhìn thấy tại Amravati, như minh họa được đề cập ở đoạn trước, là được tìm thấy nhiều ở nơi này. Thanh xà được chia thành những ô chữ nhật trình bày những phân cảnh từ các câu chuyện Jataka được đặt cùng với những cặp tình nhân bên trong những ngăn nhỏ được tạo ra bởi khoảng cách giữa các trụ cột. Có rất nhiều người được miêu tả, cảnh chiến tranh hoàng cung, và những cảnh yêu nhau trình bày những cặp nam nữ ở trong nhiều tư thế khác nhau. Người họa sĩ bấy giờ thể hiện một sự thành thạo hoàn toàn về hình thể con người mà họ đạt được dần qua hàng thế kỷ. Những hình tượng là đầy sức sống và động tác được thực hiện với một kỹ xảo tuyệt vời được đặt cơ sở trên việc quán sát đời sống trong thực tế.
Sau khi Alexander xâm chiếm Ấn Độ vào năm 326 (tr.TL), những vị vua Ấn Độ gốc Hy Lạp, Ấn Độ gốc Xi-tơ (Scythian) đã cai trị những vùng lãnh thổ phía Tây và Bắc, và dưới sự bảo trợ của họ đã xuất hiện một phong cách tạo tượng riêng biệt, được biết đến rộng rãi như là nghệ thuật Hy-La hay nghệ thuật Phật giáo Gandhara. Đây là một sản phẩm của việc kết hợp những yếu tố Hy Lạp cổ đại, của phương Tây, của châu Á với những yếu tố bản địa. Nhưng kỹ thuật Hy Lạp và La Mã, được thay đổi theo nhu cầu của Ấn Độ, được sử dụng trong việc tạo nên nghệ thuật điêu khắc Gandhara mà đích thực thể hiện văn hoá Ấn Độ trong một trang phục phương Tây. Chủ đề được đề cập phần lớn là Phật giáo. Phạm vi của nó mở rộng từ Takshila ở Ấn Độ đến Thung lũng Swat ở Pakistan và theo hướng Bắc đến tận những khu vực ở Afghanistan.
Sự thay đổi có tính cách mạng vào thế kỷ đầu Tây lịch đã có những ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ vào nghệ thuật của Ấn Độ, mà cũng vào sự phát triển nghệ thuật ở những quốc gia Phật giáo châu Á. Đức Phật mà trước đó chỉ được tượng trưng qua biểu tượng, nay được sáng tác mang hình dáng con người. Ngài được thể hiện qua một số trong 32 tướng tốt (mahapurushalakshana), chẳng hạn như nhục kế ở trên đầu, tóc xoắn ốc, chấm son đỏ giữa lông mày và tai dài. Sự thay đổi này xảy ra như là một kết quả của những đổi mới mà chúng thâm nhập vào trong Phật giáo do sự ảnh hưởng của trường phái triết học Ấn Độ mang khuynh hướng thần quyền, cần đến việc thờ phụng thần linh bằng hình thể.
Phật giáo hẳn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc trong việc đưa tôn giáo đến với quần chúng. Thánh tượng từ đó trở thành yếu tố chính của điêu khắc và thờ phụng. Có thể, sự xuất hiện của tôn tượng Đức Phật ở Gadhara và Mathura là một sự phát triển song song. Trong mỗi trường hợp, chúng được giới thủ công họa sĩ địa phương làm việc theo truyền thống địa phương sáng tác nên. Tại Mathura, nó rõ ràng xuất phát từ truyền thống tạo tượng Yaksha. Thánh tượng Gandhara có phần giống với Apollo ở nơi một số hình thể có nguồn gốc từ nước ngoài, và nếp áo gấp mang tính cách đặc trưng của Hy-La, nhưng dầu vậy hầu hết những thánh tượng trình bày Đức Phật ngồi theo tư thế yoga đặc trưng Ấn Độ, một nét đặc biệt không có mặt nơi truyền thống nghệ thuật Hy Lạp cổ đại.
Tấm phù điêu khắc nổi diễn tạ sự kiện Đại xuất thế của Đức Phật là một minh họa chính xác của nghệ thuật Gandhara vào thế kỷ thứ II (TL). Từ bỏ vợ đẹp con xinh và thừa kế vương quốc để tìm cầu sự giải thoát tối hậu, Thái tử Siddhartha được thể hiện đang cưỡi con ngựa Kanthaka yêu quý của mình, mà chân của nó được nâng bởi hai nam Dạ Xoa nhằm cho hoàng gia không nghe thấy âm thanh. Người giữ ngựa của Ngài là Chandaka, giữ cái lọng che trên đầu Ngài. Mara, một kẻ xấu ác, cùng với hai tên lính của mình và những nữ thần thành thị đang cố thuyết phục Thái tử để ngăn chặn mục đích thiêng liêng của Ngài. Tình tiết này, mà nó là một điểm quyết định trong cuộc đời của Gautama, được mô tả một cách ấn tượng.
Trường hợp điển hình khác của nghệ thuật Gandhara vào thế kỷ thứ III (TL) là tượng Bồ-tát đứng. Tay phải của ngài đưa ra trong tư thế hộ trì. Ngài choàng một cái khăn quý, một sợi dây treo những bùa hộ mạng vắt ngang cơ thể, và mang đôi dép có quai. Bệ tượng có trang trí hai hình người Corinth. Tượng lực lưỡng để ria mép, nếp áo gấp sâu và dép có quai tất cả cho thấy sự ảnh hưởng của nghệ thuật Hy-La.
Những người Kushan mà họ đến từ Trung Á, cai trị khắp những vùng đất rộng lớn thuộc miền Bắc từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III (TL). Trong suốt triều đại của họ, Mathura, chỉ cách Delhi 80 dặm, đã chịu sự va đập mạnh với những hoạt động nghệ thuật quan trọng, và thậm chí những cơ sở của nó đã đáp ứng những nhu cầu của người nước ngoài cho nghệ thuật tạo tượng. Các tượng bấy giờ là những tượng thần và nữ thần Bà-la-môn, những vị thần của Phật giáo và Kỳ-na, mà chúng trở thành đặc điểm của sự phát triển nghệ thuật Ấn Độ về sau được thực hiện bằng thực nghiệm…
Phật giáo rất hưng thịnh dưới sự bảo trợ của những vị hoàng đế Kushan, và vô số tượng Phật và Bồ-tát đã được sáng tác. Một minh họa điển hình của tượng Phật, như được nhà điêu khắc Kushan sáng tác vào thế kỷ thứ II (TL), cho thấy Ngài ngồi kiết già trên tòa sư tử, dưới cây Bồ-đề, với tay phải trong tư thế hộ trì, trong khi tay phải được đặt trên đùi. Mắt mở rộng và nhục kế trên đỉnh đầu được trình bày bằng một lọn tóc xoắn óc về bên trái. Tay và chân được đánh dấu với những biểu tượng kiết tường. Hai vị thiên thần đứng ở hai bên, được trình bày bên trên. Loại tượng Phật này đạt đến sự hoàn hảo vào thời Gupta, ba thế kỷ sau đó.
Nguyên Hiệp dịch (nguồn: ccrtindia.gov.in)