Rừng và tu trong rừng



Với một số tôn giáo Ấn Độ, như Ấn giáo, Phật giáo và Kỳ-na giáo, rừng được xem là nơi tu tập lý tưởng đối với các Tăng sĩ hay ẩn sĩ. Với môi trường hẻo lánh và hoang vắng, những hành giả có thể dễ dàng cắt đứt những trói buộc của đời sống gia đình và xã hội, thuận tiện cho việc hành thiền và đoạn trừ những sở chấp. Rừng như vậy là môi trường tiện lợi cho việc thực hành đời sống tâm linh-tôn giáo. Trong Ấn giáo, rừng là nơi tu luyện phổ biến của các tu sĩ. Và ngay cả với nhiều người tại gia, vào một số ngày trong năm, họ cũng tìm đến rừng hay những nơi vắng vẻ để thực hiện những ngày chay tịnh. Trong truyền thống Upanishad, các ẩn sĩ cũng thường lấy rừng làm nơi ẩn cư tu hành; và rừng không chỉ là nơi ẩn tu, mà cũng còn là nơi người ẩn sĩ giảng dạy cho các đệ tử của họ. “Trường học” trong truyền thống Upanishad chính yếu nằm ở trong rừng. Với các tu sĩ Kỳ-na (sadhu), trong thời kỳ đầu, rừng là một nơi lý tưởng cho việc tu khổ hạnh. Và ngày nay, dù các tu sĩ Kỳ-na hầu như ở tại các đền thờ của họ, thì rừng hay đồi núi cũng được xem là môi trường tốt để thiền định và thực hành những pháp tu khổ hạnh.

Trong Phật giáo, rừng gắn bó khá mật thiết với cuộc đời Đức Phật, từ khi đản sinh cho đến lúc nhập Niết-bàn. Ta biết rằng sau khi xuất gia, Siddhartha đã tìm đến những vị đạo sư sống ở trong rừng và tu học với họ ở đấy. Và sau đó, khi rời hai vị đạo sư là Alara Kalama và Udaka Ramaputta, Ngài cũng đã thực hành sáu năm khổ hạnh ở trong rừng. Sự thực, những sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời của Đức Phật đều diễn ra trong những khu rừng: đản sinh tại một khu vườn rừng, xuất gia tu khổ hạnh ở trong rừng, thành đạo tại cội bồ-đề ở trong rừng, khởi chuyển Pháp luân cho năm Tôn giả Kiều Trần Như tại một khu vườn rừng, và nhập Niết-bàn cũng tại một khu rừng. Hai ngôi tinh xá đầu tiên của Phật giáo là Kỳ viên và Trúc lâm, nơi Đức Phật đã có nhiều kỳ an cư mùa mưa, cũng được thành lập tại những khu rừng, hoặc chí ít là những khu vườn rừng. Trong kinh tạng Nikāya, ta thấy có nhiều bài kinh được thuyết giảng tại những khu rừng, trong đó có bản kinh được nhiều người biết đến là kinh Giáo giới La Hầu La tại rừng Ambala (Ambalatthikā Rāhulovāda sutta, Trung bộ). Trong kinh Tương ưng, ta thấy có một chương, chương Tương ưng rừng, đề cập đến những bài kinh được Đức Phật thuyết tại những khu rừng khác nhau. Trong kinh tạng Đại thừa, những bản kinh như Pháp hoa, Thủ lăng nghiêm, Bát-nhã, theo như phần duyên khởi ở đầu mỗi bộ kinh cho biết, được Đức Phật thuyết giảng tại núi Linh Thứu, nơi Ngài thường cư trú mỗi khi đến thành Vương-xá. Kinh Duy Ma Cật, một bản kinh được nhiều người biết đến, được thuyết giảng tại một rừng xoài…

Trong kinh tạng Pāli, ta thấy có một số bản kinh đề cập đến sự hành trì của Đức Phật ở trong rừng. Ví dụ như kinh Katthahāra (Tăng chi bộ I:180), đã đề cập đến việc Đức Phật hành thiền trong rừng với sự định tĩnh và uy nghi, đã khiến cho những thanh niên Bà-la-môn tỏ lòng kính ngưỡng: “Trong khu rừng thâm u/ Nhiều dễ sợ khủng khiếp/ Rừng trống không, hoang vắng/ Ngài vào sâu một mình/ Thân bất động, kiên trì/ Ðẹp đẽ và uy nghi/ Này Tỳ-kheo, Ngài thiền/ Với tâm tư định tĩnh/ Ở đây không ca hát/ Ở đây không nói năng/ Cô độc trong rừng sâu/ Bậc Thánh nhân an trú/ Như vậy đối với con/ Thật kỳ diệu hy hữu”. Đức Phật cũng có một kỳ an cư mùa mưa ở trong rừng. Đó là kỳ an cư mùa mưa vào năm thứ chín sau khi Ngài giác ngộ, tại một khu rừng ở Kosambi.

Vào thời Đức Phật, việc tu tập trong rừng không phải là một quy định bắt buộc đối với người xuất gia. Nhưng trong một số trường hợp, độc cư ở trong rừng hay những nơi hoang vắng lại được tán thán. Chẳng hạn như trong Đại kinh khu rừng sừng bò, khi nghe các vị Tôn giả tán thán về những phẩm hạnh tu tập mà trong đó có hạnh ở trong rừng, Đức Phật đã đồng tình với điều đó. Đây là một đoạn trong kinh, trình bày về cuộc đối thoại giữa tôn giả Anuruddha (A Nậu Lâu Đà) và Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) liên quan đến vấn đề này: “Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỳ-kheo tự mình sống ở rừng núi và tán thán đời sống ở rừng núi, tự mình sống khất thực và tán thán đời sống khất thực, tự mình mặc y phấn tảo và tán thán hạnh mặc y phấn tảo, tự mình sống với ba y và tán thán hạnh ba y, tự mình sống thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, tự mình sống biết đủ và tán thán hạnh biết đủ, tự mình sống độc cư và tán thán hạnh độc cư, tự mình sống không nhiễm thế tục và tán thán hạnh không nhiễm thế tục, tự mình tinh cần, tinh tấn và tán thán hạnh tinh cần, tinh tấn, tự mình thành tựu giới hạnh và tán thán sự thành tựu giới hạnh, tự mình thành tựu thiền định và tán thán sự thành tựu thiền định, tự mình thành tựu trí tuệ và tán thán sự thành tựu trí tuệ, tự mình giải thoát và tán thán sự thành tựu giải thoát, tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và tán thán sự thành tựu giải thoát tri kiến. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỳ-kheo ấy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga." (Ðại kinh Rừng sừng bò/ Mahāgosinga sutta, Trung bộ, HT. Minh Châu dịch).

Cũng trong kinh tạng Nikāya, ta thấy nhiều trường hợp, các Tỳ-kheo đã chọn cách sống trong rừng để ẩn tu và thực hành thiền định. Nhưng không phải những người chọn lối sống trong rừng đều đạt được sự thành công trong việc phát triển tâm linh. Điều này cũng được phản ánh trong một số câu chuyện tiền thân (Jātaka). Chẳng hạn như chuyện Bãi sa mạc (Vannupatha, chuyện số 2). Câu chuyện này kể về một người thiện nam, khi nghe Đức Phật thuyết giảng đã phát khởi tín tâm và rồi xuất gia. Sau khi xuất gia, vị này nhận lấy một đề mục thiền quán từ Đức Phật và đi vào trong rừng tu tập. Nhưng sau ba tháng an cư mùa mưa, vị ấy không phát triển được gì trong tiến trình tu tập.

Và khi một hành giả sống ở trong rừng nhưng không có tiến bộ trong tu tập, ngược lại còn đưa đến những phiền luỵ và chướng ngại cho cả thân và tâm, thì họ nên rời bỏ khu rừng ấy để đến một nơi khác: “Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỳ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy cần phải suy nghĩ: ‘Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một vị xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn’. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy phải từ bỏ khu rừng ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm”. (kinh Khu rừng/ Vanapattha sutta, Trung bộ, HT.Minh Châu dịch).

Rừng được xem như là một nơi chốn thuận tiện cho việc đoạn trừ những ngoại duyên và thực hành thiền định. Nhưng với những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sống nơi hoang dã và tâm thức chưa được vững chãi, rừng có thể đem lại cho họ những sợ hãi. Điều này cũng được đề cập trong kinh: "Tôn giả Gotama, thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Con nghĩ rằng rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỳ-kheo chưa chứng thiền định”. Và cũng trong chính bản kinh này Đức Phật đã trình bày cách Ngài đã chế ngữ sự sợ hãi như thế nào: “Này Bà-la-môn trong khi Ta đi kinh hành qua lại mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không đứng, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đi kinh hành qua lại. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang đứng mà sự sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không kinh hành qua lại, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang đứng. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang ngồi mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không nằm, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang ngồi. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang nằm mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không ngồi, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang nằm”. (kinh Sợ hãi và khiếp đãm/ Bhayabherava sutta, Trung bộ, HT. Minh Châu dịch).

Kinh sách chia những người ở trong rừng thành năm hạng, tùy theo mục đích và phẩm hạnh của họ mà có hạng được tán thán và có hạng bị phê bình: “Có năm hạng người này sống ở rừng. Thế nào là năm? Hạng đần độn ngu si sống ở rừng; hạng ác dục, ác tánh sống ở rừng; hạng kiêu mạn loạn tâm sống ở rừng; hạng ở rừng vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán; hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng... Trong năm hạng người này sống ở rừng, này các Tỳ-kheo, hạng sống ở rừng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này sống ở rừng. Hạng người này trong năm hạng người ấy là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ, là tối thượng, là tối diệu”. (Tăng chi bộ, chương V, phẩm Rừng).

Thêm nữa, sống ở trong rừng nhưng nếu còn bị những ngoại duyên chi phối, thì vẫn có thể gặp phải phiền luỵ, bất kẻ họ là ai: “Và này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy cho vị Ðạo sư? Ở đây, này Ananda, có Ðạo sư lựa một trú xứ (senasanam) xa vắng trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Ðược các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy, này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của Ðạo sư. Vì sự phiền lụy của Ðạo sư, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sanh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già, chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của Ðạo sư”. (Kinh Ðại không/ Mahāsunnata sutta, Trung bộ, HT. Minh Châu dịch).

Trong các kinh sách Đại thừa, có lẽ kinh Đại Bảo Tích tán thán hạnh ở rừng hơn cả. Bản kinh này xem việc Bồ-tát tu tập ở trong rừng như một điều kiện cần thiết cho việc phát triển đường đạo. Hình ảnh Bồ-tát trong kinh Đại Bảo Tích khá gần với hình ảnh Bồ-tát trong các Jātaka: thấy những trói buộc của đời sống gia đình, xuất gia sống đời ẩn sĩ tìm cầu giải thoát: “Bồ-tát thấy lỗi nhà/ Nên bỏ mà xuất gia/ Đến ở nơi núi rừng/ Chỗ tịch tịnh không người/ Xa rời nam và nữ/ Xa quyến thuộc đại chúng/ Riêng mình không bạn bè/ Như tê giác một sừng/ Chuyên tâm cầu tịnh đạo/ Được mất lòng không lo/ Thiểu dục và tri túc/ Ly siểm trừ kiêu mạn/ Tinh tấn vì chúng sanh/ Bố thí điều phục tâm/ Khổ hạnh tu thiền định/ Nhất tâm cầu Phật trí/ Chẳng tiếc thân và mạng/ Xa lìa ái quyến thuộc/ Vững tâm cầu Bồ-đề/ Ý chí như kim cương/ Nếu có người chém chặt/ Không có lòng giận thù/ Tâm dũng mãnh thêm lớn/ Cầu được nhất thiết trí.” (Kinh Đại Bảo Tích, chương Pháp hội hộ quốc Bồ-tát, HT.Trí Tịnh dịch).

Một đoạn khác của kinh này cũng cho thấy quan điểm tương tự: “...Thấy rõ ở nhà là gốc khổ/ Gần kề ác hữu không chánh niệm/ Do đó vứt bỏ đi xuất gia/ Ở nơi núi rừng cầu giải thoát/ Thường ở cảnh vắng tịch tịnh vui/ Dứt hẳn ái niệm nơi quyến thuộc/ Chẳng tiếc thân thể và mạng sống/ Riêng đi không sợ như sư tử/ Khất thực nuôi thân thường biết đủ/ Như loài chim bay không chứa cất/ Chẳng thích sanh trời và nhân gian/ Chỉ cầu đạo Bồ-đề Vô thượng...” (Kinh Đại Bảo Tích, chương Pháp hội hộ quốc Bồ-tát, HT.Trí Tịnh dịch).

Nhưng Bồ-tát tu tập ở rừng cũng phải là người dũng mãnh. Có dũng mãnh mới tu được ở rừng: “Bồ-tát dũng mãnh thích núi rừng/ Thường chẳng theo người cầu lợi dưỡng/ Hằng được trí sâu vô ngại biện/ Giỏi hay thông đạt các pháp tướng”.  (Kinh Đại Bảo Tích, chương Pháp hội hộ quốc Bồ-tát, HT.Trí Tịnh dịch).

Kinh Đại Bảo Tích tán thán hạnh tu ở trong rừng, những cũng phê bình những người ở rừng nhưng không phải vì mục đích tu tập mà vì những mục đích khác. Xét cho cùng, tu ở đâu thì “động cơ” vẫn là điều quan trọng: “Vì cầu danh lợi ở núi rừng/ Đến đó lại cầu các đồng bạn/ Vứt bỏ thần thông trí biện tài/ Cầu danh lợi hiện tại quyến thuộc/ Hạng ấy mạng chung đọa ác đạo.” (Kinh Đại Bảo Tích, chương Pháp hội hộ quốc Bồ-tát, HT.Trí Tịnh dịch).

Bên cạnh, kinh Đại Bảo Tích không chỉ trình bày hình ảnh Bồ-tát với khát vọng tìm cầu giải thoát cho riêng mình qua đời sống ẩn dật, mà cũng cho thấy Bồ-tát là người luôn làm những việc khó làm, phát nguyện độ sanh và vị lợi ích của chúng sanh. Và cũng có quan điểm cho rằng, những nhà Đại thừa thời kỳ đầu là những Bồ-tát tu ở trong rừng (ví dụ, Daniel  Boucher, Bodhisattvas of the Forest and the Formation of the Mahāyāna:A Study and Translation of the Rāṣṭrapālaparipṛcchā-sūtra, Honolulu: University  of  Hawaii Press, 2008 ), những người muốn thoát ly khỏi việc thể chế hóa đời sống tu sĩ. Hay nói cách khác, những ẩn sĩ tu ở trong rừng là những người tiên phong cho phong trào Phật giáo phát triển về sau. Tất nhiên những phương thức tu tập cũng như hệ thống triết học đồ sộ của Phật giáo Đại thừa là một quá trình phát triển dài lâu.

Khi Phật giáo truyền sang các nước khác ở Á châu, một số Tăng sĩ cũng đã chọn cách thức tu trong rừng, mà với họ nó được xem như là gần gũi với truyền thống tu tập truyền thống của Phật giáo. Việc chọn cách thức tu tập này khá phổ biến ở những nước theo Phật giáo Theravāda như Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia... Ở những nước này, ngày nay cũng còn khá nhiều Tăng sĩ thực hành tu ở trong rừng với nhiều cách thức và mức độ tu tập khác nhau. Thậm chí một số Tăng sĩ người phương Tây, sau một thời gian tu học ở một số nước Phật giáo Á châu, cũng đã áp dụng phương thức tu này khi trở lại quốc gia của họ.

Thích Nguyên Hiệp