Chết đi về đâu?: Quan niệm của Thiên Chúa giáo và Phật giáo


Mối quan tâm chính của người theo tôn giáo ở khắp mọi nơi là câu hỏi: tôi sẽ về đâu khi tôi chết? Khi tôi dạy về tôn giáo, đây là một trong những câu hỏi đầu tiên mà tôi thường nhận được từ các sinh viên. Người ta ở mọi nơi băn khoăn về đời sống sau khi chết bởi vì nó hoàn toàn không được biết đến. Thế nhưng, họ có thể làm bất cứ điều gì có thể để bảo đảm một đời sống tốt sau khi chết. Mặc dù có những miêu tả về những vấn đề thưởng hay phạt, thiên đường hay địa ngục ở trong nhiều tôn giáo, không ai có thể xác minh một cách rõ ràng sự hiện hữu của chúng.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ so sánh quan điểm của Thiên Chúa giáo về đời sống sau khi chết với quan điểm Phật giáo. Trong khi có một vài tương đồng, thì có những khác biệt quan trọng cần nên biết.

Truyền thống Thiên Chúa giáo tin vào cả Cựu và Tân ước. Trong Cựu ước, khởi nguyên là Thánh kinh của người Do Thái, không có quan niệm rõ ràng về đời sống sau khi chết. Nói chung, người ta nghĩ rằng họ sẽ đi đến âm ty - nơi yên nghỉ cuối cùng - hay rằng họ sẽ yên nghỉ cùng với cha ông hay tổ tiên của họ. Con người không bị phân biệt là có đức tin hay không có đức tin, mà các bản văn hình dung con người của Israel cổ đại như là một khối.

Do Thái giáo về sau, được đặt cơ sở trên Thánh kinh Do thái (Hebrew Bible), không phải là một tôn giáo thế giới đem sự cứu rỗi đến cho tất cả loài người. Nó là một tín ngưỡng của một dân tộc riêng biệt tận tâm với Thiên Chúa của họ như là dân của ngài và tuân giữ những điều răn của ngài. Mặc dù những người Do Thái phải đại diện cho Thiên Chúa ở trong ngữ cảnh đời sống của họ, họ không có mục đích cải đạo những người không phải là Do Thái.

Tân ước, được tạo lập bên trong Thiên Chúa giáo (Christianity), chủ trương rằng, dựa vào niềm tin của một người vào Chúa Giê-su (Jesus) như là Chúa cứu thế của loài người, người ta sẽ được lên thiên đường hay xuống địa ngục. Những khái niệm này đã tạo cơ sở cho việc truyền bá phúc âm Thiên Chúa giáo đến tận ngày này. Truyền thống Công giáo (Catholicsm) đã bổ sung thêm khái niệm chuộc tội mà nó làm giảm bớt đi độ mạnh của các khái niệm thiên đường và địa ngục. Có một con đường đi đến thiên đường thông qua việc thanh tẩy ở nơi sự chuộc tội với sự trợ giúp của gia đình hay bằng hữu đối với người chết.

Nguồn gốc của quan niệm phương Tây về tính nhị nguyên thiên đường và địa ngục cho thấy đã bắt nguồn ở Ba Tư với giáo thuyết của nhà tiên tri Zoroaster. Ông đã dạy về cuộc chiến đấu giữa Ahura Mazda, Thần Ánh sáng, và Ahriman, thủ phạm của điều ác. Dựa vào những hành vi của mình, người ta sẽ rơi vào địa ngục hay lên thiên đường. Khái niệm này được sáp nhập với khái niệm Phán xét cuối cùng của những người Do Thái lưu vong ở Babylonia và Ba Tư (TK.VI tr.TL).

Trong phát triển về sau của Do Thái giáo, sự tách biệt giữa thiên đường và địa ngục đã giúp giải quyết câu hỏi về số phận của những cựu thù của Israel và mang sự công bằng đến cho những người Do Thái mà họ đã chịu sự lưu vong và rời xa quê hương của họ. Có một sự phán quyết sau cùng, sau một cuộc phục sinh tập thể, ở đó tất cả những cựu thù của họ sẽ nhận lấy những thưởng phạt công bằng của họ. Điều này đi đến một đặc điểm quan trọng trong quan niệm của Thiên Chúa giáo, cho dù tương quan với niềm tin hay bác bỏ Chúa Giê-su. Ở đó, trọng tâm của niềm tin người Do Thái là tập trung nhiều hơn vào con người như một khối, còn quan điểm của Thiên Chúa giáo tập trung vào niềm tin hay không tin thuộc cá nhân. Niềm tin của Hồi giáo chịu ảnh hưởng giáo lý Thiên Chúa giáo và tập trung vào cá nhân.

Một khía cạnh của niềm tin Thiên Chúa giáo là rằng sau sự phục sinh về thể xác và sự phán xét cuối cùng, những người ác sẽ bị ném vào một hầm lửa vĩnh viễn. Những tín đồ sẽ được đưa lên thiên đường và ở đó họ sẽ sống vĩnh hằng với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, sự lan tỏa của Thiên Chúa giáo vào thế giới Hy-La ở Địa Trung Hải đã đưa đến những thay đổi trong khái niệm về đời sống sau khi chết. Quan niệm của người Do Thái đã ủng hộ một sự phục sinh và phán xét. Những người đã chết nằm chờ trong mồ của họ cho đến khi có lời gọi của Thiên Chúa đánh thức họ khỏi giấc ngủ để đối diện với sự phán xét. Thiên Chúa giáo ban đầu đã sống trong sự mong chờ lần đến thứ hai của Chúa Giê-su và một sự phục sinh tập thể và sự phán xét sau cùng.

Tuy nhiên, quan niệm Hy Lạp đã duy trì niềm tin vào một linh hồn bất tử mà, khi thân xác bị hủy hoại, sẽ sống vĩnh hằng ở trong một thiên đường hạnh phúc. Sự hiểu này dần được sáp nhập vào trong Thiên Chúa giáo với niềm tin vào sự bất tử sau cái chết mà nó vượt qua quan niệm về phục sinh. Bây giờ nó hoàn toàn là niềm tin chung rằng khi người ta chết, họ lập tức lên thiên đường với Chúa Giê-su và những người thân yêu của họ. Tuy nhiên, niềm tin vào lần đến thứ hai của Chúa Giê-su và một sự phán xét cuối cùng, mà nó hàm ý sự phục sinh, vẫn tiếp tục tồn tại.

Một vấn đề khác ở trong niềm tin vào đời sống sau khi chết của Thiên Chúa giáo là vấn đề trừng phạt đối với tội phạm. Không có sự phân chia hay mức độ nào ở trong khái niệm địa ngục. Bất chấp sự thật rằng những điều xấu ác hay tội lỗi mà những người bất tín phạm phải khác nhau ở mức độ và kiểu thức, sự trừng phạt là không thay đổi đối với những người bất tín và tất cả đều nhận chịu sự trừng phạt như nhau. Việc bị giáng xuống địa ngục là vĩnh viễn mà không bao giờ có sự kết thúc.

Gần đây, khía cạnh tiêu cực của đời sống sau khi chết đã được giám bớt đi và khía cạnh tích cực của đời sống vĩnh hằng ở nơi sự hiện diện của Chúa Trời được nhấn mạnh. Thay vì chịu thiêu đốt trong một địa ngục theo nghĩa đen, quan điểm về việc ngăn cách khỏi Thiên Chúa và sự cô độc cuối cùng thường được nhấn mạnh.

* * *

Phật giáo xuất hiện bên trong ngữ cảnh tôn giáo Ấn Độ vào thế kỷ VI trước TL. Niềm tin về các cõi trời và các cõi địa ngục đã có mặt rồi. Từ khởi đầu Đức Phật dạy nguyên lý nghiệp và tái sanh, nhưng không giống tôn giáo Ấn Độ, Ngài từ bỏ khái niệm về một linh hồn hay thực thể vĩnh cữu ở trong chúng sanh và các sự vật. Không có một linh hồn bất tử như ở trong Ấn giáo và Thiên Chúa giáo. Chúng sanh được cấu thành từ một tập hợp các yếu tố (ngũ uẩn) mà chúng phân tán khi chết và nhận lấy một hình thức đời sống mới, tương ứng với nghiệp của họ. Tiếp tục như vậy mãi cho đến khi ta giác ngộ hay chứng đắc Niết-bàn.

Ngang qua những hành vi tốt và việc tu tập của mình, ta trải qua nhiều giai đoạn tiến triển mãi cho đến khi có thể chứng đạt Niết-bàn. Niết-bàn không phải là một nơi chốn mà, có lẽ, là một trạng thái phúc lạc, an bình và hoan hỷ không thể mô tả được. Những ngọn lửa tham chấp được “dập tắt” và thế giới phân biệt được vượt qua. Nó giải thoát khỏi nghiệp. Không có từ ngữ nào đủ để định nghĩa nó.

Một quan điểm cao như vậy về đời sống sau khi chết là không dễ đối với đa số. Phật giáo cũng có một triết học về đời sống sau khi chết. Vũ trụ chia thành ba cấp độ, dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Ở dục giới, có sáu cõi từ cõi của chư thiên đến xuống các cõi địa ngục. Ta có thể sanh vào một cõi trời, hay làm một con người, một a-tu-la, một súc sanh, một quỷ đói hay một chúng sanh ở địa ngục.

Tầng bậc tái sanh tùy thuộc vào sự vượt trội của nghiệp thiện qua nghiệp ác hay ngược lại. 33 cõi trời là những cõi cao trong vũ trụ. Cho dù ta sinh vào một trong các cõi này nhờ vào sức mạnh của thiện nghiệp, đời sống ở đó không vĩnh viễn. Khi nghiệp lành hết, thì chư thiên và ngay cả các vị thiên chủ, sẽ tái sanh vào thế giới khác tùy thuộc vào bản chất nghiệp trước đây mà nay nó chính muồi. Ta có thể đạt lấy Niết-bàn chỉ từ cõi người mà ở đó ta có thể tu tập theo giáo pháp Phật giáo.

Truyền thống Phật giáo Đại thừa của Bắc và Đông Á đã thêm những xem xét xa hơn. Mục đích của Niết-bàn được thay bằng việc chứng đắc Phật quả. Trước Phật quả là giai đoạn của Bồ-tát. Bồ-tát vào lúc đầu từ chối nhập Niết-bàn để cứu độ tất cả chúng sanh vì lòng từ bi. Khi cuối cùng đạt đến Phật quả, ngài sẽ tiếp tục công việc cứu độ của mình. Điều cốt yếu của Phật giáo Đại thừa là lòng từ bi phổ quát.

Trong truyền thống Tịnh độ tông, bộ phái được phát triển bên trong Đại thừa, niềm tin vào Phật A Di Đà và niệm danh hiệu của Ngài có thể giúp một người bình thường được sanh về cõi Tịnh độ. Ở đấy, trong một môi trường tốt nhất, vị ấy có thể đạt lấy Phật quả và tiếp tục những nỗ lực cứu độ chúng sanh.

Đối nghịch với lĩnh vực từ bi ở các cõi trời hay Tịnh độ, là những cõi địa ngục mà ở đó những người xấu ác sẽ đến do vì nghiệp nhân của họ. Tuy nhiên, những địa ngục này cũng không vĩnh cữu mà tùy thuộc vào chu kỳ nghiệp của mỗi người. Luôn luôn có khả năng đạt được Phật quả. Chính quan điểm này của Phật giáo mà cuối cùng tất cả chúng sanh sẽ thành Phật và lòng từ bi và trí tuệ viên mãn sẽ được thành tựu. Một trạng thái như vậy cũng là Niết-bàn, sự giải thoát hoàn toàn ra khỏi sự trói buộc của nghiệp.

Quan điểm của Phật giáo khác với Thiên Chúa giáo ở chỗ trạng thái của đời sống sau khi chết tùy thuộc vào nghiệp. Khi nghiệp chính muồi như một hạt giống và nảy mầm thành một cái cây, có những khả năng mới xảy ra. Thêm nữa, mục đích của đời sống sau khi chết không chỉ là để giải thoát mình ra khỏi thế giới khổ đau, mà cũng làm việc để đưa tất cả chúng sanh khác đến sự an bình của Phật quả và Niết-bàn.

Trong Phật giáo Đại thừa về sau ở Đông Á, quan điểm về một linh hồn thường hằng trở nên phổ biến. Vào lễ Vu Lan (Obon), linh hồn của những người thân yêu được tin quay về từ bờ giác bên kia hay từ cõi Tịnh độ để giúp đỡ trong công việc trồng trọt và thu hoạch vụ mùa bằng việc mang mưa và sự sinh sôi đến. Những người quá cố cũng được tin là đang trông nom những người thân yêu của họ ở trong đời sống này và giúp đỡ vào những lúc khó khăn.

Trong giáo lý Phật giáo, quan niệm về thưởng và phạt không mang nghĩa đen. Chúng được gọi là “upaya”, một thuật ngữ Sanskrit mà nó có nghĩa là một phương tiện thiện xảo để thúc đẩy sự quan tâm và phát triển tôn giáo. Tuy nhiên, vẫn có những người hiểu những hình ảnh huyền bí theo nghĩa đen như là những trạng thái hiện hữu thực sự. Họ đã bỏ ra những nguồn tài sản đáng kể vào việc cúng kiếng nhằm siêu thoát người chết. Tuy nhiên, phần lớn những hình ảnh này được so sánh với những trạng thái tâm lý. Ví dụ, hình ảnh ngạ quỷ phổ biến tại lễ Vu Lan có một cái bụng lớn và miệng nhỏ, phản ánh trạng thái tinh thần tham lam mà tất cả chúng ta trải nghiệm. Những miêu tả là để hướng dẫn trạng thái tinh thần của chúng ta trong đời sống này và khổ đau mà ta có thể tạo ra.

Thông qua những niềm tin này, Phật giáo có thể giúp người ta chấp nhận những khó khăn trong đời sống và có những cái nhìn tích cực hơn đối với số phận của tất cả. Những niềm tin này tương phản với một số trình bày của Thiên Chúa giáo, trong việc nhấn mạnh rằng giải thoát sau cùng sẽ đến với tất cả mọi chúng sanh. Kẻ xấu ác đã phạm phải điều gì, thì sự trừng phạt sẽ tương thích với điều đó. Có sự công bằng cuối cùng dành cho tất cả. Mặc dù có những hình ảnh gây sợ hãi trong cả Thiên Chúa giáo và Phật giáo, những hình ảnh Phật giáo không phải là những trình bày mang nghĩa đen mà có giá trị giáo dục trong việc khuyến khích việc tự phản chiếu bản thân và thấu rõ trạng thái tinh thần hiện tại của ta.

Alfred Bloom (Giáo sư danh dự Đại học Hawaii - Hoa Kỳ).

Nguyên Hiệp dịch

Nguồn: shindharmanet.com