Tụng kinh hay cầu kinh là một điều phổ
biến trong các tôn giáo. Phật giáo cũng không ngoại lệ trong vấn đề này. Tuy
nhiên, mục đích của việc tụng niệm thì khác nhau giữa tôn giáo này với tôn giáo
khác. Phật giáo là tôn giáo duy nhất không xem tụng niệm như là cầu nguyện.
Đức Phật trong nhiều phương cách đã chỉ
dạy chúng ta phải có niềm tin vào hành động của mình và kết quả của nó, và qua
đó khuyến khích chúng ta nương tựa vào chính mình mà không vào một ai khác.
Điều này trong thực tế là điều cốt lõi nơi thông điệp sau cùng của Ngài ở trong
kinh Đại Niết-bàn (Mahaparinibbana
Sutta). Một trong những thông điệp trong kinh ngày là: “Này A Nan, hãy nương
tựa chính mình và chớ nương tựa vào ai khác, hãy nương tựa Chánh pháp và chớ
nương tựa vào pháp nào khác”.
Khi một người Phật tử tụng niệm, vị ấy
không cầu xin ai đó cứu mình ra khỏi tội lỗi hay mong chờ dành cho mình một nơi
chốn ở trên thiên giới sau khi chết. Thay vào đó, thông qua việc tụng niệm vị
ấy có thể học tập, giảng dạy, suy nghiệm hay nhớ lại kinh điển.
Thật sự, trong Tăng chị bộ (Anguttara
Nikaya), có một vài bản kinh liên quan đến việc tụng niệm như kinh Dhammavihari Sutta. Nó đề cập đến năm
hạng người sử dụng kinh điển.
Đầu tiên là người nghiên cứu nó chỉ với
mục đích học hỏi mà không đưa nó vào trong thực hành hay giảng giải cho người
khác. Vị ấy không quán chiếu sâu vào những gì mình đã học. Vị ấy được gọi là
'Pariyatti-bahulo', người chỉ thiện xảo trong nghiên cứu nó.
Thứ hai là người thuyết giảng những gì
mình đã học được từ kinh sách nhưng bản thân không thực hành nó. Vị ấy được gọi
là ‘Pannyatti-bahulo’, người chỉ thiện xảo trong giảng dạy.
Thứ ba là người tụng niệm. Vị ấy nghiên
tầm và tư biện về kinh điển, cố gắng dành mọi thời gian để thỏa mãn khát khao
triết học của mình. Vị ấy quên ứng dụng kinh điển vào đời sống. Vị ấy được gọi
là ‘Vitakka-bahulo’, người chỉ say mê thỏa mãn những khía cạnh triết học của
kinh điển.
Thứ tư là người tụng niệm kinh điển chỉ
để mong nhớ lâu. Vị ấy học thuộc lòng và ghi nhớ lại. Tuy nhiên, vị ấy không đi
xa hơn là áp dụng nó vào trong đời sống hàng ngày. Vị ấy được gọi là
‘Sajjhayaka-bahulo’, người chỉ say mê học thuộc lòng và tụng niệm lời dạy của
Đức Phật. Vị ấy thậm chí mong muốn có được thần thông từ việc tụng niệm.
Thứ năm và cuối cùng là người học hỏi
kinh điển, giảng dạy chúng cho người khác, quán chiếu những điểm triết học của
chúng, tụng niệm chúng thường xuyên và trên hết là thật sự thực hành chúng ở trong
đời sống hàng ngày. Vị ấy là người mà Đức Phật tán thán là ‘Dhammavihari’ – một
người thực hành Pháp (Dhamma), điều mà vị ấy đã học được từ kinh điển.
Sau khi đã
quán chiếu bản kinh này, chúng ta hãy nhìn
xem mình thuộc về hạng người nào, và tại sao chúng ta học hay tụng kinh.
Thế thì tại sao chúng ta, những Phật tử, tụng niệm?
Ngày xưa, trước khi có những phương
tiện hỗ trợ đầy đủ cho việc học tập như sách, những dịch phẩm và vi tính thì chúng
ta phải học thuộc lòng một bản kinh. Sau khi chúng ta học nó, chúng ta phải
tụng niệm thường xuyên để bảo lưu nó và truyền lại cho những thế hệ sau. Nếu
chúng ta không tụng nó hàng ngày, chúng ta có thể quên nó và bỏ sót một số phần
của nó. Kinh Tăng chi (Anguttara Nikaya) nói rằng nếu kinh điển được gìn giữ
kém, điều này sẽ đưa đến sự biến mất lời dạy của Đức Phật. Vì vậy thời bấy giờ
việc ghi nhớ và tụng đọc thường xuyên là điều vô cùng quan trọng. Điều này rõ
ràng đã góp phần đưa đến việc thực hành tụng niệm. Tụng niệm có ý nghĩa thực sự
cho việc tồn tại của Pháp.
Bây giờ chúng ta có đủ những phương
tiện hỗ trợ, vậy tại sao chúng ta vẫn tụng niệm? Có lý do nào khác khi thực
hành điều này?
Có một số lý do đáng để tiếp tục thực
hành tụng niệm. Tụng niệm thường xuyên giúp cho chúng ta có tự tin, sự hoan hỷ
và gia tăng tín tâm trong ta. Tâm đạo này thật sự là một sức mạnh. Nó được gọi
là tín lực (saddhabala). Nó tiếp nghị lực cho đời sống chúng ta. Tôi không rõ
người khác thì thế nào. Đối với tôi, tôi thường có cảm giác hoan hỷ khi tụng
niệm. Tôi trở nên tự tin hơn. Tôi thấy nó như là một phần của việc phát triển
đạo tâm.
Trong truyền
thống giáo dục tự viên Phật giáo, tụng niệm và học thuộc lòng vẫn còn là một
phần của việc giáo dục. Ở Miến Điện, chúng tôi học một số bản A-tỳ-đạt-ma (Abhidhamma) – những lời dạy cao nhất của Đức Phật mà nó liên quan
đến bản chất tối hậu của các pháp – theo cách đó. Chúng tôi được giảng giải về ý
nghĩa và những phát triển logic ở trong A-tỳ-đạt-ma
như thế nào. Vào buổi tối, chúng tôi cố gắng tụng đọc nhưng không học thuộc
lòng nó. Nó được biết như là lớp học ban đêm có mặt khắp ở đó. Đây là một kỷ
thuật nghiên cứu A-tỳ-đạt-ma và một
số kinh điển. Điều này là rất hữu ích vì nó giúp bạn quán chiếu rất nhanh.
Khi chúng ta
xem xét bản chất của kinh điển, lý do cho việc tụng niệm sẽ trở nên rõ ràng hơn
đối với chung ta.
Bản chất của kinh điển
Có một bản kinh, là kinh Hạnh phúc (Mangala Sutta), ở đó Đức Phật
đã trả lời câu hỏi của một vị Thiên (Deva)
về sự tiến bộ thực sự trong xã hội, trong kinh tế và đời sống tâm linh.
Đó là cái nhìn của Đức Phật về những điều này cũng như lời khuyên của Ngài đối
với tất cả chúng ta, những người thật sự muốn tiến bộ trong đời sống xã hội và
tâm linh. Nó là điều mà chúng ta nên thực hành trong suốt cuộc đời của mình từ
thời thơ ấu cho đến khi trút hơi thở sau cùng. Hầu hết kinh điển đều mang bản
chất này. Kinh điển là những mô tả cũng như những toa thuốc cho những căn bệnh
chung là tham, sân và si.
Bản chất khác của kinh điển là bảo vệ
hay chữa bệnh. Kinh Châu báu (Ratana
Sutta) là một trong những ví dụ nổi bật nhất ở đây. Kinh này được dạy cho Tôn
giả A Nan để thầy tụng đọc quanh kinh thành Vệ-xá-li khi dân chúng ở đây đang
đối mặt với hiểm nạn và đói kém. Kinh Angulimala
cũng được xếp vào phân loại này khi nó giải thoát đau đớn và rắc rồi cho một
người sắp làm mẹ. Kinh Đại hội (Mahasamaya
Sutta) và kinh Atanatiya cũng xếp
vào cùng loại bởi chúng nhấn mạnh vào hộ trì và chữa bệnh. Nến nhớ rằng Tôn giả
A Nan và Angulimala đã tu tập lòng từ bi trước khi tụng niệm những bản kinh
dành cho việc cầu an đặc biệt này.
Ba bản kinh Thất giác chi (gồm: Maha Kassapa Bojjhanga Sutta, Moggallana
Bojjhanga Sutta, và Maha Cunda Bojjhanga Sutta) thì được sử dụng phổ biến để
giúp giải thoát đau khổ của một người bệnh. Đây là bản chất thứ ba của kinh
điển mà tôi đang cố hiểu và quán chiếu.
Thậm chí Đức Phật yêu cầu Tôn giả Cunda
tụng đọc kinh Thất giác chi khi Ngài
bị bệnh. Chính Ngài đã tụng đọc kinh Thất
giác chi khi những Đại đệ tử của Ngài là Tôn giả Maha Kassapa và Tôn giả
Maha Moggallana bị bệnh. Đây là những bản kinh mà chúng bao gồm cả những hướng
dẫn cho việc thực hành thiền và năng lực chữa bệnh. Kinh Từ bi (Karaniyametta Sutta) có những bản chất tương tự: hướng dẫn
thực hành hàng ngày để phát triển lợi ích tinh thần và tiêu trừ những điều xấu.
Nói cách khác, tụng niệm trong Phật
giáo đáp ứng như một cách nhắc nhở sự thực hành mà ta cần làm trong đời sống
hàng ngày. Nếu chúng ta hiểu và học cách để thực hành nó đúng đắn, thì chính đó
là một cách khác của thiền định. Nó cũng đồng thời là một sự chữa trị hay cầu
an.
Lợi ích cuối cùng chúng ta có thể có
được từ việc tụng đọc kinh điển là một cách thiền định. Khi chúng ta tụng đọc,
nếu chúng ta cố gắng tập trung tốt vào việc tụng đọc của mình, tâm của chúng ta
trở nên chuyên nhất, không rông ruỗi, và không sinh khởi những suy nghĩ bất
thiện. Cố Hoà thượng H.Saddhatissa Mahanayaka Thero, người sáng lập SIBC (Saddhatissa
International Buddhist Centre), đã có sự nhận xét đúng đắn trong cuốn sách của
ngài, rằng hầu hết những thực hành của Phật giáo không có điều gì khác hơn ngoài
thiền định./.
Bhikkhu
Dhammasami – Nguyên Hiệp dịch
Nguồn: urbandharma.org