Wat Phrathat Doi Suthep


 
Chiang Mai là một thành phố lớn thuộc miền Bắc Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 800km.  Trước đây Chiang Mai là thủ đô của vương quốc Lanna, một nước cổ từng tồn tại từ thế kỷ XIII-XVIII TL; và ngày nay Chiang Mai giữ một vị trí quan trọng về kinh tế và văn hóa ở khu vực miền Bắc Thái Lan.
Chiang Mai là một thành phố hiện đại, tuy vậy nó vẫn giữ được nét cổ kính của mình do có sự hiện diện của những di tích xưa. Và ngày nay Chiang Mai cũng là thành phố thu hút nhiều khách du lịch, nhờ bởi sự góp mặt của nhiều yếu tố khác nhau, từ những dịch vụ phục vụ du lịch hiện đại, đến những cơ sở tôn giáo cổ kính cũng như những trung tâm dành cho việc thực hành thiền định. Chiang Mai cũng là nơi có nhiều danh lam Phật giáo nổi tiếng, và chúng thu hút nhiều người thăm viếng khi đến thành phố này, và Wat Phrathat Doi Suthep là một trong số đó.
Wat Phrathat Doi Suthep được xem là một địa điểm nỗi bật của thành phố Chiang Mai, và người ta ví von rằng, nếu đến Chiang Mai mà không viếng thăm Wat Phrathat thì coi như chưa đến thành phố này.
Wat Phrathat Doi Suthep là một ngôi chùa cổ của Chiang Mai, do vua Kuena của vương triều Mangrai xây tại Doi Suthep. Theo truyền thuyết, xá-lợi của Đức Phật được thờ tại ngôi chùa này, do một Tăng sĩ tên là Sumanathera mang từ Sukhothai đến Lanna vào năm 1371. Khi xá-lợi được mang đến Lanna, vua Kuena đã cho xây một chedi (tương tự như một ngôi tháp) tại chùa Suan Dak để thờ một phần, và phần còn lại được thờ tại Phrathat Doi Suthep. Ngôi chùa Phrathat Doi Suthep được cho là ngôi tháp đầu tiên do vua Mueangketklao của Chiang Mai mở rộng vào năm 1525. Sau đó, vị vua kế tiếp của Chiang Mai là Tnao Saikham đã cho phủ lên ngôi tháp những tấm lá đồng để bảo vệ ngôi tháp.
Cũng có huyền thoại rằng, tại Doi Kham hàng ngàn năm trước, có hai con quái vật sống ở đó. Khi Đức Phật đến vùng này, Ngài đã hóa độ hai con quái vật ăn thịt người này và khiến chúng quy y Tam bảo. Đức Phật cho chúng một sợi tóc, và sợi tóc đó hiện được thờ trong ngôi tháp.
Kiến trúc cổ nhật của Phrathat Doi Suthep là ngôi tháp (chedi), được xây dựng với hình thù một quả chuông, một kiểu kiến trúc tháp phổ biến ở Chiang Mai. Cận đó là một ngôi chánh điện (vihara) với hành lang bao quanh, trong đó có nhiều tượng Phật ngồi trên những chiếc bệ màu trắng với những tư thế khác nhau. Phía trước sân chùa trưng bày khá nhiều chuông và cồng và người viếng thăm có thể đánh nếu muốn. Cũng có những tượng người lính với kích thước khác lớn, cầm gươm, như là những người canh gác ngôi chùa. Cũng có cả tượng sư tử trắng, được tin là những vật canh gác vùng đất. Mặt trước của ngôi chùa trông rất đẹp. Ở trên cửa vào là một con công vàng ở trên một khung nền màu xanh sinh động, và ở trên đó là một bức bích họa lớn.
Cách không xa ngôi tháp và bảo điện là bức tượng Phật cao 17m nằm ở trên đỉnh. Bức tượng được an trí trên cái bệ màu trằng với một tượng Phật nhỏ hơn ở phía trước. Có một số tượng Hộ pháp đặt ở hai bên đường dẫn lên bức tượng như để canh gác bức tượng. Đầu lối lên chùa là cặp rồng màu vàng lớn (naga).
Người ta tin rằng Phrathat Doi Suthep là một ngôi chùa thiêng. Nếu một người đảnh lễ Phrathat (từ này có nghĩa là xá-lợi) từ bốn hướng chính, họ sẽ có được trí tuệ và từ bi. Để cầu phước đức, người ta sẽ cúng gạo, hoa, một cây nến và nhang, và sau đó nhiễu ba vòng theo kim đồng hồ quanh ngôi tháp với chân trần trong khi cầu nguyện. Người cầu nguyện ở phía Bắc ngôi tháp tin rằng họ sẽ được thông minh sang chói như trăng rằm. Người cầu nguyện ở phía Nam mong muốn thành công trong đường đạo. Cầu nguyện ở hướng Đông giúp người cầu nguyện sanh về cõi trời, cầu nguyện ở mặt Tây là việc phụng lễ cao quý nhất.
Cách đến
Wat Phrathat Doi Suthep tọa lạc trên một ngọn đồi Doi Suthep phía Tây nam của thành phố Chiang Mai, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Cách dễ nhất để đến địa điểm này từ trung tâm thành phố là đi bằng taxi, và cũng cần nên thuê xe hai chiều, bởi vì địa danh này không nằm ở trung tâm thành phố nên việc đón xe tại đây là không mấy tiện lợi. Giờ viếng địa danh này là từ 6g sáng đến 5g chiều. Không có thu phí vào cổng khi viếng thăm ngôi chùa này.
Nguyễn Đăng