Delhi Ngày Tạm Biệt

(tản văn)
Nguyên Hiệp

Tháng Chạp, hanh nắng, khô khốc. Delhi mùa Đông lạnh nhưng không mưa, vì thế phố xá rất bụi bặm. Thành phố mấy ngày nay có phần ngột ngạt, căng thẳng lên khi các vụ khủng bố vào thành phố kinh tế Mumbai đã khiến Ấn Độ lo lắng bố ráp quân đôi và cảnh sát khắp nơi, mà Delhi là một trong nhưng nơi được siết chặt an ninh hơn cả. Tại các gha xe lửa, metrol, chợ búa, sân bay… đâu đâu cũng thấy cảnh sát cơ động lăm lăm sung ống. Nhưng Ấn Độ là vậy, chỉ sau những vụ khủng bố người ta mới siết chặt an ninh. Kiểu, "mất bò mới lo làm chuồng". Khi tình hình bình ổn trở lại, người ta sẽ thả lỏng, và lại khủng bố, và lại siết chặt an ninh. Mỗi năm xảy ra không biết bao nhiêu vụ khủng bố lớn nhỏ, nhưng chẳng mấy khi bắt được ai. Lần này bọn khủng bố đã tấn công vào các địa điểm quan trọng, nơi tầng lớp thượng lưu (luôn là giai cấp cao) tụ họp, nên vấn đề mới trở nên quan trọng như vậy, và chính phủ mới chịu áp lực của “dân chúng” như vậy. Bao nhiêu lần trước, bọn khủng bố cứ đánh vào xe bus, chợ búa, nơi phần lớn là dân lao động chân tay và tầng lớp nghèo, cũng chết cả hàng trăm người đấy, nhưng ngày trước, qua ngày sau là họ quên mất!

Tôi đã có những ngày cuối ở Delhi, khi mà đi đâu cũng nghe nhắc đến khủng bố, và một cuộc chiến giữa Ấn và Pakistan liên quan đến sự cố này có thể sẽ xảy ra nếu Ấn Độ không ‘kiềm chế’ được. Ấn Độ thì nói xa nói gần sẽ dạy cho Pakistan một bài học về tội dám đưa quân khủng bố qua giết hại công dân và xúc phạm đất nước mình, Pakistan thì vừa xoa dịu sẽ hợp tác trong vụ này nhằm truy quét các tổ chức khủng bố, nhưng đồng thời cũng huy động quân đội về trấn ngự vùng biên giới giữa hai nước phòng Ấn Độ có thể ra tay. Cả hai nước này đều có vũ khí hạt nhân, nếu một cuộc chiến xảy ra thì vấn đề thật sự rất thảm khóc!

Nhưng dù tình hình đất nước căng thẳng, nội các chính phủ đau đầu nhức óc tìm cách chống khủng bố, kẻ từ chức người được bổ nhiệm liên quan đến vụ việc này, các ông các bà từ Tây từ Mỹ cũng đáp máy bay đến để làm cái nhiệm vụ cao cả là “hoà giải’ cho hai nước, và dù cho nhiều vấn đề to tát khác đang sùng sục, thì dân chúng nói chung cũng khải lo làm ăn kiếm sống, người nghèo vẫn la lết đầy dọc đường, các lễ cưới vẫn diễn ra thường xuyên, và…cuộc sống vẫn trôi chảy.

Chủ nhà của tôi, cũng tỏ ra quan tâm đến vấn đề thời cuộc, lên án và kết tội Pakistan, chê trách Hồi giáo, lo lắng cho an nguy của nước nhà, nhưng tuy nhiên điều đó không quan trọng bằng việc căn phòng sau khi tôi dọn đi vẫn chưa có người thuê. Ông rất yêu nước, nhưng trước khi yêu nước ông khải yêu gia đình ông, và ông cần có cái ăn cái mặc mới thực hiện được sứ mệnh yêu nước! Nói rằng đất nước là của quý vị, các vị phải yêu nó, nhưng đất nước nghèo quá, làm cho họ khổ quá, thì họ khó mà yêu cái đất nước đó được. Bởi vậy các chóp bu lãnh đạo thường hay đưa ra hứa hẹn, kiểu “sẽ đem lại cơm no áo ấm”, để cho người ta có động cơ mà yêu nước!

Delhi ngày tạm biệt. Mùa đông các phố xá sinh hoạt trễ nãi, chậm chạp và biếng nhác hơn. Nhưng chim chóc vẫn cứ hót líu lo, bồ cầu vẫn đậu đầy các mái nhà, và bò vẫn đi rong đầy phố xá… Dù đất nước đang đối mặt với những vấn đề dầu sôi lửa bỏng, thì những gốc phố, những con đường nhỏ ở đây vẫn yên bình, như không hề biết gì đến những điều to tát kia.

Tôi chỉ còn lại một ngày ở Delhi. Cảm giác ngày cuối trước khi từ giã khác hẳn rất nhiều với ngày đầu tiên đặt chân đến. Tôi đến, như một hạt bụi rơi xuống đây, và tôi đi, cũng như một hạt bụi bay đi. Hơn hai năm sống ở Delhi, dù không phải là người siêng đi, nhưng dù ít dù nhiều thì tôi cũng đã đi qua một số con đường ở thủ đô này. Tôi là một con người bé nhỏ, bé nhỏ trong mọi ý nghĩa, và vì vậy sự đến và đi của tôi sẽ chỉ như một hạt bụi. Delhi chẳng bao giờ biết, và chẳng bao giờ thèm biết đến sự có mặt của tôi trong khoảng thời gian qua. Nhưng tôi thì ít nhiều, dù muốn hay không muốn, cũng đã lưu trữ vào “Alaida” của mình những dấu ấn về vùng đất và con người ở nơi này.

Tôi đã tìm đến Delhi, tìm đến học, nhưng thú thực tôi chưa học gì được nhiều trong chuyên ngành của mình cũng như từ xã hội nơi mình đã sống trong hai năm qua. Tôi không biết trước được là mình có thể quay trở lại nơi này một lần nữa hay không, và giả sử tôi không còn trở lại đây nữa, tôi biết mình đã bỏ lỡ nhiều điều ở đây, mà hai năm qua do vì bài vở học hành tôi đã không có thời gian tìm hiểu, khám phá. Nói thế nhưng dù sao tôi cũng thấy mãn nguyện, vì dù ít dù nhiều tôi đã biết thêm được đời sống của một xã hội khác, và ý nghĩa hơn cả là đã được đặt chân đến mảnh đất nơi Phật giáo được khai sinh, mà với tôi đó là một phước duyên lớn!
Tạm biệt Delhi, vẫn hy vọng sẽ có dịp quay trở lại!
Delhi 12/12/2008