Phiền Hà Kỷ Lục

Thích Nguyên Hiệp

Những năm gần đây Phật giáo Việt Nam được Vietkings trao tặng cho thật nhiều kỷ lục, từ kỷ lục Bản kinh khắc gỗ cỗ nhất, Ngôi chùa cổ nhất… đến những kỷ lục Người dịch kinh điển Pali nhiều nhất, Bộ từ điển Phật học lớn nhất, thậm chí Ngôi chùa có nhiều người niệm Phật nhất, Chùa nuôi trẻ mồ côi đông nhất, Website Phật giáo có nhiều người truy cập nhất, Nhà báo cao tuổi nhất, Đợt đi hoằng pháp đông nhất, vân vân và vân vân. Và, người trao cứ việc trao, người nhận cứ việc nhận, kỷ lục trở nên bình thường và chẳng còn mấy ai quan tâm, vấn đề xác định giá trị kỷ lục lại càng không ai nghĩ đến.

Nhưng, đùng một cái, mấy tuần gần đây kỷ lục lại được quan tâm khi “danh hiệu” người viết ca khúc Phật giáo nhiều nhất được quy là trao “nhầm” cho ông Vũ Ngọc Toản, người viết ca khúc Phật giáo nhiều nhất (639 bài). Bắt đầu từ một tờ báo Phật giáo, tiếp theo được các websites dẫn nguồn và trở thành diễn đàn tranh luận sôi nổi. Các nhà báo bên ngoài cũng “té nước theo mưa”, hăm hở viết bài, và một vài nhà báo còn đưa ra lời lẽ phê bình kiểu “ném đá” khá nặng nề đối với người nhận giải.

Người ta quy kết là ông đạo nhạc, bởi khá nhiều bản nhạc ông chỉ đổi lời, còn giai điệu thì của người khác, từ Tây đến Tàu đến Ta. Ông Vũ Ngọc Toản thì “giải trình” rằng tất cả 639 bản nhạc đều là những đứa con tinh thần của ông, còn những bài nhạc chỉ viết lời kia thì không tính đến trong tập nhạc được xét trao kỷ lục. Nhưng như vậy vẫn chưa yên, người ta yêu cầu ông phải công khai danh sách 639 bản nhạc đó. Và khi tập nhạc kia được trình ra, thì một anh nhà báo ngay lập tức viết một bài, phê bình rằng một số bản nhạc trong tập đó nói về tình yêu, không dính dáng gì đến Phật giáo cả. Những đoạn nhạc mà nhà báo này dẫn ra đúng là không liên hệ gì đến Phật giáo thật. Tuy nhiên, cái kiểu sau một đoạn trích dẫn, anh nhà báo lại hỏi “Nhạc Phật giáo đó ư?” hay “Nhạc Phật giáo đó sao?”, thì nghe rất chi mỉa mai.

Trong chương trình văn nghệ nhân dịp lễ Phật đản vừa rồi, tại ngôi chùa tôi ở, có một bài hát của ông Vũ Ngọc Toản được đưa vào đêm diễn, bài Phật đang trong ta. Đây là một bài hát có giai điệu tươi vui, ca từ khá hay và nghe rất dễ thuộc. Lúc nghe bản nhạc này, tôi có một ít ấn tượng, hỏi một em đoàn sinh Phật tử thì biết rằng đó là nhạc của ông Vũ Ngọc Toản.

Tôi không biết nhiều nhạc của ông Vũ Ngọc Toản, trước đó chỉ biết bài Niềm an vui, do vì các em Oanh vũ thường hát ở chùa. Và khi nghe đến tên ông, tôi cứ tưởng là ông còn trẻ, mới bắt đầu viết nhạc Phật, vì tên tuổi của ông tôi không nghe đến trước đó. Đến khi nghe tin kỷ lục viết nhạc Phật giáo nhiều nhất được trao cho ông thì tôi thật sự ngạc nhiên; và cũng ngạc nhiên khi qua một bài báo, tôi biết những bài như Ai bảo ăn chay là khổ, Lý về chùa cũng do ông viết lời, mà thú thực nghe những bản nhạc “đạo” sửa lời như thế này, thật không thích chút nào.

639 bản nhạc viết chỉ trong năm năm, thật là một con số đáng ngạc nhiên. Tôi không chuộng lắm những con số, nhưng với một lượng ca khúc như vậy được viết ra trong 5 năm thì phải công nhận là ông lao động khá cật lực. Viết nhiều, và chỉ viết trong một thời gian ngắn mà để các ca khúc đều có chất lượng là điều rất khó, trừ nhân tài. Nhưng dù sao, trong cái “gia tài” ấy có một số bản nghe được, được phổ biến rộng rãi cũng quý rồi, hơn là không có bản nào.

Trung tâm kỷ lục thì cứ dựa vào con số, trọng lượng, kích thước, tuổi thọ… mà trao giải. Căn cứ vào con số để trao giải thì dễ, nhưng đôi lúc chẳng tạo ra được một giá trị gì. Và có những chiếc cúp kỷ lục, sau khi nhận về (xin lỗi) chỉ biết vứt vào gốc xó.

Ông Vũ Ngọc Toản giá đừng nộp tập nhạc cho Trung tâm kỷ lục thì hay biết mấy (không biết có ai gợi ý cho ông làm việc này không). Nhưng ông đã nộp, đã được trao giải (cũng ít nhiều được vinh danh), và vì vậy bây giờ ông phải chịu gánh nặng dư luận. Nhưng ở đời là vậy, lỡ “làm người của công chúng” thì cũng phải học cách nghe phê bình (cả phê phán và chỉ trích). Phê bình, phê phán, công kích hay chỉ trích thực ra không có gì đáng ngại, nhưng ở cái xứ mình cái tinh thần “hội đồng” và “hợp xướng” nó phổ biến quá, đến nỗi trong đạo cũng bị ảnh hưởng, thì mỗi khi bị phê bình lại đáng sợ. Khen thì đồng loạt khen, chê thì đồng loạt chê, mà khen thì dễ chừng nâng người ta lên mây, chê lại dễ chừng nhấn người ta xuống bùn. Nhạc ông Vũ Ngọc Toản có những bài đáng khen lắm, nhưng thấy chẳng ai khen cả. Vì bây giờ cả “hội đồng” đang cùng nhau “hợp xướng” công kích ông. Chỉ có một vài commenters nào đó khen ông thôi!

Kỷ lục ơi là kỷ lục! Thôi hãy vứt bỏ cái cúp kỷ lục đi và “về đi thôi dứt tan não phiền, xa nẽo mê danh lợi sắc tài, làm thân tâm hận sầu tê tái, quyết quay trở về bờ giác an vui, quyết quay trở về bờ giác an vui.” (trích từ bài Nguồn an vui của Nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản).