Tản Mạn Tháng Tám

T. Nguyên Hiệp

Khác với tháng bảy, Pune tháng tám trời đất tươi sáng hơn bởi những ngày nắng chiếm tỷ lệ nhiều hơn ngày mưa. Thời tiết mát mẻ với những buổi sáng rất mực yên bình khởi đầu bằng những âm thanh râm ran ríu rít của chim chóc từ rất sớm. Còn những hoạt động chính thức trong ngày của người dân ở đây phải tính từ sau 9 giờ sáng, đó là thời điểm học sinh đến trường, công chức đến công sở, những người lao động chân tay bắt đầu công việc của một ngày mới.

Những người bỏ báo, giao sữa hay bán bánh mì dạo thì làm việc sớm hơn, thường là lúc 7 giờ. Ở Việt Nam, tôi không biết có việc người ta cứ mỗi sáng đem sữa đến giao từng nhà hay không, và nếu có thì nó được xếp vào thứ nghề nghiệp gì. Riêng việc bán báo hay bán bánh mì dạo thì tôi biết, rất phố biến, và là thứ công việc không được coi là sáng giá, có lẽ chỉ dành cho người nghèo và thất nghiệp, được xếp ngang mức với “nghề” đạp xích lô hay bán vé số. Ở Ấn Độ, những công việc này cũng do người nghèo, và những người trên nghèo một chút đảm trách. Nhưng người Ấn làm những công việc này rất thư thái, trông nhàn nhã và thoải mái. Họ chân chất, thật thà và lương thiện. Tất nhiên đây chỉ là cái nhìn chủ quan của tôi. Sẽ có người không có cùng cách nhìn này.

Nếu thức dậy sớm trước 5 giờ, sẽ thấy những con phố ở đây im ắng và thanh lặng đến dường nào. Cái thanh vắng không chỉ vì con người chưa thức dậy khuấy động, mà trong cái không gian “chưa tỏ mặt người” ấy ta không hề có sự nghi ngại nào về những việc làm bất thiện đang rình rập đợi chờ. Xã hội nào cũng có những gian trá, những trộm cắp, lừa lọc. Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Nhưng nhìn hàng loạt xe hơi, xe máy dựng dọc đường phố, khoá cũng được mà không cũng chẳng hề gì; nhìn những cửa ngõ thấp lè tè và nhiều nhà chỉ chốt cửa mà không cần khoá, cứ có cảm tưởng như ở đây vấn đề trộm cắp đã không xảy ra…

Tháng Tám, Ấn Độ có ngày lễ Độc lập, kỷ niệm ngày Ấn dành lại độc lập từ Anh quốc. Khác với Delhi, ở Pune vào ngày này người ta không thả diều, và không khí cũng có vẻ chùng hơn nhiều. Chắc Delhi là thủ đô nên những hoạt động sôi nỗi hơn. Trước và vào ngày lễ, thấy dọc đường phố người ta bày bán một số mặt hàng phục vụ cho ngày lễ, nhiều nhất vẫn là các tranh tượng của các vị thần. Không đâu người ta yêu mến thần linh như ở Ấn. Bất cứ ngày lễ gì cũng thấy bày bán tranh tượng các vị thần. Các lễ đài được dựng nhiều nơi, hình như các phu phố đều có lễ đài riêng, và có lễ đài được dựng ngay giữa đường!

Tháng Tám, ở đây cũng xôn xao nỗi sợ về dịch cúm heo đang lan tràn, mà báo đài đưa tin đã đến mấy chục người thiệt mạng. Các trường học đống cửa một tuần. Người dân ra đường đều đeo khẩu trang và tránh đến những nơi đông người. Người ta gửi tin nhắn qua điện thoại, giới thiệu về một loại cây và một loại dầu gì đó có thể giúp ngăn ngừa bệnh, nhưng thú thực tôi chẳng biết đó là loại dầu và loại cây gì. Thôi thì cứ mặc “hên-xui”. Chẳng ai biết nơi đâu có virus cúm và nơi nào không, và dù có ở nhà cũng chắc gì đã phòng ngừa được, khi virus bay trong không gian mà ta không hề nhìn thấy mà nghe nói chúng sống khá lâu sau khi rời khỏi cơ thể người nhiễm bệnh. Cuộc đời này đối mặt với quá nhiều thứ bệnh. Bệnh này chưa có thuốc chửa đã xuất hiện thêm bệnh kia. Rõ khổ!

Hôm kia trên đường từ đại học Pune về nhà trọ, gặp sư Burma đang đi bộ nên đã chở ông về (Sang đây tôi “sắm” được một chiếc xe máy giá 5 ngàn rupees, quy ra tiền Việt Nam khoảng chừng 2 triệu, mua lại từ một sinh viên người Hà Nội. Cậu ta bảo “bán rẻ cho thầy với giá hữu nghị đấy.” Đúng là giá “hữu nghị” thật. Nhưng mà thứ xe này nếu ở Việt Nam thì chắc chỉ có mấy cô mấy bà chở rau muống hay chở gà chở vịt ra chợ sử dụng. Nhưng mà, có còn hơn không. Cũng tiện lợi lắm!)

Nhà trọ của sư cách chỗ tôi chừng trăm mét. Các sư thuê nguyên một floor và sống chung với nhau, cả thảy tám người. Sư nói rằng họ thuê tầng lầu này với giá 12 ngàn rupees mỗi tháng. Như vậy mỗi người một tháng góp vào 1500 rupees. Thật rẽ! Tất nhiên ở chung thì phải ăn chung. Họ chia nhau nấu ăn. Tiền đi chợ thì cùng góp vào, không ai giữ cả mà bỏ vào một chiếc hộp đặt ở gốc bếp, và người nào cần thì cứ đến đó lấy! Tinh thần “sangha” của các sư Burma xét ra cũng cao!

Tôi hỏi sư Ashin Kusala, người mà tôi chở về, ai hỗ trợ cho sư đi học. Sư bảo do các upasakas ủng hộ. Họ hỗ trợ cho sư bốn ngàn dollars để sư học 2 năm ở đại học Pune. Với số tiền chừng ấy, sống chung như thế này thì có lẽ đủ! Tự nhiên tôi thấy buồn, mà không biết vì cớ gì! Tôi bị mắc cái tật này, điều đúng ra không nên có!

Chuyện trò lan man, trời tối khi nào không hay. Tôi xin phép về nhưng các sư bảo ở lại ăn cơm. Tôi từ chối, bảo lần khác nhưng họ không chịu, nói thế nào họ cũng không cho về, và vì vậy phải ở lại dùng cơm với họ.

Giống như người Việt, cơm là thực phẩm chính trong ngày của người Miến. Họ dùng cơm với các thức ăn xào kho cũng không khác gì người Việt. Các sư bảo hôm nay thức ăn toàn đồ chay. Tôi nghĩ bụng chắc là họ muốn đãi mình nên mới nấu “toàn đồ chay” như vậy. Các sư xúc cho tôi một đĩa cơm, gắp đầy rau xào và măng khô kho. Tôi bưng đĩa cơm, ăn vài miếng, thấy có vị “lạ”, bèn nhìn kỷ thì thấy trong món măng kho có những con tôm khô nhỏ. Thật chẳng biết xử lý thế nào. Ngập ngừng một lúc… và rồi… tôi đã ăn hết đĩa cơm. Xong bữa các sư hỏi thấy thức ăn thế nào. Tôi khen “ngon lắm”! Hình như đối với các sư, tôm khô và trứng được xếp vào món chay, vì những thứ này không có máu đỏ. Mô Phật!

Các sư bảo tôi ở một mình như vậy là sướng, tự do, muốn làm gì thì làm. Tôi cười, nhìn ra cửa sổ, phía có con sông nhỏ, mà buối tối nó như càng nhỏ hơn, lặng lẽ chảy qua thành phố. Tôi không biết các sư nói như vậy là nói thiệt hay chỉ nói giỡn chơi. Vậy mà hôm trước có người bảo rằng “sống một mình như thế này mà không thấy buồn sao!”

Tôi chào các sư ra về sau khi uống hết ly trà ngọt, một loại trà của người Miến. Khu phố đã bắt đầu lắng xuống. Đêm cuối tháng ở đây thật yên bình!