Vài Chuyện Ngày Chủ Nhật

Nguyên Hiệp

Vào ngày chủ nhật, ở khu phố tôi trọ có khá nhiều sinh hoạt tôn giáo. Sớm nhất là buổi cầu kinh ở ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo nằm cuối con phố. Ở Việt Nam, các nhà thờ vào ngày chủ nhật sinh hoạt khá sớm, tương đương giờ giấc sinh hoạt đầu ngày ở các chùa. Ở Ấn Độ, lịch sinh hoạt hàng ngày rất trể, nên tín đồ Thiên chúa giáo cũng đi lễ trể. Những người theo đạo Tin Lành đi lễ vào ngày thứ bảy, thường bắt đầu từ 10 giờ sáng. Tín đồ theo Thiên chúa giáo La mã thì làm lễ vào ngày chủ nhật, bắt đầu từ 8 giờ 30 sáng.

Đó là nói đến sinh hoạt tôn giáo mang tính cộng đồng, chứ sinh hoạt theo kiểu “tu tại gia” thì có người thực hiện sớm hơn, ít nhất là chủ nhà của tôi. Chủ nhà của tôi theo Hindu giáo, nhưng chẳng biết thuộc giáo phái nào. Trong nhà ông thờ khá nhiều vị thần Hindu, thuộc nhiều giáo phái khác nhau, cũng thờ cả Phật, thêm một vị thánh của Kỳ-na giáo và luôn Ambedkar. Ông này phải nói là rất “ngoan đạo”. Ngày nào tôi cũng thấy ông tụng kinh vào buổi sáng, rất đều đặn. Có tháng ông không bước ra khỏi nhà, ở hẳn trong phòng, tụng kinh và cầu nguyện. Hồi mới chuyến đến ở, không thấy ông một thời gian dài, tôi cứ tưởng ông đi làm ăn hay du ngoạn đâu đó, sau mới biết là ông đang “nhập thất”. Trời!

Nhà của ông luôn sực nức mùi nhang, một loại nhang ngát mùi chiên đàn. Sáng nào ông cũng đốt nhang ở hiên nhà, và buổi tối thì thắp một chiếc đèn dầu tại cổng. Không biết để làm gì. Có lẽ điều đó liên quan đến đời sống tâm linh của ông. Người Hindu thường đốt đèn vào những ngày lễ tôn giáo để nghênh đón các vị thần của họ. Chủ nhà thì có lẽ do quá kính ngưỡng thần linh nên nghênh đón mọi ngày!

Những vị thần của Hindu giáo không chỉ được tôn trí tại nhà hay đền thờ, mà còn được tin đồ mang đi dạo khắp nơi, mà ngoài những mục đích tôn giáo, còn vì kế sinh nhai. Tượng chư vị có khi được đặt trên xe bò hay xe ngựa, kéo dọc theo các phố phường, để cho dân chúng lễ bái và... ném tiền lẻ vào. Đôi khi chư thần lại được những người ăn xin đặt vào trong những chiếc sô nhỏ, mang đi đây đó để xin tiền. Thần linh chắc phải sợ con người!

Ở Việt Nam việc “buôn thần bán thánh” cũng đang tràn lan với rất nhiều cách thức, từ việc giả sư khất thực cho đến quyên góp đúc tượng xây chùa, tổ chức chiêm bái hành hương. Và còn có những kiểu thức “kinh doanh tôn giáo” khác, được choàng khoác bằng những chiếc áo rất mỹ miều, đại loại như “chiếc áo” văn hoá, tâm linh…

Ở khu phố này, thỉnh thoảng có các tăng sĩ Ấn giáo theo những giáo phái khác nhau, đi khất thực. Trong kinh điển Phật giáo khi nói về việc khất thực của các tỳ-kheo, mô tả rằng mỗi khi đến trước nhà thí chủ, các thầy thường đứng im lặng và chờ nhận thực phẩm bố thí. Sau khi nhận thực phẩm, họ sẽ hồi hướng công đức, và nếu điều kiện thích hợp thì sẽ thuyết giảng một bài pháp. Ngày nay không còn hình ảnh các tỳ-kheo khất thực ở đây.

Cách thức khất thực của tăng sĩ Ấn giáo hẳn nhiên khác với Phật giáo. Cái sự “ồn ào” của họ như được mô tả trong kinh điển vẫn còn chính xác vào ngày hôm nay. Họ không bao giờ giữ im lặng mỗi khi đến trước nhà thí chủ. Họ, hoặc sẽ tụng kinh lớn tiếng, hoặc đánh trống, lắc linh, báo cho chủ nhà biết là mình đang hiện diện. Những thanh âm họ tạo ra thật sự rất náo nhiệt, và phong thái thì… khó nói quá! Sáng nay chủ nhật, tôi ngẩu hứng xuống đường xem, và rồi trở thành “thí chủ” bất đắc dĩ của họ. (Cũng xin nói thêm rằng, Tăng sĩ Ấn giáo rất đa dạng. Nên những hình ảnh này không phải là đại diện cho tất cả.)

Tôn giáo nhiều khi được “xã hội hoá” một cách độc đáo. Ở đây, có những gia đình đi ăn xin dưới hình thức một sinh hoạt tôn giáo. Người chồng sơn vẽ mặt mày, xăm những hình thù kỳ lạ lên người, và quấn một con rắn… giả to đùng. Tốc tai để bồm xồm và dơ bẩn hoá nó đến cùng tột. Những người con cũng mang hình thức tương tự như cha mình, nhưng bổn phận thì khác. Khi người cha tụng kinh và cả la hét, người vợ đánh trống thùng thùng, thì những người con đi vào trong nhà gia chủ để xin của bố thí.
Những sinh hoạt như thế này thường diễn ra vào khoảng 10 giờ sáng đến một giờ chiều trong ngày. Sau thời điểm đó, tôi ít khi thấy.

Mấy ngày hôm nay, một số nhà ở khu phố này bắt đầu treo lồng đèn, giăng giây kim tuyến để đón mừng Giáng sinh. Buổi tối chỉ cần đi dạo một vòng là biết được bao nhiêu gia đình ở đây theo Thiên chúa giáo. Dân xứ này thật yêu mến thần linh. Dù đã có vô số vị thần, họ vẫn chưa thoả mãn, còn đón nhận thêm những thần linh ở xứ khác. Tôi không biết các thần linh có xung đột với nhau không, có giành giật tín đồ của nhau không. Nhưng tôi biết rằng, các tín đồ của họ đang gây chiến với nhau, dưới đủ hình thức, bởi vì nhân danh họ.

Tôi tạm kết thúc bài tạp bút ngắn này tại đây, để ra xem lễ cúng nhà mới ở ngôi nhà đối diện bên kia.