Về Một Đời Sống Tại Gia


Thích Nguyên Hiệp

Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, là thời điểm xã hội Bắc Ấn có những thay đổi lớn lao về nhiều phương diện, từ kinh tế, chính trị cho đến tôn giáo, triết học. Để thích ứng, tồn tại và phát triển được trong một xã hội đang chuyển dần từ nông thôn đến đô thị hóa, sự phân rã của các bộ tộc đơn lẽ trong việc hình thành nên những nhà nước cộng hòa, sự xung đột quân sự do tham vọng chính trị của những nước lớn như Maghadha, Kosala, Vamsa trong việc cố thâu tóm các nước nhỏ về một mối, và sự sanh khởi hàng loạt các tôn giáo và quan điểm triết học khác nhau, giáo pháp của Đức Phật hẳn phải mang tính khế cơ và khế lý rất cao.

Giáo pháp Đức Phật được xem là con đường Trung đạo. Thường khi nói đến con đường Trung đạo nhiều người nghĩ đó là một lối sống, một phương thức tu học thoát ra khỏi hai thái cực là khổ hạnh ép xác và say đắm trong dục lạc. Nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh. Về phương diện triết học, Trung đạo, nếu đặt vào bối cảnh thời Đức Phật, đó là phương cách vượt thoát hai trào lưu triết học phổ biến thời bấy giờ là chủ nghĩa Thường hằng (sassatavāda, liên quan đến duy tâm) và chủ nghĩa Đoạn diệt (ucchedavāda, liên hệ đến duy vật); về phương diện chính trị nó vượt ra khỏi sự thao túng của thế lực vương quyền, nhưng không làm ngơ trước những vấn đề của đời sống xã hội; cũng như về phương diện tôn giáo là vượt ra khỏi sự chi phối của tôn giáo truyền thống Bà-la-môn, nhưng không chạy theo hình thức của những phong trào tôn giáo và triết thuyết mới xuất hiện vào thời điểm bấy giờ…

Chủ trương con đường Trung đạo với những giáo lý Vô ngã và Duyên khởi đi kèm, cùng với những lời dạy liên quan đến bình đẳng giới, xoá bỏ đẳng cấp, hòa hợp xã hội, và ngay cả việc chống sát hại muông thú… Đức Phật được xem là nhà cải cách xã hội và người sáng lập tôn giáo vĩ đại trong dòng lịch sử Ấn Độ. Nhưng điều mâu thuẩn là, trong khi Phật giáo mang những yếu tính của một phong trào cải cách xã hội vào thời điểm bấy giờ, thì ở gốc độ khác, vì là một tôn giáo trong buổi đầu hình thành đã chọn hình thức sinh hoạt dưới dạng một phong trào Sa môn (Samaṇa/Sramaṇa) với giáo lý phần lớn liên quan đến việc tu tập của các Tỳ-kheo và đích đến của con đường tu tập là vượt thoát mọi sở chấp, đạt đến giải thoát, Niết bàn, Phật giáo lại bị ngộ nhận như là một tôn giáo của các du tăng, thiếu những lời dạy liên quan đến các vấn đề xã hội và không có vị trí cho giới Phật tử tại gia.

Nhưng trong khi việc cho rằng Phật giáo là một tôn giáo chỉ dành riêng cho giới xuất gia là không đúng, thì trong thực tế việc áp dụng những giáo lý dành cho người Phật tử tại gia cũng như vai trò thực của họ đối với đạo pháp lại cho thấy những hạn chế của nó. Bởi vì như những gì được nhìn thấy, những giáo lý dành cho một Phật tử tại gia thường tập trung vào những điểm sau:

Quy y Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
Nguyện giữ năm giới cấm: không được sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng các chất gây say nghiện.
Và sau khi trở thành Phật tử, những công việc tôn giáo của họ thường là:
Thực hành hạnh bố thí, đặc biệt là cúng dường cho giới Tăng lữ.
Ủng hộ xây dựng chùa tháp.
Thờ phụng, lễ bái tượng và xá lợi Đức Phật.
Thực hành Bát quan trai giới trong những ngày Trai.
Sau này Phật giáo Đại thừa có bổ sung thêm Thập thiện (một sự mở rộng của năm giới), các giới Bồ tát và Lục độ Ba-la-mật…

Nhìn vào những gì dành cho giới Phật tử tại gia ở trên, chúng ta thấy rằng Phật giáo dường như thiếu những lời dạy liên quan đến các vấn đề xã hội dành cho họ. Dù Phật giáo Đại thừa về sau có đưa ra Lục độ Ba-la-mật, giáo lý “dấn thân” dành cho cả tăng sĩ lẫn cư sĩ, thì chỉ có bố thí được xem là có liên hệ trực tiếp đến lĩnh vực xã hội. Nhưng bố thí thì cũng đã được đề cập trong Phật giáo thời kỳ đầu, khác chăng là bố thí với tinh thần Ba-la-mật. Trong khi đó, Tứ nhiếp pháp được xem là giáo lý mang tinh thần “nhập thế” tích cực nhất, thì dù thỉnh thoảng được nói đến, lại không được khai triển và ứng dụng nhiều trong thực tế. Một vài nhà xã hội học cho rằng Phật giáo thiếu hẳn quan điểm về kinh tế, chính trị và đạo đức xã hội; và đôi khi còn cho rằng những lời dạy của Đức Phật chỉ dành cho kiếp sau mà không dành cho đời hiện tại, trong ý nghĩa giáo lý ấy giúp người Phật tử xây dựng một đời sống thịnh vượng về vật chất và phát triển tích cực đời sống đạo đức xã hội.

Thực ra, những lời dạy của Đức Phật dành cho hàng cư sĩ tại gia về những khía cạnh xã hội rất đa dạng, mà chúng có thể giúp họ tạo dựng nên một đời sống tốt trong nhiều phương diện. Ở đây, trong phạm vi một bài viết ngắn, tôi chỉ xin đưa ra ba phương diện của đời sống tại gia mà những lời dạy của Đức Phật đã đề cập đến, đó là việc xây dựng đời sống kinh tế, phát triển đạo đức và thực hành đời sống tâm linh.

1. Phát triển kinh tế

Đức Phật dạy rằng có hai loại hạnh phúc: hạnh phúc khi có được những nhu cầu thiết yếu trong đời sống hiện tại và hạnh phúc khi đạt được sự giải thoát. Trong hai loại hạnh phúc này, cái đầu được xem là không bền vững, vì nó thuộc về pháp hữu vi, chịu sự chi phối của định luật vô thường. Nhưng tuy vậy, chúng ta sẽ khó phát triển được đời sống tâm linh, để qua đó đạt đến giải thoát, nếu không có một đời sống vật chất ổn định. Sự thiếu thốn vật chất, đói nghèo là những nguyên nhân dẫn đến sự băng hoại đạo đức và khó có thể đem lại cho chúng ta cơ hội thực hiện con đường tâm linh. Lĩnh vực kinh tế luôn ảnh hưởng một cách sâu sắc đến những lĩnh vực khác trong xã hội. Điều này được chứng minh rất rõ trong bài kinh Chuyển luân Thánh vương Sư Tử Hống (Cakkavatti-sihanada). Bài kinh này cho thấy rằng bởi vì do nghèo đói mà các tội ác trong xã hội đã lần lượt xuất hiện, bắt đầu từ trộm cướp gia tăng, dẫn đến dối trá gia tăng, đến việc sử dụng vũ khí gia tăng, đến giết người gia tăng, và cuối cùng là sự suy thoái xã hội toàn cục.

Đời sống vật chất ổn định, như bản kinh cho thấy, là cơ sở cho việc phát triển một đời sống xã hội có đạo đức, và là điều kiện cần thiết giúp người ta dễ dàng phát triển đời sống tâm linh. Một người đói thì rất dễ trở nên sân hận; và một người bị đói khổ, chán nản sân hận hành hạ thì khó mong họ phát triển đời sống đạo đức và tâm linh được. Khi dạy cho trưởng giả Cấp Cô Độc, một Phật tử tại gia thuần thành và rất thành công trong sự nghiệp kinh tế của mình, Đức Phật đã nói rằng, đời sống của người tại gia có bốn điều hạnh phúc: ổn định kinh tế, đủ tiêu dùng, không nợ nần, và sống một đời sống chân chính (Tăng Chi Bộ V).

Như vậy, người Phật tử tại gia không chỉ nghĩ đến việc thực hành bố thí không thôi, mà còn phải nghĩ đến cách tạo ra của cải một cách đúng đắn và phù hợp với tinh thần Phật dạy để thực hiện công tác bố thí. Đề cao việc bố thí là cần thiết, nhưng khuyến khích tạo ra của cải vật chất để thực hành bố thí cũng quan trọng. Một người nghèo, dù khi không vi phạm những vấn đề đạo đức, lại rất khó trong việc làm lợi ích xã hội. Tuy vậy, việc phát triển kinh tế theo Phật giáo phải được dựa trên những lời dạy trong Bát Chánh Đạo là Chánh nghiệp và Chánh mạng. Bởi vì nếu việc chọn lựa nghề nghiệp và phát triển kinh tế không dựa trên Chánh nghiệp và Chánh mạng, không có sự soi sáng của Chánh kiến, thì sự phát triển kinh tế của người này có thể gây hại cho người khác, cho xã hội và môi trường thiên nhiên. Hay nói cách khác, sự phát triển kinh tế của ta không phải bằng tham nhũng, bằng thủ đoạn, bằng khái thác tài nguyên vô tội vạ, và bằng vơ vét bốc lột xương máu của đồng loại.

Trong Tương Ưng bộ I, khi vua Kosala hỏi Đức Phật rằng có một pháp nào đó mà nó có thể giúp cho người Phật tử tại gia có thể đạt được kết quả tốt đẹp cả trong đời này và đời sau, thì Đức Phật bảo rằng đó chính là sự chuyên cần (appamāda). Chuyên cần làm việc là một trong những điều kiện tiên quyết cho một đời sống tốt. Người không làm việc thì được xem là có một kỳ nghỉ dài, nhưng đó cũng là địa ngục của sự buồn chán và cơ sở cho những điều xấu và đói nghèo phát sinh.

Cần chuyên làm việc như vậy là điều kiện cần thiết trong việc tạo dựng sản nghiệp. Với Đức Phật, giá trị của tài sản không nằm nơi số lượng, mà nằm nơi phương tiện và cách thức người ta tạo nên tài sản đó. Trong kinh Subha (Trung Bộ III), Đức Phật dạy rằng sản nghiệp được xem là lớn khi sản nghiệp đó được tạo ra bằng những phương tiện chân chính. Điều tương tự như vậy cũng được tìm thấy trong Tăng Chi Bộ, “Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc.” (bản dịch của HT. Minh Châu).

Như vậy, tạo dựng sản nghiệp và phát triển kinh tế không phải là điều không được đề cao, nhưng việc phát triển ấy phải được dựa trên sức lực và tài năng của mình; và việc phát triển kinh tế phải có sự soi sáng của Chánh kiến, để tránh đi những tổn hại mà trong quá trình phát triển mình có thể gây ra. Cũng trong Tăng Chi Bộ V, có những nghề nghiệp mà Đức Phật khuyên dạy là không nên làm, “Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt (làm nghề đồ tể), buôn bán rượu, và buôn bán thuốc độc.”

Tạo nên được sản nghiệp bằng những phương tiện chân chính là điều quan trọng, nhưng để gìn giữ được và tiêu dùng tài sản ấy cho hợp lý cũng rất cần thiết. Trong bài kinh nỗi tiếng, Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường Bộ III), Đức Phật dạy rằng có năm vấn đề làm thất thoát tải sản mà người Phật tử cần nên tránh: không say sưa rượu chè, tránh la cà phố xá, tránh chơi bời đình đám hí viện, tránh đam mê cờ bạc, và không nên giao du với bạn bè hư hỏng biếng nhác. Và cũng trong bài kinh này, Đức Phật dạy rằng tài sản khi có được nên chia làm bốn phần: một phần sử dụng vào việc tiêu dùng hàng ngày, một phần tích trữ để phòng lúc cần đến, và hai phần còn lại dùng tái đầu tư vào công việc.

Như vậy theo Phật giáo, việc phát triển đời sống vật chất có hai phương diện, một là phải tuân theo những nguyên tắc đúng đắn trong việc phát triển sản nghiệp, và hai là cách sử dụng sản nghiệp mà mình có được. Làm giàu bằng mọi giá là điều không đúng; nhưng có của cải bằng những nguyên tắc đúng lại tiêu xài không phù hợp cũng là điều cần phải nên tránh.

Phật giáo xem cuộc đời này vốn vô thường và chất chứa nhiều yếu tố gây khổ đau, và nguyên nhân sâu xa nhất của khổ đau là vô minh và tham ái. Không thấy được bản chất thực của các pháp, dẫn đến sự tham chấp là đầu mối của các khổ lụy. Tài sản có thể giúp người ta có được những hạnh phúc nhất định nào đó, nhưng tài sản cũng có khi trói chặt con người và gây phiền lụy cho họ. Hoạt động kinh tế được xem như là một phương tiện đưa đến một mục đích – mục đích có đủ đời sống vật chất. Và vì vậy kinh tế là để phục vụ con người, chứ con người không phải là nô lệ của kinh tế. Tích luỹ và tiêu dùng quá mức đôi khi khiến con người trở thành nô lệ của tài sản. Và vì vậy khi đưa ra một mô hình kinh tế học từ quan điểm Phật giáo, dựa trên những gì kinh điển đã dạy, những nhà kinh tế học Phật giáo cho rằng kinh tế học Phật giáo hướng đến một đời sống giản đơn, tiết giảm tiêu thụ, và phân biệt đâu là nhu cầu thực và đâu là mong cầu và tham muốn. Điều này trái ngược với nhưng học thuyết kinh tế thường thấy là kích thích lòng tham và tiêu thụ.

Việc phát triển kinh tế theo quan điểm Phật giáo như vậy có thể tóm tắt vào những điểm sau: 1. chọn lựa nghề nghiệp và sử dụng những phương thức đúng đắn trong quá trính sản xuất; 2. sử dụng và phân phối hợp lý nguồn tài sản có được; 3. tài sản có được phải đem lại hạnh phúc cho bản thân; và 4. dùng một phần tài sản có được làm lợi ích tha nhân và xã hội.

2. Xây dựng một nếp sống đạo đức

Trong Phật giáo, giới (sila) là một trong ba khía cạnh quan trọng trong lộ trình tu học của một hành giả. Tùy theo căn cơ và điều kiện thực tế của từng hàng đệ tử, Đức Phật đã chế định và giới hạn những luật tắc mà họ cần nên thọ trì. Đối với đời sống của người Phật tử tại gia, ngoài việc là một Phật tử, họ còn phải đảm trách đời sống gia đình và xã hội nên những giới luật Đức Phật dành cho họ ít hơn hàng xuất gia. Tuy vậy, đó là những gì cần thiết để bảo vệ họ cũng như bảo vệ người khác trong khi chung sống trong cộng đồng xã hội.

Bởi vì năm giới là cơ sở để người Phật tử tránh làm những điều xấu ác nên khi một người thực hành năm giới thì được xem là đang thực hành đời sống đạo đức. Năm giới của người Phật tử bao gồm: không được sát sanh; không được trộm cắp; không được quan hệ nam nữ bất chính; không được nói dối; và không được phép dùng các chất gây say nghiện.

Bên cạnh việc thực hành năm giới, người Phật tử tại gia cần học hỏi những giáo lý khác mà chúng có thể giúp xây dựng nên một đời sống đạo đức hoàn thiện hơn. Phật giáo tin vào giáo lý nghiệp báo, và luật nghiệp báo là cơ sở đạo đức quan trọng mà người Phật tử cần ý cứ khi sống giữa cuộc đời. Luật nghiệp báo đặt ra trách nhiệm cá nhân (biệt nghiệp) và cả trách nhiệm xã hội (cộng nghiệp). Trong Phật giáo, đạo đức học luôn được ý cứ trên khía cạnh tâm lý. Một hành động thiện và bất thiện không chỉ được nhìn qua hành vi mà phải còn quán sát từ tâm ý. Bởi vậy đạo đức học Phật giáo nêu lên một tinh thần trách nhiệm cá nhân rất cao, rằng người ta không thể sống giả vờ có đạo đức được. Nghiệp ác hay nghiệp thiện không chỉ chờ khi hành động mới có, mà nó đã có ngay khi ý nghĩ thiện hay ác được khởi lên.

Tinh thần Ahimsa là một khía cạnh khác của đạo Đức Phật giáo mà người Phật tử cần ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Ahimsa thường được dịch là không gây hại, không bạo động; Trung Quốc dịch từ này là bất hại; và nghĩa rộng của từ này là lòng từ bi, thương yêu và tử tế đối với người khác. Với tinh thần này, người Phật tử khi chọn lựa một nghề nghiệp, một lối hành xử, và đưa ra một phát ngôn… tất cả đều phải luôn phản tỉnh, xem xét những điều mình sắp làm và nói có gậy hại cho người khác không. Trong kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala (Trung Bộ 2), Đức Phật dạy, “Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh, biết rằng: ‘Thân nghiệp này, ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ.’ Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, nhất định không nên làm. Này Rahula, nếu sau khi phản tỉnh, biết rằng: ‘Thân nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc.’ Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, cần nên làm.” (Bản dịch của HT. Minh Châu).

Đối với đời sống của người Phật tử tại gia, Đức Phật cũng đưa ra những chuẩn tắc hành xử giữa các mối quan hệ trong đời sống gia đình và xã hội. Trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật đã dạy cho thanh niên Thi-ca-la-việt ( Singālaka) về những bổn phận của sáu mối quan hệ: giữa cha mẹ và con cái; giữa vợ và chồng; giữa bạn bè với nhau; giữa thầy và trò; giữa ông chủ và người làm công; và giữa người thầy tâm linh với hàng đệ tử. Mỗi người khi ở trong sáu mối quan hệ cơ bản này, cần phải thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của mình, phải thương yêu, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong sự tương kính (Xem thêm kinh Sigalovada, Trường Bộ 3).

Có thể nói rằng, kinh Từ Bi là một trong nhưng bài kinh đã thể hiện rõ ràng những giá trị đạo Đức Phật giáo. Bài kinh đưa ra những chuẩn tắc hành xử cho tất cả những Phật tử. Đây là một đoạn trong bài kinh này, “Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái. Những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn, không đua đòi theo đám đông. Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.” (bản dịch của HT. Nhất Hạnh). Trong bài kinh này, giá trị đạo đức không chỉ dừng lại ở phạm vi con người, mà còn liên hệ đến thế giới muông thú và thiên nhiên (Xin xem thêm kinh Từ Bi).

Những lời dạy về việc phát triển đời sống đạo đức cho hàng Phật tử tại gia được tìm thấy rất nhiều trong kinh điển, và tất cả những lời dạy đó mang một tinh thần chung mà có thể tóm tắt bằng một bài kệ trong kinh Pháp cú: “Không làm các điều ác; Thực hành các điều lành; Giữ tâm ý thanh tịnh; Là lời chư Phật dạy.”

3. Phát triển đời sống tâm linh

Trong một vài bài kinh, Đức Phật đề cập đến bốn loại hạnh phúc của người Phật tử tại gia: hạnh phúc khi có được sức khoẻ, tài sản, tuổi thọ, và con cháu đầy đủ; hạnh phúc hưởng thụ được những thứ ấy; hạnh phúc không nợ nần; và hạnh phúc trong việc thực hiện đời sống tâm linh. Đối với một người thực hành đời sống tôn giáo, thì loại hạnh phúc sau cùng là điều quan trọng nhất đối với họ.

Vào thời Đức Phật, người Phật tử tại gia thường chỉ thực hành các nguyên tắc đạo đức dành cho mình mà ít chú trọng vào việc thực hành thiền định để phát triển tuệ. Bối cảnh xã hội lúc ấy là không thể cho người Phật tử tại gia thực hành hai bậc sau trong Tam vô lậu học, nên những lời dạy liên quan đến thiền định hiếm khi được giảng dạy cho các cư sĩ. Việc dành quá nhiều giáo lý với những phương thức tu học là điều hoàn toàn không phù hợp cho họ trong bối cảnh lúc ấy. Đức Phật do vậy chỉ giảng dạy những giáo lý nào mà Ngài nhận thấy người cư sĩ có thể ứng dụng được trong những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như khi trưởng giả Cấp Cô Độc bệnh nặng sắp qua đời, Đức Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất đến thuyết giảng cho ông. Khi nghe những gì tôn giả Xá-lợi-phất thuyết giảng, trưởng giả Cấp Cô Độc rơi lệ mà thưa rằng, sao ông thân cận Tăng đoàn bấy lâu mà chưa hề được nghe những lời dạy này. Ngài Xá Lợi Phất bảo rằng vì những lời dạy này là dành cho hàng xuất gia. Và sau khi nghe được bài pháp này, trưởng giả Cấp Cô Độc đã chứng được quả Bất Lai (xin xem kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, Trung bộ III).

Tuy nhiên về sau khi Phật giáo Đại thừa sanh khởi cùng với việc hình thành nên nhiều tông phái với những phương thức tu học khác nhau, thì ranh giới này đã không còn nữa. Giáo pháp là dành cho tất cả mọi người, và quả vị tu chứng là bình đẳng với tất cả những ai thực hành đúng lời Phật dạy. Nó ý cứ vào sự nỗ lực tinh tấn của mỗi người chứ không phải vào hình thức. Con đường Bồ tát là con đường chung; và một vị Bồ tát không bị giới hạn trong hình thức tăng hay tục.

Ngày nay, dù là Nam tông hay Bắc tông, cả hai giới xuất gia và tại gia đều bình đẳng trong việc thực hành lời Phật dạy. Và việc chọn lựa những pháp môn tu học thích hợp cho bản thân là điều tương đối thuận tiện. Nhưng dù chọn lựa pháp môn tu học nào, tất cả không ngoài việc thực hành giới, định và tuệ. Thực hành giới, định, tuệ là đang phát triển đời sống tâm linh của mình.

Người học Phật, tu theo Phật không phải chỉ để cầu siêu, cầu an, không chỉ để mời thầy về nhà cúng kiếng khi hữu sự. Học Phật là để phát triển một đời sống đạo đức; và thấy được bản chất thật của cuộc đời để giữ được tâm an tịnh trước những vấn đề đổi thay của cuộc sống. Người Phật tử tại gia trong truyền thống Nguyên thuỷ Phật giáo thường hướng đích đến sau khi kết thúc đời sống này là các cõi trời. Những Phật tử trong truyền thống Đại thừa thì tùy theo từng tông phái mà hướng mục đích tu học của mình đến khác nhau.

Nhưng Thiên giới, Tịnh độ, hay Niết bàn không ở đâu xa. Nó có mặt khi người ta có được chánh niệm, đoạn trừ đi được những chấp thủ, và sự vắng mặt của khổ đau. Khoảnh khắc chánh niệm và trí tuệ có mặt là khoảnh khắc Tịnh độ và Niết bàn hiện diện. Mục đích của đời sống tâm linh do vậy không chỉ nằm ở kiếp sau, mà có mặt ngay trong kiếp này.

Thay lời kết

Tiến trình suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ kéo dài trong nhiều thế kỷ và điểm kết của nó xảy ra vào cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13. Những nguyên nhân đưa ra cho sự kiện lịch sử này rất nhiều (và vẫn còn gây tranh cãi), mà trong đó có nguyên nhân liên quan đến đời sống phạm hạnh của giới tăng lữ; cũng như nguyên nhân liên quan đến vai trò của giới Phật tử tại gia và việc thiếu tinh thần xã hội của Phật giáo. Phật giáo, như được nhìn thấy, mỗi khi giới tăng lữ có vấn đề, hoặc suy thoái phẩm hạnh, hoặc bị tác động quá nặng nề bởi những khía cạnh khác nhau của đời sống thế tục, là coi như bị suy yếu.

Kỳ-na giáo (Jainism) là một tôn giáo xuất hiện cùng thời với Phật giáo, và cũng là một tôn giáo phản kháng lại tôn giáo truyền thống Bà-la-môn. Cộng đồng Sangha (Kỳ-na giáo cũng dùng từ sangha để chỉ cho cộng đồng tôn giáo của mình) của họ bao gồm cả giới tại gia và xuất gia, và cả hai đều có trách nhiệm như nhau đối với tôn giáo của họ, điều được cho là giúp Kỳ-na giáo sống sót được khi bị Hồi giáo tấn công vào thế kỷ 13. Bởi vì trước sự tấn công của Hồi giáo, khi những tu sĩ của tôn giáo này rút vào trong núi, thì các tín đồ tại gia đã đảm trách vai trò duy trì tôn giáo của mình. Khác với Kỳ-na giáo, Phật giáo khi bị đạo quân Hồi giáo tấn công, các đại tự viện và giới tăng sĩ bị tiêu diệt, thì nó được coi như “đóng xong nhiệm vụ lịch sử” của mình. Hàng cư sĩ vốn có vai trò thứ yếu trong cộng đồng Phật giáo, trách nhiệm trong việc bảo vệ và xiển dương Phật pháp không cao, cũng theo đó mà tiêu tan.

Phật giáo Nguyên thủy phân tách vai trò của tăng sĩ và cư sĩ một cách rạch ròi. Phật giáo Đại thừa dù về sau có nhiều thay đổi và có nêu cao tinh thần “tứ chúng đồng tu”, thì lịch sử Phật giáo cũng vẫn là lịch sử của các tăng sĩ và những chùa viện.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, vai trò của giới cư sĩ trong cộng đồng Phật giáo cần phải được xem lại. Giới tăng lữ với những giới hạn xã hội tất yếu phải có, không thể đơn lẽ trong việc hoằng pháp và làm lợi ích xã hội một cách hiệu quả được. Một sự kết hợp hài hòa là điều rất cần thiết. Người con Phật không chỉ bình đẳng trong tu học, mà cần bình đẳng trong trách nhiệm chia sẽ công việc và xiển dương lời Phật dạy. Và nếu như giới tăng sĩ ngày nay đã phải tìm hiểu thêm nhưng lĩnh vực khác ngoài giáo lý để có thể thích ứng với bối cảnh mới, thì giới cư sĩ cũng cần phải nghiên cứu sâu rộng và thực hành nhiều hơn nữa lời Phật dạy để có thể phổ biến giáo pháp. Thông điệp “hãy lên đường vì an lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của nhiều người, vì lòng từ bi với đời…” đã đến lúc cần áp dụng chung cho tất cả đệ tử Đức Phật, chứ không chỉ dành riêng cho những Tỳ-kheo./.