Những phụ nữ phụ hồ

Nguyên Hiệp

Tôi chuyển đến đây ở từ một năm trước, khi ngôi nhà đối diện đang giữa tiến trình xây dựng, và đến hôm nay nó vẫn chưa hoàn tất. Một ngôi nhà không lớn, nhưng không hiểu sao người ta lại mất nhiều thời gian cho việc xây dựng đến vậy.

Nhưng do việc xây dựng ngôi nhà kéo dài, tôi có dịp chứng kiến những tốp thợ hồ thay nhau đến làm việc và một vài sinh hoạt của họ. Những tốp thợ khác nhau được thay đổi tùy theo ngôi nhà đang được xây ở giai đoạn nào. Nhưng dù là tốp thợ nào, đang đảm trách khâu gì của ngôi nhà thì họ đều có một điểm chung là trông rất khốn khó, lấm lem từ đầu đến chân. Đi cùng với các thợ hồ còn có những phụ nữ và các cậu bé, có lẽ là vợ con họ. Những phụ nữ và các cậu bé này phụ khiêng gạch, khiêng cát hoặc bưng hồ vữa. Và những phụ nữ này, cũng như chồng, trông nhếch nhác và khốn khó.

Những cặp vợ chồng này có lẽ xuất thân từ cùng một đẳng cấp. Ở Ấn Độ người ta ít khi kết hôn với người khác đẳng cấp. Những người khác tôn giáo càng hiếm khi kết hôn với nhau, trừ khi quá yêu nhau cùng dẫn nhau đi biệt xứ. Có lần tôi hỏi cậu con trai chủ nhà rằng có muốn lấy một người vợ Hồi giáo không thì cậu ta trả lời: “Never.”

Những người có đẳng cấp thấp và nghèo thường ít được học hành, của cải thừa kế không có, và họ không có những cơ hội (lẫn không biết tìm kiếm cơ hội) để phát triển bản thân, nên cái nghèo bám lấy họ như một món nợ tiền kiếp. Cái mà ta gọi là văn hoá đôi khi nó thật khủng khiếp. Nó trói chặt người ta, biến người ta thành một thứ nô lệ cho chính thứ văn hoá đó, và hẳn nhiên lại có người hưởng lợi từ sự lầm than và cơ cực của những con người bần cùng này. Và con cái của những cặp vợ chồng này, rồi cũng như ba mẹ của chúng, phải chịu sự trói buộc của sợi dây văn hoá đó, vẫn mãi nghèo hèn và khó mong thoát khỏi điều đó. Các cậu bé này mới mười mấy tuổi đầu đã phải theo bố mẹ đi phụ hồ, tương lai có hy vọng sẽ sáng sủa hơn bố mẹ chúng?

Khác với giới nữ lưu giàu sang của Ấn thường rất mập, những phụ nữ làm vợ của những anh chồng khốn khó thường gầy đét và đen điu. Vì công việc phụ hồ thường dính liền với bụi bặm từ xi-măng và sạn cát, nên các phụ nữ này càng trở nên lấm láp hơn. Thêm vào đó, trang phục của họ cũng góp phần làm cho họ trở nên khác lạ. Với đôi khuyên lớn như hai chiếc vòng đeo lủng lẳng hai bên mủi, tay thì chồng chất những vòng là vòng, trước người thì đeo bốn năm chiếc gương soi mặt, trông họ trở nên kỳ dị.

Tôi hỏi cậu con trai chủ nhà những phụ nữ ấy đeo những chiếc gương như vậy để làm gì. Cậu ta cười bảo đó là một thứ “old culture.” Nhưng nói vậy xong cậu ta lảng sang chuyện khác, sợ phải giải thích dài dòng.

Bưng sạn bưng cát đã nặng nhọc, lại phải vướng víu với những chiếc gương trước người, chân thì đeo những sợi xích gắn những chiếc chuông nhỏ, mỗi bước chân tạo nên những tiếng leng keng, khiến cho mỗi thao tác của họ càng trở nên nặng nề, chập chạp.

Những người thợ hồ có lẽ ở một nơi xa ngôi nhà này, nên buổi trưa họ không về mà ở lại ăn trưa tại chỗ. Thức ăn họ mang theo sẵn. Thức ăn thường là một loại bánh nướng, cơm và một thứ nước xốt sền sệt, có khi thêm một vài món kho, tất cả đều là đồ chay. Cơm hay bánh được gói bọc bằng những lớp ni-lông, ngoài bao thêm một miếng vải. Họ có mang theo đĩa để đặt thức ăn, nhưng muỗng thì không. Từ việc sớt thức ăn ra cho đến ăn đều dùng tay. Nếu ăn bánh, họ dùng tay xé từng mẩu nhỏ rồi chấm vào nước xốt, còn cơm thì dùng tay trộn đều lại rồi ăn. Ăn bóc như vậy là truyền thống có từ xưa của người Ấn, và ngày nay nhiều người vẫn còn duy trì truyền thống này. Dù giàu hay nghèo họ đều có thói quen ăn như vậy, nhưng người giàu thì có phần ít thường xuyên hơn.

Các bửa ăn của người Ấn thường rất trể so với Việt Nam. Giờ ăn sáng thường từ 8-9 giờ, buổi trưa khoảng từ 1-2 giờ, và buổi tối từ 8-9 giờ. Tất nhiên có những ngoại lệ, nhưng nhìn chung đều là như vậy.

Những người thợ hồ này thường nhận tiền vào cuối tuần, hoặc cuối một đợt làm việc. Ví dụ như những phụ nữ này, sau khi khuân xong một đống gạch lên lầu cho những người thợ hồ kia xây thì họ sẽ nhận tiền công. Không rõ tiền công một ngày được bao nhiêu, nhưng chắc là không cao. Có lần thấy một phụ nữ mân mê mấy tờ tiền giấy, nói với người thấu khoán điều gì đó với giọng rất buồn, chắc là năn nỉ xin thêm chút ít, trông rất tội! Đễ mưu sinh và nuôi được những đứa con nheo nhóc kia đâu phải dễ dàng đối với những phụ nữ có công việc như thế này!

Ở những xã hội như Ấn Độ và Việt Nam, những người làm nông, những người làm công thường chịu nhiều thiệt thòi. Những nước có chế độ phúc lợi xã hội và an sinh xã hội tốt, những người như thế này còn có sự trợ giúp nào đó, còn những nước nghèo và chế độ an sinh xã hội không được bảo đảm, thì mạng sống của những con người này không mấy ai để ý đến. Chết đường chết chợ vì đói vì bệnh đôi khi trở thành chuyện thường…

Sáng nay đến lượt một tốp thợ khác, những người đến quét vôi. Các phụ nữ kia chắc sẽ trở lại ngôi nhà này thêm một lần nữa, để lau chùi sàn nhà trước khi chủ nhà dọn vào ở…

T. Nguyên Hiệp