Tâm Bồ Đề

Đức Dalai Lama

Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Nhập Bồ Đề Hành Luận, Tịch Thiên (Śāntideva) nói rằng mọi hạnh phúc và niềm vui là kết quả của việc quan tâm đến hạnh phúc của người khác; trong khi những rắc rối, bi kịch và tai họa là kết quả của thái độ quá coi trọng bản thân. Có cần nói gì thêm, ngài hỏi, về điều này khi chúng ta có thể nhìn thấy đời sống phạm hạnh của đức Phật, người quan tâm đến lợi ích của tất cả chúng sanh, và số phận của chúng ta, những người sống trong hoàn cảnh hiện nay? Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận điều này bằng việc so sánh những khiếm khuyết của những chúng sanh bình thường với những phẩm tính giác ngộ và trí tuệ của chư Phật. Trên cơ sở so sánh này, chúng ta có thể nhìn thấy những lợi ích và phước đức của việc phát nguyện quan tâm đến lợi ích của tất cả chúng sanh, và những khuyết điểm lẫn tổn hại của một thái độ quá coi trọng bản thân và chấp chặt tự ngã.

Tịch Thiên nói rằng ta và người là giống nhau khi có những ước muốn sâu thẳm là mong đạt được hạnh phúc và vượt qua khổ đau. Vậy tại sao ta tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân mình bằng sự trả giá của người khác - thậm chí tới mức hoàn toàn không nghĩ gì đến họ? Y như chúng ta, tất cả những chúng sanh khác đều giống nhau trong ước muốn này: mong có được hạnh phúc và vượt qua khổ đau. Mỗi người trong chúng ta ít ai thoả mãn trọn vẹn với niềm vui và hạnh phúc mà mình có, và đây là sự thật của tất cả chúng sanh. Như bản thân tôi, là một con người, cũng mong đạt được khát vọng căn bản này; và tất cả những chúng sanh khác cũng như vậy. Nhận thức sự giống nhau căn bản này là điều rất cốt yếu.

Vậy những gì là sự khác nhau giữa ta và người? Dù mỗi con người là quan trọng và quý giá, nhưng khi chúng ta quan tâm đến lợi ích của một người thì phạm vi chỉ giới hạn nơi một người. Ngược lại, khi chúng ta quan tâm đến lợi ích của những chúng sanh khác, những chúng sanh vô lượng vô biên, thì trong trường hợp này khi chúng ta nói về khổ đau hay hạnh phúc, thì chúng ta đang nói về khổ đau hay hạnh phúc của vô lượng chúng hữu tình. Do đó, nhìn từ số lượng, lợi ích của những chúng sanh khác quan trọng hơn nhiều lợi ích của riêng bản thân ta.

Ngay cả nhìn từ lợi ích của chính chúng ta, nếu những người khác hạnh phúc và an ổn, thì chúng ta cũng có thể hạnh phúc. Nói cách khác, nếu những chúng sanh khác ở trong tình cảnh khổ đau liên miên, thì chúng ta cũng sẽ chịu chung số phận giống như vậy. Lợi ích của người khác thì nối kết mật thiết với lợi ích của chúng ta. Điều này rất thực. Hơn nữa, dựa trên kinh nghiệm bản thân mình, chúng ta có thể quán sát thấy rằng nếu chúng ta chấp chặt sâu nặng vào ý nghĩa bản thân – coi trọng lợi ích của chính chúng ta – thì những rắc rối tâm lý và tình cảm của chúng ta sẽ trở nên lớn hơn.

Hẳn nhiên việc tìm kiếm lợi ích cho bản thân chúng ta là thật sự quan trong. Tuy nhiên, chúng ta cần một biện pháp thực tế hơn, đó là, không nên quá xem trọng lợi ích bản thân mà nên dành thời gian nhiều hơn để nghĩ về lợi ích của những kẻ khác. Vị tha và nghĩ đến những tình cảm và lợi ích của người khác nhiều hơn, thực tế, là một phương cách lành mạnh hơn nhiều là việc theo đuổi tìm kiếm những lợi ích cho chỉ riêng mình. Nếu chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ thấy có một sự thay đổi rõ rệt, một cảm giác an vui. Chúng ta sẽ không còn dễ bị kích động bởi những tình huống lặt vặt. Ngược lại, nếu chúng thường xuyên nghĩ về lợi ích bản thân – hoàn toàn không ngó ngàng đến lợi ích của những chúng sanh khác – thì dầu là một tình huống nhỏ nhặt nhất cũng có thể kích động gây nên những cảm xúc tổn thương và sự bất an sâu sắc.

Trong hành trình dài lâu, việc phát sinh một trái tim tốt sẽ làm lợi ích cả chúng ta và người khác. Ngược lại, để tâm ta bị nô lệ hoá bởi chấp ngã thì chỉ duy trì những cảm thọ bất mãn, thất vọng và buồn đau, cả trong hiện tại và cũng như lâu dài về sau. Chúng ta sẽ uổng phí cơ hội tuyệt vời mà chúng ta có này – cơ hội được sinh làm người, cơ hội được trang bị khả năng con người tuyệt vời có trí năng, mà có thể được sử dụng cho những mục đích cao cả hơn. Do đó, việc cân nhắc những kết quả lâu dài hay ngắn ngủi này là thật sự quan trọng. Có cách nào tốt hơn là làm cho sự hiện diện của chúng ta ý nghĩa hơn bằng việc quán chiếu tâm bồ đề – tâm khát vọng vị tha mong đạt lấy giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sanh.

Phát tâm Bồ đề

Với bản thân mình, tôi không dám tuyên bố là đã nhận chân được tâm bồ đề. Tuy nhiên, tôi có một sự kính ngưỡng sâu sắc đối với tâm bồ đề. Tôi thấy rằng sự kính ngưỡng tâm bồ đề của tôi là tài sản và là nguồn khích lệ của tôi. Đây cũng là gốc rễ hạnh phúc của tôi; đó là điều có thể giúp tôi tạo nên những hạnh phúc khác, và nó là nhân tố giúp tôi cảm thấy thoả mãn và hài lòng. Tôi hoàn toàn nhiệt tâm và tận tụy với lý tưởng này. Cho dù bệnh tật hay khoẻ mạnh, cho dù tuổi tác đã cao, và thậm chí ở gần điểm chết, tôi vẫn tận tâm với lý tưởng này. Tôi vững tin rằng tôi sẽ luôn duy trì khát ngưỡng sâu sắc của mình đối với lý tưởng phát khởi tâm bồ đề vị tha này. Và những người bạn của tôi, đây cũng là phận việc của các bạn. Tôi mong các bạn cố gắng để có thể nhận thấy rõ hơn tâm bồ đề. Nếu bạn có thể, hãy nỗ lực làm sanh khởi trạng thái tâm vị tha và từ bi này.

Sự nhận chân được tâm bồ đề đòi hỏi nhiều năm thực tập thiền định và quán chiếu. Trong một vài trường hợp, phải mất nhiều kiếp mới có được sự nhận chân này. Chỉ hiểu biết bằng trí năng tâm bồ đề là gì thì không đủ. Cũng không đủ khi có những tình cảm như, “cầu mong tất cả chúng sanh đạt được giác ngộ viên mãn.” Những điều này không phải là nhận chân được tâm bồ đề. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này là chắc chắn, về những gì việc thực hành giáo pháp sâu sắc hơn sẽ mang lại. Như Tịch Thiên nói:

Tâm bồ đề chuyển thân bất tịnh
Thành một toà kim cương vững chắc
Như thân Phật vô vàn quý giá
Vậy hãy giữ Tâm này son sắt.

Khi chúng ta nghĩ về tâm bồ đề từ bên ngoài, nó có thể dường như quá đơn điệu, thậm chí là không có chút gì lý thú. Trong khi đó, những quán tưởng về các mạn-đà-la và các thần linh có thể dường như sâu nhiệm, và có thể chúng ta nhận thấy chúng nhiều hấp dẫn. Tuy nhiên, khi chúng ta thật sự dấn thân vào trong thực hành, tâm bồ đề là vô tận. Việc thực hành tâm bồ đề cũng không có nguy cơ làm nảy sinh sự chán nản hay thối thất, trong khi việc quán tưởng thần linh, hay tụng đọc thần chú v.v… có nguy cơ khiến ta thối thất, bởi vì chúng ta luôn tìm đến những việc thực hành như vậy với một mong ước quá lớn. Sau nhiều năm, chúng ta có thể nghĩ, “Mặc dù tôi đã thực hành quán tưởng thần linh và đã tụng niệm tất cả những thần chú này, sao vẫn không có sự thay đổi đáng kể nào; tôi đã không có được bất kỳ kinh nghiệm huyền nhiệm nào.” Loại thất vọng này thì không có đối với việc thực hành tâm bồ đề.

Bởi vì việc nhận biết tâm bồ đề đòi hỏi một thời gian dài lâu để thực hiện, nên xác quyết việc tu tập tâm bồ đề của mình thông qua những những lời phát nguyện là điều tối quan trọng. Điều này có thể được thực hiện dưới sự chứng minh của một vị thầy hay dưới sự chứng minh của một vị Phật qua biểu tượng. Một nghi lễ như vậy có thể làm tăng trưởng thêm khả năng của bạn cho việc phát tâm bồ đề. Bằng việc phát nguyện thực hành theo hạnh nguyện Bồ-tát trong một buổi lễ đặc biệt, bạn xác quyết việc phát khởi tâm bồ đề của mình.

Phần việc đầu tiên của loại hình nghi thức này là nguyện khát khởi tâm bồ đề. Điều được bao gồm ở đây là, bằng việc phát khởi khát vọng vị tha đạt lấy quả vị Phật vì lợi ích của tất cả chúng sanh, bạn nguyện rằng sẽ không bao giờ từ bỏ tâm bồ đề, hay để cho nó thối thất, không chỉ ở trong đời này mà cũng ở trong những đời vị lai. Là một bổn phận, có một vài giới luật bạn cần tuân giữ. Phần thứ hai của buổi lễ là phát lời nguyện giữ giới Bồ-tát.

Mỗi khi bạn đã phát những lời nguyện Bồ-tát, thì dù bạn muốn hay không, dù thích thú hay không, thì việc giữ những lời nguyện cao quý này giống như giữ lấy đời sống của chính bạn. Để tạo nên thệ nguyện đó, bạn phải có sự xác quyết vững như núi; bạn đang tạo ra một thệ nguyện mà từ bây giờ trở đi bạn phải theo những giới luật của Bồ-tát và hướng cuộc đời của bạn theo việc tu tập hạnh Bồ-tát.

Hẳn nhiên một vài người đọc không phải là Phật tử, và cho dù là Phật tử, một vài có thể không nhiệt tâm với việc phát nguyện Bồ-tát, đặc biệt là phát nguyện giữ giới Bồ-tát. Nếu bạn cảm thấy do dự về việc thực hành hạnh nguyện Bồ-tát, thì tốt nhất là không nên phát nguyện giữ giới; bạn vẫn có thể phát một tâm lượng vị tha và ước mong rằng tất cả chúng sanh có thể hạnh phúc và cầu nguyện rằng bạn có thể đạt lấy giác ngộ viên mãn vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Điều này là khả dĩ; bạn sẽ đạt được phước đức của việc phát tâm bồ đề đó, dù bạn không phải theo những giới Bồ-tát. Vì vậy nếu bạn không phát nguyện giữ bất cứ giới Bồ-tát nào, thì bạn có thể phát tâm bồ đề vị tha. Bạn có thể là người phân xử cho chính bạn.

Cứu chúng sanh, khởi tâm thệ nguyện
Phật, Pháp, Tăng, xứ sở là đây
Lấy Tam bảo làm nơi nương tựa
Cho đến khi giác ngộ tròn đầy.
*
Được tán dương bằng Bi và Trí
Và nơi đây đức Phật chứng minh
Con phát tâm tìm cầu giác ngộ
Vì lợi ích tất cả chúng sinh
*
Khi không gian vẫn còn vô tận
Khi chúng sanh vẫn còn vô biên
Con vẫn còn phát khởi thệ nguyện
Giúp chúng sanh thoát khổ trần duyên.

Nguyên Hiệp dịch