Chuyện chim Kên kên

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) trị vì vương thành Ba-la-nại, Bồ-tát (tức tiền thân đức Phật) sinh làm một con chim kên kên. Khi khôn lớn, chim để cha mẹ già yếu và mù lòa của mình trong hang trên núi rồi đi kiếm thịt bò cùng thịt những loài thú khác mang về phụng dưỡng cha mẹ.

Bấy giờ, có một vị thợ săn nọ đặt bẫy bắt kên kên khắp các nghĩa địa tại Ba-la-nại. Một hôm, khi đi kiếm thịt, kên kên đi đến một nghĩa địa và rồi mắc chân vào bẫy. Lúc ấy, kên kên không nghĩ đến bản thân mà chỉ nghĩ đến cha mẹ già: “Không biết cha mẹ ta rồi đây sẽ sống thế nào? Ta nghĩ cha mẹ ta không biết rằng ta bị bắt, vì cô thân và khốn khổ, sẽ héo mòn và chết dần ở trong hang núi đó.” Rồi kên kên than khóc qua bài kệ:

Song thân già yếu trong núi xa
Giờ sống thế nào khi vắng ta?
Vì ta mắc chặt trong lưới bẫy
Làm nô lệ của Ni-li-ya.
(Nilīya, tên người con trai của vị thợ săn).

Nghe lời than khóc đó, con trai vị thợ săn đọc lên bài kệ thứ hai, và kên đọc bài kệ thứ ba, cứ lần lượt như vậy:

Con trai thợ săn:

Kên kên, sao khóc nghe xót xa?
Tiếng khóc lạ thường đến tai ta
Chưa bao giờ ta nghe hay thấy
Với tiếng con người chim thốt ra.

Kên kên:

Tôi nuôi song thân tuổi yếu già
Ở trong hang nọ trên núi xa
Song thân già yếu giờ sao sống
Khi nơi tay người tôi trót sa?

Con trai thợ săn:

Xác chết dưới đất trăm dặm xa
Kên kên nhìn thấy khi bay qua
Vậy sao ngươi lại không nhìn thấy
Lưới bẫy cận kề được đặt ra?


Kên kên:

Một người khi sắp phải hoại thân
Số phận bước theo lệnh tử thần
Kẻ ấy không thấy bẫy hay lưới
Dù chúng đặt ra ở rất gần.

Con trai thợ săn:

Hãy về phụng dưỡng song thân già
Ở trong hang ấy trên núi xa
Về thăm hai vị trong an lạc
Ngươi được phép rời khỏi tay ta.

Kên kên:

Thợ săn, chúc ngươi với thân nhân
Hạnh phúc an vui trọn muôn phần
Cha mẹ già yếu tôi phụng dưỡng
Ở trong hang ấy trên núi xanh.

Thế rồi, thoát khỏi nỗi sợ hãi chết chóc, kên kên vui mừng cám ơn vị thợ săn, và sau khi đọc xong bài kệ cuối, đã ngậm thịt đầy trong miệng đem về phụng dưỡng song thân.

Jataka Gijjha, Số 399.
Nguyên Hiệp lược dịch