Sinh Nghiệp Chân Chính

Sinh nghiệp chân chính, hay gọi theo thuật ngữ Phật học quen thuộc là Chánh mạng, thuộc chi phần thứ năm trong Bát Chánh Đạo - tám phương pháp thiết yếu giúp người Phật tử phát triển đời sống tâm linh, cũng là những chuẩn tắc mà người Phật tử cần đến cho việc phát triển một nếp sống thiện lành trong đời sống xã hội. Trong kinh Mahācattārīsaka (Trung Bộ III), khi giảng dạy về Bát Chánh Đạo, đức Phật đã chia việc thực hành tám nguyên tắc này ra làm hai phương diện: hữu lậu và vô lậu. Về phương diện hữu lậu, thực hành Bát Chánh Đạo nhằm để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, an bình, tạo nên phước báo cho đời này và đời sau. Về phương diện vô lậu, thực hành Bát Chánh Đạo, nói một cách ngắn gọn, là giữ giới thanh tịnh, đào luyện tâm thức, phát triển trí tuệ để qua đó đạt được sự giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi.

Chánh mạng, về phương diện hữu lậu, thường được hiểu là một phương cách kiếm sống đúng đắn hay việc chọn lựa một nghề nghiệp chân chính, và bằng công việc hay nghề nghiệp này người ta có thể nuôi sống bản thân và gia đình, cũng như đống góp những giá trị hữu ích cho xã hội. Trong bài kinh Mahācattārīsaka được đề cập ở trên, Chánh mạng được định nghĩa: “Vị Thánh đệ tử bỏ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng; như vậy, này các Tỷ-kheo là chánh mạng hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y.” Và tà mạng được định nghĩa: “Lừa đảo, nói lời mê ly, hiện tướng, gian trá, lấy lợi cầu lợi; như vậy, này các Tỷ-kheo, là tà mạng.” (HT. Minh Châu dịch). Chánh mạng ở đây, như vậy, là không làm những điều tà mạng, tức không lừa đảo, không gian trá, không lấy lợi cầu lợi…

Một số bài kinh ngắn trong Tăng Chi Bộ xem việc kiếm sống đúng đắn là kiếm sống bằng sức lực của mình bỏ ra, chuyên cần, hợp pháp, lương thiện, không lừa đảo, không làm hại người khác, không cưỡng bức (Xem Tăng Chi Bộ 4:62; 5:41). Một đoạn khác, cũng thuộc Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy rằng một người khi thực hiện nghề nghiệp hay công việc của mình cần nên thành thạo và chuyên cần, và xem đây là những nguyên tắc đúng mà người ta cần tuân thủ trong khi thực hành công việc, “Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử làm nghề gì để sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm.” (Tăng chi bộ 8:54, HT. Minh Châu dịch).

Trong Tương Ưng V (mục 45), Chánh mạng được định nghĩa:“Chánh mạng là gì? Đó là trường hợp mà ở đó vị thánh đệ tử, sau khi từ bỏ sinh kế không lương thiện, sinh sống với sinh kế chân chính. Đây được gọi là chánh mạng.” Tuy nhiên, thế nào là sinh kế không lương thiện thì không được giảng giải ở đây. Nhưng trong Tăng Chi Bộ V chúng ta thấy một đoạn kinh thế này: “Có năm nghề buôn bán, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc.” Và đoạn kinh này thường được nhiều người trích dẫn khi nói về việc chọn lựa nghề nghiệp theo quan điểm Phật giáo, và cũng thường được lấy làm tiêu chí để đánh giá một công việc là “chánh mạng” hay “tà mạng”. Trong kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, năm loại nghề nghiệp nói trên cũng được khuyên là không nên làm. Bên cạnh đó, những việc làm tổn hại đến đời sống của những chúng sanh khác, các nghề như bói toán, xem tướng, phong thuỷ, nuôi chó săn.v.v… cũng được khuyên là không nên làm.

Trong năm nghề nghiệp được đề cập ở trên, buôn bán đao kiếm thường được hiểu là buôn bán vũ khí, điều liên quan đến chiến tranh, và vì vậy nó không phù hợp với tinh thần hoà bình của Phật giáo. Buôn bán người, vào thời đức Phật, liên quan đến vấn đề nô lệ và đẳng cấp, điều cũng không được Phật giáo chấp nhận. Ba nghề nghiệp còn lại là những sinh nghiệp trực tiếp gây hại cho bản thân, cho tha nhân và các loài sống khác.
Năm nghề nghiệp này, nếu xét ở bối cảnh Việt Nam hiện nay, thì có hai nghề được coi là không hợp pháp: buôn bán vũ khí và buôn bán người. Buôn bán thuốc độc, trong sự liên hệ với việc bán các loại thuốc trừ sâu, vẫn được xem là hợp pháp. Vậy thì ngoài năm nghề cả hợp pháp và không hợp pháp này ra, những nghề nghiệp khác có phải đều được xem là “chánh mạng” hay không, và các Phật tử có được phép chọn lựa theo sở thích và khả năng của họ hay không?

Các bài kinh được thuyết giảng thường gắn liền với một bối cảnh cụ thể, với con người và không gian xã hội cụ thể. Nghề nghiệp, cũng như những thực thể xã hội khác, luôn luôn có sự thay đổi. Có những nghề nghiệp được đề cập đến trong kinh sách nhưng ngày nay đã không còn tồn tại; nhưng ngược lại, có nhiều nghề ngày xưa không có nhưng đã được phát sinh theo sự phát triển của xã hội. Việc đánh giá và cách nhìn về nghề nghiệp cũng không có sự giống nhau theo từng thời đại. Do đó, khi chọn lựa và thực hiện một nghề nghiệp, thì vấn đề cần được xem xét trên những nguyên tắc cốt tuỷ của Phật giáo, chứ không chỉ giới hạn ở nơi một đoạn kinh được giảng dạy cho một con người tại một thời điểm cụ thể nào đó. Thực hiện một nghề nghiệp, do đó, điều đầu tiên cần xét đến là xem nghề nghiệp hay công việc đó có hợp pháp và lương thiện hay không, có xâm phạm đến lợi ích của người khác và có làm tổn hại các đời sống khác hay không; hay nói cách khác là nghề nghiệp ấy có lợi mình lợi người hay không. Và bởi vì Chánh mạng khi được thực hành ở phương diện hữu lậu là chính yếu dành cho giới tại gia, nên năm giới là những tiêu chí then chốt giúp đánh giá một công việc là chánh mạng hay không chánh mạng.

Trong cuốn Thế Giới Thứ Bảy của Phật Giáo Thiền, (The Seventh World of Chan Buddhism), Ni sư Ming Zhen Shakya (người Mỹ, nhưng xuất gia ở Trung Quốc) cho rằng không có một nghề nghiệp nào hoàn toàn “trong sạch”. Bằng cách này hay cách khác, mỗi nghề nghiệp hay công việc đều có liên hệ đến những công việc khác. Ví dụ, một người không trực tiếp sát hại thú vật, nhưng khi anh ta làm những nghề như bán da thuộc, làm giày, bán bánh mì kẹp thịt… thì những công việc này đều có liên hệ gián tiếp đến người trực tiếp sát hại thú vật. Hay một người không trực tiếp nấu rượu, nhưng nếu anh ta làm việc ở một nhà máy sản xuất bia rượu hay làm người phục vụ ở một quầy rượu thì cũng liên quan đến việc sản xuất rượu. Một người làm nông, công nhân ở nhà máy thuốc trừ sâu, nhà máy nước mắm, hay thậm chí những nhà khoa học sản xuất thuốc chống virus gây bệnh, cũng đều liên hệ đến việc làm hại các loài sống khác.

Ni sư cho rằng người Phật tử có thể làm bất cứ loại công việc hay nghề nghiệp gì nếu nghề nghiệp đó phù hợp với anh ta và không trái với pháp luật sở tại. Và tiêu chí để đánh giá một sinh nghiệp là “chánh” hay “tà” không phải nằm ở nơi loại nghề nghiệp mà nằm ở nơi chỗ người ta có thực hiện nó một cách lương thiện hay không. Và rồi bà cho rằng, người Phật tử có thể là người lính, người trồng rau cải, người chăn bò, người làm giày, người phục vụ ở quầy rượu, và thậm chí là… buôn bán vũ khí - nếu người này sinh sống tại một nơi việc buôn bán vũ khí được coi là hợp pháp (Ming Zhen Shakya, The Seventh World of Chan Buddhism, 1985, các trang 161-164).

Quan điểm của Ni sư Ming Zhen Shakya rõ ràng không giống với quan điểm chung của những nhà Phật học khác, hay nói cách khác là nghe có vẻ không “chính thống” lắm. Sự thực trong cuốn sách của mình, bà đã phê bình cách giải thích về Chánh mạng theo truyền thống xưa nay, và cụ thể đã phê bình những giảng giải về Chánh mạng trong cuốn “What The Buddha Taught” (Ni sư Trí Hải dịch là Con Đường Thoát Khổ) của Thầy Walpola Rahula.

Như vậy theo Ni sư Ming Zhen Shakya, hợp pháp và lương thiện là hai nguyên tắc then chốt nhất để đánh giá một nghề nghiệp là chánh hay tà, bất kể nghề nghiệp đó là gì. Nếu người Phật tử sinh ra ở một nơi làm nghề đánh bắt hải sản, và người ấy không có sự chọn lựa nào khác ngoài công việc được truyền thừa từ bao đời ở đó, thì trong trường hợp này không thể xét đến vấn đề truyền thống được. Do đó hai nguyên tắc trước hết cần phải đặt ra là phải hợp pháp và lương thiện. Thầy giáo, bác sĩ, nhà văn, hoạ sĩ, và ngay cả tu sĩ…, nếu không lương thiện thì đang sống theo tà mạng như thường. Trong khi một người làm nghề chăn nuôi, người làm nghề biển, người trồng rau, người làm ở quán rượu.., nếu lương thiện thì vẫn được xem là đang sống theo chánh mạng.

Cũng có những câu hỏi thường được đặt ra như, một Phật tử làm công cho một nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa, nghề nghiệp nghe rất “chánh mạng”, nhưng nếu nhà xuất bản đó làm ăn gian giối, không đối xử tử tế và không trả lương cho nhân công một cách phù hợp, thì người Phật tử này có nên từ bỏ chỗ làm đó để làm cho một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu nhưng làm ăn một cách lương thiện hay không? Hay một người phục vụ ở một quán thiền trà, cũng nghe rất chánh mạng, nhưng chủ quán trà đã có những gian dối trong kinh doanh, thì người Phật tử làm công ở đó có nên tiếp tục công việc này hay có thể chuyển sang làm cho một quán bar nhưng ở đó người ta bán rượu thật và trả tiền công phù hợp?

Trong cuốn Năm Giới và Năm Pháp Cao Thượng (Pancasila-Pancadhamma) của Vajirananavarorasa, Chánh mạng được xem xét dưới ba gốc độ: đúng đắn về phương diện hành động; đúng đắn về phương diện con người; và đúng đắn về phương diện đối tượng. Đúng đắn về phương diện hành động là người làm việc nên siêng năng, tận tình, không phung phí thời gian và biếng nhác, hay gian lận những sản phẩm tại nơi làm việc. Đúng đắn về phương diện con người là có sự tôn trọng đối với người làm công, với đồng nghiệp, với khách hàng… Đúng đắn về phương diện đối tượng là chân thật trong sản xuất và trao đổi hàng hoá, cũng như trong các công việc giao dịch… (dẫn lại từ, Bikkhu Bodhi, The Noble Eightfold Path: The Way To The End of Suffering, 1999, tr. 56.)

Như vậy, từ những dẫn giải ở trên, một người khi chọn lựa nghề nghiệp và thực hiện công việc cần phải xem xét một vài nguyên tắc: xem nghề nghiệp đó có hợp pháp và lương thiện hay không; nghề nghiệp đó có ý nghĩa và hữu ích cho bản thân và xã hội hay không; nó có xâm phạm và làm tổn hại đến lợi ích của tha nhân và các đời sống khác hay không… Henepola Gunaratana, một tăng sĩ người Tích Lan, khi giảng giải về Chánh mạng có đưa ra một vài nguyên tắc mà một người khi thực hành công việc cần nên suy xét. Và ở đây xin mượn những lời giảng của Thầy để kết thúc bài viết ngắn này:

- Xem xét phương tiện kiếm sống có làm cản trở việc phát triển tâm linh của ta hay không.

- Xem xét một nghề nghiệp được coi là chánh mạng hay không bằng việc thực hiện một sự khảo sát ba bậc: 1. Xem xét công việc đó có làm hại người và mình hay không; 2. Xem xét công việc đó có khiến ta phạm năm giới cấm hay không; và 3. Xem xét những yếu tố khác mà chúng liên quan đến công việc đó có khiến cho tâm ta khó định tĩnh hay không.

- Lòng từ bi có thể cải thiện một tình huống công việc khó khăn.

- Nếu không có những ý định gây hại, tâm ta sẽ không bị tổn hại bởi những kết quả tiêu cực của công việc.

- Chánh mạng là một mục đích cần phải đạt đến khi việc thực hành tâm linh chính muồi. (Henepola Gunaratana, Eight mindful steps to happiness: walking the Buddha’s Path, 2001, tr. 148).

Thích Nguyên Hiệp