Vài Pháp Tu Khổ Hạnh của Kỳ-na Giáo


Kỳ-na giáo rất đề cao việc thực hành khổ hạnh, và khổ hạnh được tin có thể giúp người thực hành đạt đến giải thoát tối hậu (moksa). Có nhiều phương pháp thực hành khổ hạnh khác nhau trong Kỳ-na giáo; và dưới đây là ba trong số các pháp tu ấy:

Thứ nhất là khổ hạnh bằng việc không sử dụng y phục. Kinh sách Phật giáo thường gọi những người khổ hạnh Kỳ-na là “loã thể ngoại đạo”. Vào thời đức Phật, Kỳ-na giáo chưa phân phái nên tất cả các tăng sĩ Kỳ-na đều “loã thể”. Về sau, tôn giáo này chia làm hai phái: phái Stetambara, được gọi là phái Áo trắng, bởi vì phái này cho phép mặc y phục màu trắng; và phái Digambara, phái không sử dụng y áo.

Phái Digambara nói rằng họ là những người theo đúng truyền thống Kỳ-na, và “thỉnh thoảng” phê bình những người thuộc phái Áo trắng là phi chính thống, cho rằng những tăng sĩ thuộc phái này không thể đạt được giải thoát bởi vì còn sử dụng y phục. Còn sử dụng y phục là còn sở hữu, mà còn sở hữu thì không thể đạt được giải thoát. Những người thuộc phái “không y phục” tin như vậy. Và bởi vì tin như vậy nên họ cũng quan niệm rằng những nữ tu của Kỳ-na giáo không thể đạt được giải thoát tối hậu, bởi vì các nữ tu còn phải sử dụng y phục.

Về nguyên tắc, người tu theo phái “không y phục” không được sở hữu một vật dụng gì cả, ngoại trừ một cái chổi, dùng để quét trước khi ngồi, vì sợ ngồi đụng phải các sinh linh bé nhỏ. Và nếu ai còn tâm lý e thẹn, có thể dùng nó che nơi cần che khi đứng trước người khác.

Các tăng sĩ phái Digambara sống bằng khất thực, nhưng lại không có đến một cái bát. Họ đi đến nhà thí chủ, ngữa tay cho thí chủ đặt thức ăn vào, đứng ăn tại chỗ và sau đó đi sang nhà khác. Họ không bao giờ ăn chỉ tại một nhà, bởi vì nghĩ rằng nếu ăn như vậy sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn của gia đình đó. Họ cũng không khất thực tại nhà mà họ biết rằng gia đình đó có chuẩn bị thức ăn cho họ.

Pháp tu khổ hạnh “đặc biệt” thứ hai là việc dùng tay nhổ sạch râu tóc. Người tu hành theo Kỳ-na, dù là nam hay nữ, cứ 2, 3 hoặc 4 tháng phải một lần nhổ sạch râu tóc. Pháp tu này dành cho người tu theo phái Digambara, tức phái lấy khí trời làm y phục. Bởi vì người tu theo phái này không sở hữu gì cả, nên họ không có tiền để đến tiệm cắt tóc, và cũng không có tiền mua kéo để xén tóc; vì vậy chỉ còn biết dùng tay để nhổ râu tóc. Và khi nhổ râu tóc như vậy, họ không được sử dụng thuốc làm giảm đau, cũng không được nghĩ đến sự đau đớn, mà nghĩ rằng họ đang “nhổ” nghiệp ra khỏi thân thể của họ.

Pháp tu khổ hạnh thứ ba là thực hành nhịn ăn, gọi cho hoa mỹ là tuyệt thực. Ở đây không phải tuyệt thực để chữa bệnh hay phản đối điều gì đó, mà tuyệt thực cho đến chết với mong muốn đạt được giải thoát (moksa). Ngài Mahavira vào lúc cuối đời đã thực hiện pháp tu này, và tất nhiên đã qua đời sau khi nhịn ăn một thời gian. Người Kỳ-na tin rằng ngài đã đạt được giải thoát sau khi qua đời, và vì vậy một số tín đồ Kỳ-na đã noi theo phương cách tu này của ngài, xem như một pháp tu khổ hạnh đặc biệt. Và người thực hiện pháp tu này rất được các tín đồ khác kính trọng.

Một vị tu sĩ Kỳ-na theo phái Digambara phải thực hành 28 pháp tu khác nhau; và ba pháp tu khổ hạnh ở trên là nằm trong số 28 pháp tu này. Trong số 28 pháp tu này còn có những pháp tu khổ hạnh đặc biệt khác, chẳng hạn như người tu hành không được tắm bằng nước, mà chỉ được tắm bằng… khí trời, ánh nắng và lời cầu nguyện; họ không được ngồi ăn, tức phải đứng ăn và không được ăn no; họ không được đánh răng bằng bàn chải, không được dùng gối khi ngủ và không được ngủ lâu.v.v… Tuy nhiên, có một vài trong số 28 pháp tu này tương đương với năm giới căn bản của Phật giáo. Và việc quy định tu sĩ chỉ ăn ngày một bữa cũng giống với Phật giáo thời kỳ đầu.

Kỳ-na giáo tin rằng càng “khổ hạnh” thì càng nhanh đạt giải thoát, vì khổ hạnh là cách thức tốt nhất để đoạn trừ nghiệp. Phật giáo thì xem “khổ hạnh ép xác” là “cực đoan”, không giúp hành giả đạt đến giác ngộ chân thực.