Ngày Bố-tát: Pháp tu người Phật tử tại gia

Laity-Chanting-copyTừ Bố-tát (uposatha) có nghĩa là “vào cư trú”, và trong ngữ cảnh Phật giáo là cư trú trong một tinh xá hay một ngôi chùa. Nhưng điều này có một lịch sử lâu dài trước thời Đức Phật khi đây là phong tục của những người Bà-la-môn. Những người này thực hiện những nghi lễ và tế lễ Veda, và họ đi đến các thánh địa xa nhà của họ để thanh tịnh bản thân bằng việc sống một đời sống ẩn dật trong một ngày và một đêm, sau đó quay trở về nhà khi các nghi lễ kết thúc. Bấy giờ, thời điểm họ thực hiện việc ẩn tu này được quyết định vào các tuần trăng, quan trọng nhất là ngày trăng tròn và ngày trăng non. Hai ngày khác, là những ngày giữa mỗi nửa tháng, cũng được thực hành.
Ở đây, có thể hữu ích để nói một vài điều về tháng trăng. Đây là một tháng [về nguồn gốc từ tháng (month) cùng gốc với từ trăng (moon)] có 29,5 ngày. Như vậy hai tháng có 59 ngày, tức là một tháng có 30 ngày và một tháng có 29 ngày. Mỗi tháng được chia làm hai phần: nửa tháng trăng tròn dần và nửa tháng trăng khuyết dành. Dó đó, mỗi nửa có 14 hoặc 15 ngày và trong mỗi nửa số ngày được đánh số từ ngày đầu tiên của trăng tròn dần (ngày sau ngày của ngày trăng mới/non) đến ngày 14 (hoặc ngày 15) của kỳ trăng tròn dần, và sau đó từ ngày đầu của kỳ trăng khuyết đến ngày 14 của kỳ trăng khuyết. Một tháng lịch trăng mới luôn bắt đầu (theo tính toán của Phật giáo) với nửa tháng trăng tròn dần. Ngày thứ tám (luôn luôn) của hai nửa sáng và tối là ngày giữa hai nửa tháng trăng.
Vào thời Đức Phật, những nhóm ẩn sĩ và du sĩ khác nhau sử dụng những ngày trăng tròn và trăng non truyền thống để thuyết giảng về những giáo thuyết và sự thực hành của họ, trong khi Đức Phật cho phép các Tỳ-kheo tập họp vào những ngày này để nghe tụng đọc giới bổn (patimokkha) và giảng dạy Pháp (dhamma) cho những Phật tử tại gia đến tịnh xá.
Từ thời điểm đó cho đến nay, ngày Bố-tát đã được cả giới xuất gia và tại gia, ở tất cả những quốc gia Phật giáo, thực hiện. Việc thực hành của các Phật tử, như một tác giả từ Siam (Thái Lan) cho biết – và có nhiều thay đổi theo địa phương – là như sau: Vào sáng sớm, người Phật tử tại gia cúng dường thực phẩm cho các Tỳ-kheo đi khất thực, thỉnh mời đến một nhà cư sĩ, hay người cư sĩ có thể mang thực phẩm đến tịnh xá. Thông thường, người cư sĩ không ăn trước khi cúng dường thực phẩm của họ cho chư Tỳ-kheo và chỉ có thể ăn một lần vào ngày đó, đặc biệt ở nơi các Tỳ-kheo chỉ ăn ngày một bữa. Bất luận thế nào, thực phẩm của họ phải được kết thúc trước buổi trưa. Trước bữa ăn, người cư sĩ thọ nhận tám giới mà họ phát nguyện thực hiện một ngày và một đêm. Thường, các Phật tử tại gia đi đến một ngôi chùa địa phương và trải qua trọn một ngày và đêm ở đó.
Tất nhiên, ở những ngôi chùa khác nhau, cách họ sử dụng thời gian của họ sẽ không giống nhau và tùy thuộc nhiều vào khía cạnh của Pháp được nhấn mạnh ở đó: học tập hay thực hành. Ở nơi chú trọng nhiều vào việc học tập, họ sẽ nghe ba đến bốn bài pháp mà các Tỳ-kheo nhiều hạ lạp thuyết giảng và họ sẽ đọc sách và có thể có những lớp học về Abhidhamma để tham gia. Nhưng họ hoàn toàn tự do để sắp xếp thời gian của mình với việc thiền định, thảo luận Pháp với các Tỳ-kheo.v.v… Ở một thiền viện, người cư sĩ sẽ ít chuyên chú vào việc tiếp thu kiến thức mà sẽ chuyên về việc thực hành Pháp hơn, khi hầu hết thời gian của họ được sử dụng cho việc thực hành chánh niệm - thiền tọa và thiền hành với thỉnh thoảng được các Tỳ-kheo hướng dẫn những bổn phận hàng ngày của họ.
Như vậy, suốt ngày và đêm này (và người cư sĩ nhiệt tâm sẽ hạn chế việc ngủ nghỉ) là dành cho Pháp. Các Tỳ-kheo vào những ngày này phải hội họp (nếu họ có bốn người hoặc nhiều hơn) và lắng nghe một vị Tỳ-kheo tụng đọc thuộc lòng 227 học giới ở trong Patimokkha. Sự hội họp này có thể mất một giờ hoặc nhiều hơn và người cữ sĩ có thể, hoặc không thể, tham gia, tùy theo truyền thống của ngôi chùa đó. Sau khi xong lễ Bố-tát định kỳ, một số Tỳ-kheo có thể thực hành những phương thức tu khổ hạnh hơn, chẳnh hạn như không nằm vào đêm Bố-tát, và nỗ lực hành thiền ở trong ba tư thế là đi, đứng và ngồi trong suốt đêm.
Đây là tóm tắt sự thực hành về việc “vào cư trú” (uposatha) tại một ngôi chùa ở châu Á. Hiển nhiên một Phật tử mà không có những điều kiện giống như những điều trên ở trong một quốc gia không phải Phật giáo thì phải trải qua ngày Bố-tát của mình có sự sai khác. Có lẽ điều đầu tiên cần xem xét là coi nó có xứng công để cố gắng giữ những ngày Bố-tát hay không. Tại sao chúng được thực hành vào những kỳ trăng này của tháng? Nguồn gốc của những ngày Bố-tát trong Phật giáo được tìm thấy ở câu chuyện sau:
Nhân duyên là thế này: Đức Thế Tôn đang trú tại núi Linh Thứu ở Rajagaha (Vương Xá) và bấy giờ có những du sĩ của những giáo phái khác nhau có thói quen tập họp lại vào ngày thứ 14 và 15 của mỗi nửa tháng, và ngày thứ 8 của mỗi phần tư tháng, để giảng thuyết về Pháp (dhamma). Dân chúng đến nghe họ thuyết pháp. Họ yêu mến các du sĩ của những giáo phái khác nhau và tin tưởng vào những người này. Vì vậy những du sĩ nhận được sự hỗ trợ.
Trong khi Seniya Bimbisara, vua của nước Magadha (Ma-kiệt-đà) một mình ở nơi ẩn dật, suy xét điều này và nghĩ: “Tại sao những Tôn giả (Tỳ-kheo) không cùng hội họp vào những ngày này?”
Thế rồi ông đi đến Đức Thế Tôn và thưa với Ngài những gì ông đã nghĩ, rồi nói thêm: “Bạch Thế Tôn, sẽ là tốt nếu những Tôn giả cũng hội họp với nhau vào những ngày này”.
Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp cho nhà vua; sau đó nhà vua ra về. Thế rồi Đức Thế Tôn nhân dịp này thuyết một bài pháp và Ngài nói với các Tỳ-kheo như sau: “Này các Tỳ-kheo, ta cho phép hội họp vào ngày thứ 14 và 15 của mỗi nửa tháng và ngày thứ tám của mỗi phần tư tháng”.
Thế rồi các Tỳ-kheo hội họp lại vào những ngày này khi được Thế Tôn cho phép, nhưng họ chỉ ngồi im lặng. Dân chúng đi đến nghe pháp. Họ khó chịu, rồi xầm xì và phản đối: “Sao chư Tăng, những người con trai của dòng họ Sakya, hội họp cùng nhau vào những ngày này lại có thể ngồi câm lặng như những khúc gỗ thế kia? Sao họ không thuyết pháp khi hội họp nhỉ?”.
Khi nghe điều này, các Tỳ-kheo bèn đi đến Đức Thế Tôn và bạch lại với Ngài. Nhân đó, Đức Phật đã thuyết giảng pháp, và nói với các Tỳ-kheo như sau: “Này các Tỳ-kheo, khi có một sự hội họp vào ngày thứ 14 và 15 của mỗi nửa tháng và ngày thứ tám của mỗi phần tư tháng, Ta cho phép thuyết giảng pháp”. (The Life of the Buddha, trans. by the late Bhikkhu Ñanamoli, tr.157)
Từ câu chuyện này, chúng ta có thể thầy rằng, ngày Bố-tát đã phổ biến vào thời đó; và trong thực tế Ấn Độ đã có lịch trăng. Đức Phật đôi khi cho phép làm theo những thực hành mang tính tập quán sau khi Ngài đã kiểm tra xem chúng có ích lợi hay không. Trong trường hợp này, Ngài thấy rằng có những ích lợi đối với việc thực hành Pháp ở trong những ngày Bố-tát, vì vậy Ngài cho phép. Chúng ta nên hiểu rõ rằng, Pháp (dhamma) ở một vài khía cạnh, không được Ngài giảng dạy khi không phù hợp với những truyền thống tiền Phật giáo. Pháp luôn được Ngài giảng dạy dựa trên sự giác ngộ - sau khi nhìn thấy mọi thứ như chúng thật sự là. Ví dụ, sự giảng dạy về nghiệp – là bởi vì Ngài đã nhìn thấy sự thật của điều này. Tương tự với những ngày Bố-tát, tầm quan trọng của những ngày này được nhấn mạnh bởi một số bản kinh ở trong quyển 8 của Tăng chi bộ (Anguttara-nikaya).
Nhưng nếu việc tính toán thời gian của những ngày Bố-tát trong truyền thống Phật giáo được ấn định chỉ để trùng với lịch trăng và những tuân thủ truyền thống nối kết với nó, thế thì ngày nay khi hầu hết mọi người làm việc ở những quốc gia không theo lịch trăng, nó có lẽ thực tế là dành những ngày cuối tuần cho khóa tu đặc biệt của Phật giáo này. Có ý nghĩa nào khác về những ngày Bố-tát rơi vào các kỳ trăng? Một phân ngành của sinh vật học, được gọi là ngành khoa học nghiên cứu về thời gian và những sự kiện tái diễn, nghiên cứu sự tái diễn ở trong thiên nhiên và khai mở tầm quan trọng của những ngày Bố-tát, đặc biệt là việc tuân thủ ngày trăng tròn. Tiến sĩ W. Menaker ở New York, khi viết trên Chuyên san của Hoa Kỳ Journal of Obstetrics and Gynecology, đã nhận xét về kết quả của một sự phân tích dữ liệu dựa trên việc sinh sản và sự thụ thai rằng, sự trùng hợp giữa tháng trăng là 29.53 và khoảng thời gian trung bình của chu kỳ kinh nguyệt là 29 1/2 ngày “tạo nên một sự kết hợp những trường hợp mà chúng chỉ ra tháng trăng hội họp tu tập là trùng vào thời điểm của chu kỳ sinh trưởng nhục dục của con người”.
Dường như rằng, việc số lượng lớn những Phật tử tại gia giữ những ngày Bố-tát mãi đến thời gian gần đây giúp giới hạn việc gia tăng dân số ở những quốc gia Phật giáo. Một vài người cũng đã nhận xét rằng tham muốn nhục dục đi đến đỉnh vào ngày trăng tròn. Những người mà họ hiểu rằng việc kiềm chế ở vấn đề này và những tham muốn nhục dục khác là tốt, sẽ thấy rằng có nguyên do tốt đối với việc giữ ít nhất một ngày trăng tròn như là ngày Bố-tát. Những người nghiên cứu niên đại bây giờ đang giả định rằng như những đại dương bị ảnh hưởng bởi mặt trăng, nước ở trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng – “Khi cơ thể của chúng ta vào khoảng 2 phần 3 là ‘biển’ và một phần ba là ‘đất’, chúng ta phải phải chống đỡ những ảnh hưởng của ‘thuỷ triều”. (Dr. Menaker). Điều này dường như hợp lý khi nó được quan sát từ lời dạy của Đức Phật về những yếu tố (tứ đại): “Những gì là yếu tố chất lỏng bên trong và những gì là yếu tố chất lỏng bên ngoài, thật sự đây là yếu tố chất lỏng” (xem Maharahulovada Sutta, Trung bộ) - mặc dù ngữ cảnh của sự trích dẫn này là sự phát triển tuệ quán.
Những ô nhiễm và những cảm xúc có thể được kiểm soát một cách tốt nhất khi chúng có thể được nhìn thấy – vào khi chúng mạnh nhất. Nó là không thể để kiềm chế những ô nhiễm trong ta khi chúng không hiển hiện, mặc dù chúng có thể hoạt động ngấm ngầm. Ví dụ, những người mà họ được cung ứng đầy đủ tài sản và sự sung túc có thể không nhìn thấy lòng tham hay không tham nơi bản thân mình ở nơi sở làm; những ô nhiễm này không nổi lên bởi vì biển tham muốn thoã mãn, mà ở trong đó họ bơi, là đủ độ sâu. Nhưng mỗi khi người này ở trong một túp lều nhỏ trơ trọi với thức ăn không đầy đủ chỉ một bữa một ngày và một kỹ luật nghiêm khắc để kiềm chế những hành động của anh ta, vậy thì hãy xem những gì sẽ xảy ra. Những con yêu quái của biển cả đồng loạt trồi lên trên bề mặt và la hét đòi vùng biển rộng hơn để nô đùa trong đó. Ngược lại, thái độ của những Tỳ-kheo chân chính cho thấy con đường đúng giải quyết những ô nhiễm. Một số trong những thứ mạnh nhất - nhục dục và biếng nhác - hiển lộ chính chúng vào ban đêm; vì vậy ban đêm được Đức Phật khuyên dạy là thời điểm khi chúng có thể được giải quyết một cách hiệu quả nhất. Một kẻ thù mà người ta không nhìn thấy và không nhận biết thì không thể bị đánh bại, nhưng một kẻ thù được biết rõ và bị tấn công với vũ khí Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh tư duy, thì kẻ thù đó có thể bị đánh bại.
Điều đó là giống như vào những ngày Bố-tát. Những ô nhiễm mà chúng xuất hiện thế thì có thể kiềm chế và được giới hạn với việc giúp đỡ của giới Bố-tát, mà nó bao gồm tám giới.
Chúng ta hay xem xét nó từ một quan điểm khác. Buông xả là một sợi chỉ chạy xuyên suốt tất cả những thực hành Phật giáo. Nếu một người thực hành bố thì thì người ấy buông xả những thú vui mà tài sản đó có thể mang lại. Khi thực hành năm giới là người ta xả bỏ những hành vi mà bao bọc lấy chúng là những điều có thể làm cho người ta thích thú hay khoái chí, mà trong trong mọi trường hợp, là bất thiện. Và khi sự nỗ lực được sử dụng để thiền định, vị hành giả nhiệt tâm nhất sẽ sớm thầy rằng một số lạc thú và sự giải trí mà cuộc đời này cung cấp thật sự không đi cùng với một tâm thức tự tại và chánh niệm, vì vậy họ từ bỏ chúng.
Tám giới sẽ được thảo luận bên dưới là phần của cách thực hành như vậy, một phương pháp tu tập dành cho việc xuất gia tạm thời của một người Phật tử tại gia. Trong bản kinh được đề cập ở trên, Đức Phật nói về một người đệ tử chân chính suy nghĩ: Bằng việc cam kết thực hành ngày Bố-tát với tám giới trong một ngày và một đêm, tôi từ bỏ lề thói của người thế gian và sống như những bậc A-la-hán đã sống suốt đời của họ: từ bi, thanh tịnh và trí tuệ. Vì vậy những Chánh giới là một bài kiểm tra về cách người ta có thể rèn luyện bản thân đến đâu. Điều đó thật sự muốn nói, những trạng thái tâm thiện tương thích với Pháp đến mức độ nào-tức là sự thực hành tâm tính của ta vượt qua những tham muốn bất thiện mà chúng được xây dựng trên tham, sân và si là được bao nhiêu? Việc thực hành tám giới trao cho ta cơ hội tìm thầy điều đó. Và đây là một sự thẩm tra mà người ta có thể thực hành bốn lần một tháng nếu chúng ta muốn.
Chúng đã thấy cách người tại gia trong những quốc gia Phật giáo dành 24 giờ theo định kỳ để đến một ngôi chùa thực hành một vài Pháp (dhamma) đặc biệt. Nhưng ở nơi không có chùa, không có chư Tỳ-kheo, và không thể trích thời gian từ công việc thì phải nên làm gì?
Trước hết, vào những ngày này, hay vào một số ngày trong chúng, ta có thể ở lâu hơn trong phòng thờ. Điều này sẽ bao gồm việc tụng đọc tám giới thay vì năm giới và nếu ta biết những bài kinh cụ thể nào đó của Đức Phật, ta có thể tụng đọc. Có một bản kinh thật sự thích hợp để tụng đọc là kinh Tám giới Bố-tát (Uposatha-atthangika Sutta, Tăng chi bộ IV), và có thể bổ sung thêm những bài kinh thông dụng khác chẳng hạn như kinh Từ bi (Karaniya-metta Sutta) và kinh Đại hạnh phúc (Maha-mangala Sutta). Những kinh dài hơn chẳng hạn như kinh Châu báu (Ratana Sutta) và kinh Chuyển Pháp luân (Dhammacakkappavattana Sutta) là thích hợp nếu chúng ta có thời gian.
Ngoài những giới và các kinh, nhiều thời gian hơn thì nên dành cho việc thiền định vào những ngày này. Vì vậy nếu chúng ta sử dụng phòng thờ chỉ một lần vào những ngày khác, thì nên sử dụng hai lần vào những ngày này, trong khi cố gắng ngồi lâu hơn. Khi tám giới được nâng đỡ bằng tâm thức điềm tĩnh và vững chãi do thiền định mang lại thì chúng sẽ dễ dàng để giữ.
Pháp mà chúng ta có thể thực hành trong suốt ngày ở nơi làm việc có thể tự mỗi người quyết định, cần xét đến căn cơ của chính người ấy và những tình huống xung quanh người ấy. Tất nhiên, ta cố gắng giữ hạnh kiểm của mình bên trong ranh giới của tám giới và chỉ làm những điều mà chúng phù hợp với tinh thần của các giới. Ta có thể thực hành bố thí (dana) theo cách nào đó vào những ngày này, và có những khoảng thời gian ngắn dành cho một vài sự quán chiếu – nó tùy vào mỗi người để tìm những phương cách cho chính mình.
Tám giới
Đây là tám giới và một vài nhận xét về chúng. Các giới là như sau:
1. Tôi cam kết giữ giới không giết hại sinh vật.
2. Tôi cam kết giữ giới không lấy những gì không cho.
3. Tôi cam kết giữ giới không dâm dục.
4. Tôi cam kết giữ giới không nói dối.
5. Tôi cam kết giữ giới không sử dụng những chất gây say và kích thích mà chúng là nguyên nhân của sự buông thả, phóng dật.
7. Tôi cam kết giữ giới không thực hiện việc nhảy múa, ca hát, chơi nhạc, đi xem những buổi biểu diễn giải trí, mang vòng hoa, xức nước hoa và làm đẹp với mỹ phẩm.
8. Tôi cam kết giữ giới không ngủ chỗ cao rộng.
Người Phật tử tại gia luôn luôn hiểu rằng mỗi khi họ cam kết giữ tám giới này thì họ cần nên nỗ lực hết mình để không phạm bất cứ giới nào. Năm giới đưa ra một biện pháp chung dành cho đời sống thường ngày và trong thực hành người ta có một thái độ linh động đối với những vi phạm nhỏ của một vài trong chúng. Nhưng tám giới là một nhiệm vụ nghiêm ngặt hơn và không nên khinh suất vi phạm. Vậy nếu ta thọ trì chúng, ta cần nên thấy có thể chắc chắn giữ được, mà những trường hợp bên trong hay bên ngoài bất kể là gì, rằng không có giới nào sẽ bị phạm.
Trong trường hợp của giới thứ nhất, không chỉ ta không nên sát hại bất kỳ sinh vật nào mà cũng không nên làm loại công việc nào đó mà nó có thể khiến ta dính vào việc sát hại vô ý. Thậm chí những hành động mà theo cách này hay cách khác chúng gây hại cho người khác cũng nên tránh làm vào ngày Bố-tát...
Giới thứ hai cần chú ý vào những vấn đề như việc sử dụng cho mục đích riêng những tài sản thuộc về một công ty mà ta làm việc, hay lấy thêm sản vật hay sản vật dư thừa cho riêng mình hay cho người khác mà không có sự cho phép để làm như vậy. Lấy những gì không cho cũng bao gồm những việc làm chẳng hạn như giả mạo nguyên liệu để bán và bắt người khác làm việc mà không trả công đầy đủ…
Giới thứ ba được thay đổi từ năm giới. Ở năm giới, “tà hạnh” có nghĩa là tất cả mọi loại tình dục mà kết quả là gây hại người khác – ví dụ, phá vỡ hôn nhân của người khác, hãm hiếp và dụ dỗ trẻ em. Nhưng ở nơi giới không “dâm dục” này nó có nghĩa rằng tất cả mọi hành vi dâm dục cần phải được tránh cho dù chúng là sai về hạnh kiểm đạo đức hay chúng được phép ở trong đời sống thế tục thông thường, cho dù đối với người khác hay là tự kích thích. Đức Phật nói rằng:
"Không sống trong phóng dật,
Không đến gần dục lạc.
Không phóng dật, thiền định,
Ðạt được nhiều an lạc". (Pháp cú 27)
Và khi sự kiêng cữ này chỉ trong một, hai hay bốn ngày mỗi tháng thì không có sự khó khăn lớn nào.
Giới thứ tư đòi hỏi một sự xem xét đặc biệt vào cái lưỡi phóng túng. Điều này có nghĩa là sự nỗ lực thực hành Chánh ngữ, tức là nói lời chân thật, mang lại hòa hợp giữa người với người, nói hòa ái và có ý nghĩa. Pháp có tất cả những phẩm chất này và lời nói của ta nên phù hợp với nó. Người mà giữ những giới Bát quan trai nên cố gắng không vướng vào những tranh cãi vô bổ và chuyện gẫu thế gian. Và tương tự với những ngôn từ trên giấy: những báo giấy và tạp chí mà chúng thật sự làm rối tâm trí thì nên tranh xa vào ngày hôm nay. Nếu ta muốn đọc thì nên đọc một cuốn sách về Pháp.
Nó thật khó để giữ giới thứ năm một cách nghiêm túc vào ngày nay. Nơi giới này ta phải bao gồm mọi loại chất gây say nghiện mà chúng được sử dụng cho việc vui chơi giải trí, do đó những loại thuốc phiện nhẹ và nặng cũng như rượu được xếp vào đây. Một người Phật tử sẽ cố gắng phát triển phẩm chất cẩn trọng (không phóng dật) trong mọi lúc.
"Không phóng dật, con đường bất tử,
Phóng dật là con đường tử vong:
Không phóng dật, người ta không chết,
Người phóng dật như kẻ chết rồi". (Pháp cú 21)
Giới thứ sáu là theo sự thực hành của các Tỳ-kheo và nhằm vào việc cắt bỏ sự giải đãi có mặt sau một ngày làm việc và một buổi ăn tối no nê, trong khi chắc chắn rằng cơ thể nhẹ nhàng thư thái thì thích hợp cho việc hành thiền. Ở giới này, từ “phi thời” có nghĩa là sau 12 giờ trưa mãi cho đến bình minh của ngày hôm sau. Không nên ăn trong suốt thời gian này. Tuy nhiên, ở đây cần có sự linh động đối với những người ra ngoài làm việc. Nếu ta thấy không yên bởi mõi mệt sau một ngày làm việc khi giữ những giới này thì trà hay cà phê được phép như là những thức uống làm tỉnh táo. Nếu cơn đói là sự quấy rầy thế thì bột ca-cao nên chữa nó. Không có thứ nào trong những đồ ăn thức uống nhẹ này có sữa, mà nó được xem như là thức ăn, mặc dù đường, mật ong và bơ được phép. Nước trái cây ép (không có cơm trái cây) là những thức uống hợp lý khác.
Giới thứ bảy thật sự là một sự kết hợp của hai giới ở trong mười giới của một vị Sa-di và do đó chia làm hai phần: thứ nhất là về “nhảy múa, ca hát, chơi nhạc, đi xem những buổi biểu diễn giải trí”, và thứ hai liên quan đến “mang vòng hoa, xức nước hoa và làm đẹp với mỹ phẩm”. Nửa đầu là nhằm giữ tâm, lời nói và thân thể tránh khỏi tất cả những loại tiêu khiển. Tất nhiên rằng không phải chúng là “tội lỗi”, mà rằng chúng hướng tâm ra ngoài thông qua các căn, sanh khởi ô nhiễm và gây nên những xung đột ở nơi có thể là có yên bình. Vì thế ngày nay, phải gộp vào giới này là radio, ti-vi, nhà hát, rạp chiếu bóng và những sự kiện thể thao. Đây là tất cả những cách thức làm mất sự yên tĩnh. Nửa phần hai của giới này là trực tiếp chống lại sự kiêu căng ngã mạn sanh khởi qua khía cạnh thân thể. Truyền thống ở châu Á là, với những Phật tử giữ những giới này, họ ăn mặc đơn giản bằng vải màu trắng và không có sự trang điểm nào. Điều này là không thể đối với những cư sĩ đi ra ngoài làm việc, nhưng vào những ngày như vậy đồ trang sức có thể để ở nhà, không được sử dụng nước hoa hay mỹ phẩm, cũng không trang điểm mặt mày.
Giới cuối cùng liên quan đến vấn đề ngủ nghỉ. Khi tất cả những sự xa hoa đã được từ bỏ, thì sự xa hoa của một chiếc giường lớn, êm ái nên phải từ bỏ vào đêm này. Ở những quốc gia Phật giáo có thời tiết âm nóng, một chiếc chiếu trải trên sàn nhà là đủ, nhưng ở nơi thời tiết lạnh lơn thì một tấm nệm dày hay một chiếc mền gấp đôi đặt trên sàn nhà có thể được sử dụng. Ở trên một bề mặt cứng cơ thể thật sự buông lõng hơn trên một bề mặt mềm, cũng có ít dục vọng hơn để ngủ sâu hơn. Vào những đêm này, cần nỗ lực hạn chế việc ngủ nghỉ đến mức tối thiểu. Một “chiếc giường lớn” muốn nói chiếc giường mà hai người ngủ. Người Phật tử thực hành những giới này cho một ngày và một đêm luôn ngủ một mình.
Đây là sự tóm tắt việc thực hành ngày Bố-tát. Một vài người có thể nghĩ rằng những giới này quá khó để thực hiện ở nơi một xã hội xa lạ. Những người khác có thể nghĩ chúng dễ tạo nên lo lắng. Nhưng trước bất kỳ sự phán quyết nào về chúng, hãy cố gắng thực hành chúng vào một vài ngày Bố-tát và xem kết quả là gì. Sự nỗ lực được bỏ ra để thực hành Pháp không bao giờ trổ những quả xấu.
Theo truyền thống, ta có thể thực hành tám giới vào ngày trăng tròn, ngay trăng non và hai ngày giữa nửa mỗi tháng. Điều này dành cho người mà họ thật sự nhiệt tâm và những điều kiện xung quanh cho phép họ làm như vậy. Những người khác có thể giữ chúng vào hai ngày Bố-tát – ngày trăng tròn và ngày trăng non. Hay nếu chúng được thọ trì một ngày trong một tháng, thì nó sẽ luôn là vào ngày trăng tròn.
Nếu hoàn toàn không thể thực hiện được vào những ngày như được đề cập, thì ngày Bố-tát có thể được sắp xếp vào những ngày cuối tuần. Như vậy còn tốt hơn là không thực hành gì cả! Nhưng những người tại gia có gia đình có thể thấy rằng điều này sẽ xung khắc với những trách nhiệm gia đình của họ - có thể đối với những thành viên khác ở trong những gia đình mà họ không phải là Phật tử. Đây là điều mà mỗi cá nhân Phật tử tự quyết định cho mình.
Bhikkhu Khantipālo
Nghiệp Đức dịch
Nguồn: Bhikkhu Khantipālo, Lay Buddhist Practice The Shrine Room, Uposatha Day, and Rains Residence, Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka, 2007.