Cách ăn chay của người Kỳ-na

Cũng như Phật giáo, Kỳ-na giáo (Jainism) rất đề cao tinh thần không gây hại (ahimsa) và luôn tôn trọng các loài sống khác. Theo Kỳ-na giáo, không chỉ con người, mà tất cả các loài sống đều có linh hồn (jiva). Do đó người Kỳ-na tránh việc sát sanh với mọi khả năng có thể.

Về việc các tăng sĩ Kỳ-na vào thời kỳ đầu có ăn thịt hay không thì có những tranh cãi. Các học giả Tây phương đã dẫn một vài đoạn trong các bản kinh của Kỳ-na (phái Svetambara) và chứng minh rằng thời kỳ đầu các tăng sĩ Kỳ-na đã ăn thịt; thậm chí còn “cáo buộc” ngài Mahavira, giáo chủ của Kỳ-na giáo, đã từng ăn thịt gà (trống). Nhưng tín đồ Kỳ-na thì phủ nhận điều này, bảo rằng tôn giáo của họ đã “trường chay” từ xưa đến nay, nói như vậy là “đặt điều”.

Chuyện của quá khứ xa lắc xa lơ, cãi nhau biết đến khi mô mới xong.

Việc trong quá khứ các tăng sĩ Kỳ-na có ăn “mặn” hay không thì thật khó biết. Nhưng ngày nay Kỳ-na giáo là tôn giáo chủ trương ăn chay triệt để - ăn chay trở thành điều bắt buộc đối với tất cả tín đồ, xuất gia cũng như tại gia - và cũng có những luật lệ rất nghiêm ngặt dành cho chuyện ăn uống.

Người Kỳ-na ăn chay bởi vì họ tin sâu vào học thuyết nghiệp và tái sinh. Và việc thực hiện triệt để nguyên tắc ahimsa được xem như cách thức tốt nhất để đoạn trừ nghiệp. Người Kỳ-na hiểu nghiệp khác Phật giáo. Nghiệp theo Kỳ-na giáo, là một thể dạng vật chất mà mắt thường không thể nhìn thấy; và một hành động sát hại, dù vô tình hay cố ý, đều tạo nên nghiệp. Phật giáo thì xem một hành động tạo nên nghiệp chỉ khi có sự tác ý. Giữa hai tôn giáo cũng từng có những tranh luận về điều này.

Người Kỳ-na không sử dụng các các loại rau củ như khoai tây, tỏi, hành, cà rốt, củ cải, khoai lang, sắn (khoai mì)… với lý do rằng có nhiều vi khuẩn sống ký sinh ở nơi các loài củ này, và vì vậy khi nhổ lên sẽ làm tổn hại đến đời sống của chúng. Do đó người Kỳ-na chỉ ăn trái cây, rau và ngũ cốc.

Đã ăn chay nghiêm ngặt như vậy, người Kỳ-na còn chủ trương không ăn trước khi mặt trời mọc và sau khi mặt trời lặn. Bởi vì ăn vào ban đêm có thể sẽ đụng “nhầm” các loài sinh linh bé nhỏ, mà chúng vô tình rơi vào trong thức ăn. Luật lệ này được đặt ra từ thời xa xưa, lúc chưa có điện, nhưng ngày này vẫn được các tăng sĩ Kỳ-na tôn trọng thực hành; một số tín đồ tại gia cũng noi theo.

Vì rất tôn trọng nguyên tắc không gây hại, tín đồ Kỳ-na giáo thường chọn những nghề nghiệp không (hoặc ít) làm tổn thương đến các loài sống khác. Và buôn bán là nghề nghiệp thường được chọn lựa. Hiện nay, số lượng tín đồ Kỳ-na thành đạt trong việc kinh doanh rất cao. Và với tinh thần “không sở hữu” mà nó được xem như một “phẩm hạnh”, các tín đồ Kỳ-na đã rất nhiệt tâm trong những công việc thiện nguyện cũng như xây dựng đền chùa của họ.

Nguyên Hiệp