Về tín ngưỡng phụng thờ xá-lợi


Xá-lợi Đức Phật tại Viện bảo tàng Patna, Ấn Độ
Phụng thờ xá-lợi là một trong những thực hành phổ biến, và cũng là một sinh hoạt tín ngưỡng có mặt từ rất sớm trong Phật giáo, có thể chỉ sau tín ngưỡng thờ phụng cây bồ-đề[1]. Khởi xuất từ Ấn Độ, tín ngưỡng này, cùng với việc truyền bá Phật giáo ra nước ngoài, đã có mặt khắp những quốc gia Á châu nơi Phật giáo được truyền đến và trở thành một trong những tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay.
Nếu y cứ vào kinh sách, việc phụng thờ xá-lợi đã được bắt đầu từ sau khi Đức Phật diệt độ. Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Mahāparinibbāna sutta), khi Đức Phật diệt độ tại Kusinārā (Câu-thi-na), nhục thân của Ngài được những người thuộc bộ tộc Mallā hỏa táng tại đây, và xá-lợi còn lại sau khi hỏa táng đã được phân chia cho tám phái đoàn của tám vương quốc và họ đã mang về xây tháp phụng thờ tại xứ sở của họ.

Trong Phật giáo, xá-lợi (śarīra) thường được hiểu là những gì còn lại sau khi thân xác của Đức Phật, Bồ-tát, A-la-hán, hay Thánh tăng được hỏa thiêu. Và với nhiều người, những gì còn lại ở đây không phải là phần tro hay xương cốt, mà là những tinh thể kết thành dạng hạt, mà đôi khi được xem như những hạt ngọc, với những màu sắc khác nhau, như trắng, đen và đỏ. Và hẳn nhiên những tinh thể này rắn hơn xương.
Tuy nhiên, từ xá-lợi (śarīra) – cùng với một từ khác là dhātu, một từ đa nghĩa hơn mà thỉnh thoảng được sử dụng để chỉ cho xá-lợi – trong nghĩa gốc của nó không chỉ cho một dạng tinh thể đặc biệt còn lại sau khi hỏa thiêu mà có nghĩa là “thân thể” hay “những bộ phận cứng của cơ thể (như xương)”, và cũng chỉ cho “thi thể”[2]. Nhưng từ śarīra khi được chuyển dịch sang tiếng Hoa là she-li ( ) và tiếng Nhật là shari, hay phiên âm Hán-Việt là xá-lợi thì thường được hiểu với những nghĩa: thứ nhất là những thành phần kết tinh còn lại sau khi thân xác hỏa thiêu, và thứ đến là chỉ cho nhục thân bất hoại của những vị Thánh tăng, chứ ít ai nghĩ thi thể (dù bất cứ của ai) chưa hỏa thiêu là một śarīra. 
Vấn đề đầu tiên ở đây là thuật ngữ sarīrapūjā được sử dụng trong kinh Đại bát Niết-bàn, mà nó đã tạo nên những cách hiểu khác nhau. Sarīrapūjā là một từ ghép của sarīra và pūjā. Từ sarīra, như đã được đề cập ở trên là chỉ cho “thân thể” hay “thi thể”, còn pūjā là thờ phụng hay thờ cúng. Một số người cho rằng thuật ngữ sarīrapūjā được sử dụng trong kinh Đại bát Niết-bàn là chỉ cho việc phụng cúng nhục thân của Đức Phật sau khi Ngài diệt độ, mà không phải là việc thờ phụng xá-lợi thu được sau khi nhục thân được hoa thiêu. Việc phụng cúng ở đây không chỉ là đnh lễ cúng dường mà bao gồm những nghi thức và việc gì nên làm đối với nhục thân của Như Lai. Tuy nhiên một số người khác cho rằng sarīrapūjā không chỉ là việc phụng cúng nhục thân của Ngài khi chưa hỏa thiêu mà cũng bao gồm việc thờ phụng xá-lợi lưu lại sau khi hỏa thiêu.
Một số học giả, chẳng hạn như Sister Vajira[3] và Rhys Davids đã dịch từ sarīrapūjā là “cung kính đối với những gì còn lại”[4]. Và theo cách dịch này thì có thể hiểu “cung kính đối với những gì còn lại” là cung kính đảnh lễ xá-lợi sau khi nhục thân được hỏa thiêu. Trong khi một vài người khác, như  M. Walshe, dịch từ này là “lo liệu lễ tang”[5]. Trong bản dịch tiếng Việt của HT. Minh Châu, từ này được dịch là “cúng dường thân xá-lợi”: “Tại những chỗ ấy có đại chúng Sát-đế-lợi, có đại chúng Bà-la-môn, có đại chúng gia chủ tin tưởng Như Lai, các vị này sẽ cúng dường thân xá-lợi Như Lai (Tathāgatassa sarīra-pūjaṃ)”. Và ở một nơi khác: “Ðến ngày thứ bảy, dân Mallā ở Kusinārā suy nghĩ: ‘Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá-lợi Thế Tôn (Bhagavato sarīraṃ jhāpessāmāti) với các điệu múa hát, nhạc, tràng hoa, hương, nay chúng ta hãy chở thân xác xá-lợi Thế Tôn ra ngoài thành về phía Nam và làm lễ thiêu thân tại chỗ ấy’"[6]. Tuy nhiên, vào gần cuối bản kinh, đoạn diễn tả việc phân chia xá-lợi, thì sarīrā được dịch là xá-lợi, phần còn lại sau khi hỏa thiêu: “Và người Moriyā ở Pipphalivana nghe tin Thế Tôn đã diệt độ liền gởi một sứ giả đến các người Mallā ở Kusinārā: "Thế Tôn là người Sát-đế-lợi, chúng tôi cũng là người Sát-đế-lợi. Chúng tôi cũng xứng đáng được hưởng một phần xá-lợi Thế Tôn. Chúng tôi cũng sẽ dựng tháp và tổ chức các nghi lễ đối với xá-lợi Thế Tôn". - "Nay không còn phần xá-lợi Thế Tôn nào. Xá-lợi Thế Tôn đã được phân chia, hãy lấy tro còn lại". Rồi các vị này lấy than tro còn lại”[7]. Như vậy, từ sarīrā trong kinh Đại bát Niết-bàn, theo bản dịch của một số người, vừa chỉ cho nhục thân của Đức Phật khi chưa hỏa thiêu, nhưng cũng chỉ cho những gì còn lại sau khi nhục thân của Ngài được hỏa thiêu, và những gì còn lại ở đây hẳn nhiên không phải là phần đã cháy thành tro. Và cung kính phụng thờ (pūjā) sarīra là dành cho cả nhục thân chưa hỏa táng và cả xá-lợi còn lại sau khi hỏa thiêu.
Trong kinh Du hành (Trường A-hàm), bản kinh tương đương với kinh Đại bát Niết-bàn trong Trường bộ, xá-lợi cũng chỉ cho phần di cốt còn lại sau khi hỏa thiêu: “A Nan, ngươi muốn tẩn táng Ta, trước hết lấy nước thơm tắm rửa thân thể; lấy vải bông mới quấn thân thể; dùng năm trăm tấm vải lần lượt quấn vào, đặt thân vào kim quan. Sau khi đã tẩm dầu mè, lại đặt kim quan trong một cái quách thứ hai lớn bằng sắt, bên ngoài là lớp quách bằng gỗ hương chiên-đàn. Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh Thiên”[8]. Và một đoạn khác: “Lúc đó dân Mạt-la nước Ba-bà nghe Phật diệt độ tại song thọ, tự nghĩ: Ta nên đến đó cầu lấy phần xá-lợi về dựng tháp cúng dường tại trong nước’”[9].
Như vậy, từ nghĩa gốc là “thi thể”, sarīra tuỳ theo ngữ cảnh cũng được hiểu là phần còn lại sau khi thi thể được hỏa thiêu. Và trong sự liên hệ đến tín ngưỡng thờ tháp, điều cũng được đề cập đến trong kinh Đại bát Niết-bàn, thì việc cúng “dường thân xá-lợi của Như Lai” không chỉ là đối với nhục thân khi chưa hỏa thiêu, mà cũng bao gồm việc phụng thờ phần còn lại sau khi được hỏa thiêu: “Này Ananda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: ‘Ðây là tháp của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri’. Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ sanh lên thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp”. Cũng cần biết rằng, như đã được đề cập trong kinh Đại bát Niết-bàn, bảo tháp được xây dựng là để thờ phụng xá-lợi Phật. Cũng có lẽ từ đây mà xá-lợi được chia làm hai loại là toàn thân xá-lợi (chỉ cho nhục thân Đức Phật khi chưa hỏa thiêu), và toái thân xá-lợi (xá-lợi được phân ra thờ trong các tháp)[10].
Tuy nhiên trong những trường hợp khác, xá-lợi cũng chỉ cho tất cả những thành phân trên thân thể Đức Phật, cho dù khi Ngài còn sống. Ví dụ, sau khi Đức Phật thành đạo ở Bodhgaya, có hai vị thương nhân tên là Trapusha và Bhallika đã tìm đến đảnh lễ và cúng dường thực phẩm cho Ngài, rồi nhận một ít tóc của Ngài và đem về xây tháp phụng thờ tại xứ sở của họ. Những sợi tóc này được xem là xá-lợi tóc. Bên cạnh, những kinh điển được Đức Phật thuyết giảng cũng được gọi là xá-lợi (Pháp thân xá-lợi/ Dharma sarīra). Và đôi khi śarīra cũng được hiểu là những vật mà Đức Phật đã sử dụng và được truyền lưu lại.
Về sau, bởi vì giáo pháp của Đức Phật cũng được xem là xá-lợi, và kinh sách được xem và Pháp bảo và cũng được đồng nhất với Phật, việc tôn trí và phụng thờ kinh sách trở nên phổ biến và được xem như là phụng thờ Phật. Và trong một số trường hợp, tháp được xây dựng để tôn trí kinh sách mà không cần phải tôn trí những gì khác, bởi vì trong tháp ấy đã có “toàn thân Như Lai”: “Dược Vương, bất cứ chỗ nào có diễn giảng, có đọc tụng, có sao chép đối với kinh Pháp hoa, có đặt để cuốn kinh ấy, thì những chỗ như vậy nên xây dựng ngôi tháp bằng bảy chất liệu quý báu rất cao, rộng và đẹp, mà không cần tôn trí xá-lợi vào trong ngôi tháp ấy, vì trong ngôi tháp ấy đã có toàn thân của Như Lai. Ngôi tháp ấy nên đem các loại hoa, vòng hoa, hương liệu, lọng dù, tràng phan, kịch nhạc và thi ca mà hiến cúng, cung kính, tôn trọng và tán dương. Ai thấy ngôi tháp ấy mà biết lễ bái hiến cúng, thì người này phải được coi là đến gần tuệ giác vô thượng”[11].
Và khi kinh sách được xem là Pháp thân xá-lợi, và cũng được xem như pháp thân (dharmakāya), xá-lợi của Phật đôi khi lại được đồng nhất với ứng hóa thân (nirmāṇakāya), một trong ba thân Phật (Buddhakāya): pháp thân (dharmakāya), báo thân (saṃbhogakāya) và ứng hóa thân (nirmāṇakāya). Trong giáo lý Tam thân Phật, ứng hóa thân là chỉ cho thân Phật xuất hiện ở thế gian này, và ứng hóa thân đó là sự biểu hiện của báo thân. Xá-lợi của Phật như vậy là một biểu tượng của cả báo thân và ứng hóa thân Phật.
Phụng thờ xá-lợi dành cho ai?
Xá-lợi thường được xem là kết quả của việc tu tập, vì vậy không phải ai cũng có thể để lại xá-lợi mà chỉ những người có những công phu nhất định trong tu tập mới có thể để lại xá-lợi. Chính vì vậy nên để có được xá-lợi là điều không phải dễ, như kinh Kim quang minh nói: “Xá-lợi này được xông bởi vô lượng hương liệu giới định tuệ, là ruộng phước tối thượng, cực kỳ khó gặp”[12].
Như vậy, xá-lợi được xem như là kết quả của việc tu chứng, hay ít nhất là việc phát triển giới-định-tuệ đến một mức độ cao. Bên cạnh, việc để lại xá-lợi cũng để xác tín cho một vấn đề nào đó, như thể hiện ước nguyện cao thượng hay sự đúng đắn trong công việc của mình. Ví dụ, ngài Cưu Ma La Thập (Kumārajīva) đã để lại cái lưỡi sau khi thân xác ngài được hỏa thiêu, để chứng minh rằng những dịch phẩm của ngài là chính xác. Và chính vì xá-lợi được coi là kết tinh của giới-định-tuệ, hay sự thành tựu trong tu tập, hay thể hiện sự cao cả và đúng đắn trong công việc của mình, việc phụng thờ xá-lợi được xem là đem lại phước đức lớn cho người tôn kính cúng dường. Và nếu đó là xá-lợi của Đức Phật thì việc phụng thờ càng trở nên có ý nghĩa và thiêng liêng hơn.
Tuy nhiên, lại có những tranh cãi về việc phụng thờ xá-lợi Đức Phật, rằng có phải tín ngưỡng này là dành cho tất cả những người đệ tử Phật nói chung, hay chỉ dành cho giới tại gia, còn xuất gia thì không. Điều này có liên quan đến lời giáo huấn của Đức Phật ở trong kinh Đại bát Niết-bàn, khi Ngài trả lời Tôn giả Ananda về những gì cần phải làm đối với nhục thân của Ngài sau khi Ngài diệt độ: “Này Ananda, các ngươi đừng có lo lắng vấn đề cung kính thân xá-lợi của Như Lai. Này Ananda, các người hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ, sống không phóng dật, cần mẫn, chuyên hướng về tự độ. Này Ananda, có những học giả Sát-đế-lợi, những học giả Bà-la-môn, những học giả gia chủ thâm tín Như Lai, những vị này sẽ lo cho sự cung kính cúng dường thân xá-lợi của Như Lai”.
Nếu đặt đoạn văn vào trong ngữ cảnh của kinh Đại bát Niết-bàn, thì Đức Phật dường như dạy Tôn giả Ananda rằng việc sắp xếp tang lễ và “cung kính cúng dường thân xá-lợi của Như Lai” khi Ngài vừa diệt độ hãy để cho những người cư sĩ tại gia lo liệu. Chính điều này mà sau khi Ngài diệt độ Tôn giả Ananda đã đến gặp những người Mallā và nói với họ rằng: “Này Vāsetthā, Thế Tôn đã diệt độ, hãy làm những gì các ngươi nghĩ phải làm". Và những người Mallā sau đó đã “đem theo hương, tràng hoa, tất cả nhạc khí và năm trăm cuộn vải đi đến Upavattana, tại rừng Sālā của dòng họ Mallā, đến tại chỗ thân xá-lợi của Thế Tôn, rồi chúng ở lại cả ngày tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá-lợi Thế Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương, làm những bảo cái bằng vải và tràng hoa Mandala”. Và sau bảy ngày họ đã khiêng thân xá-lợi của Phật ra khỏi thành Kusinārā từ hướng Bắc, sau đó đi qua trung tâm kinh thành rồi đến hướng Đông của thành. Ở đó họ “dựng lên một giàn hỏa gồm mọi loại hương và đặt thân Thế Tôn trên giàn hỏa”.
Trong kinh Đại Thiện Kiến vương, khi Đức Phật thông báo rằng Ngài sẽ nhập Niết-bàn tại Kusinārā thì Tôn giả Ananda bạch rằng: “Bạch thế Tôn, Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị nhỏ bé này, tại đô thị hoang vu này, tại đô thị phụ thuộc này. Bạch Thế Tôn, có những đô thị khác to lớn hơn như Campā (Chiêm-bà), Rājagahā (Vương-xá) Sāvatthi (Xá-vệ), Sāketa (Sa-kỳ), Kosambi (Kiêu-thưởng-di), Bārānasi (Ba-la-nại). Thế Tôn hãy diệt độ tại những chỗ ấy. Tại những chỗ ấy có đại chúng Sát-đế-lợi, có đại chúng Bà-la-môn, có đại chúng gia chủ tin tưởng Như Lai, các vị này sẽ cúng dường thân xá-lợi Như Lai”[13]. Điều này cũng cho thấy, việc phụng cúng thân xá-lợi của Đức Phật là công việc dành cho giới cư sĩ.
Nhưng các đoạn kinh trích dẫn trên vẫn không nói đến việc phụng thờ xá-lợi như là phần kết tinh còn lại sau khi nhục thân được hỏa thiêu là dành cho ai. Tuy nhiên ở cuối bản kinh ta thấy rằng, việc phân chia xá-lợi cho đến xây tháp phụng thờ đều do hàng cư sĩ thực hiện. Thêm nữa, cho dù đặt vào trong ngữ cảnh của kinh Đại bát Niết-bàn và kinh Đại Thiện Kiến vương, hay cả ra khỏi ngữ cảnh đó, đối với người xuất gia, việc thờ phụng xá-lợi của Phật hay thờ phụng bất cứ điều gì dường như không phải là điều được Đức Phật khuyến khích. Thay vì vậy, điều mà Ngài luôn khuyên khích là “hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ, sống không phóng dật, cần mẫn chuyên hướng về tự độ”. Ngay cả việc có thái độ quá yêu mến hảo tướng của Ngài, hay việc tưởng nhớ đến Ngài qua thân tướng, cũng là điều Đức Phật phê bình. Trong kinh Tương ưng, có đề cập đến trường hợp Đức Phật đã không đồng tình với việc một thầy Tỳ-kheo đã quá coi trọng đến việc chiêm ngưỡng thân Phật. Khi nghe Tôn giả Vakkali nói rằng thầy hối hận do vì bị trọng bệnh nên đã từ lâu “không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn”, Đức Phật nói rằng: “Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp, là thấy Ta. Ðang thấy Ta, là thấy Pháp”[14]. Xa hơn nữa, theo kinh Kim cang thì: Nếu tìm Phật qua sắc tướng, nếu tìm Phật qua âm thanh, thì người như vậy đang đi sai đường, không thể thấy được Phật. (Nhược dĩ sắc kiến ngã/ Dĩ âm thanh cầu ngã/ Thị nhân hành tà đạo/ Bất đắc kiến Như Lai).
Cây bồ-đề, bảo tháp, xá-lợi, ảnh tượng, hay y bát của Đức Phật là những biểu tượng gợi cho người đệ tử nhớ lại Đức Phật lịch sử của mình, từ đó phát khởi tín tâm, tin vào lời dạy của Ngài và thực hiện theo chúng, và nhờ đó họ có thể có được những lợi ích trong đời sống hiện tại và tương lai. Phước báu có được để sanh thiên, theo như trong kinh Đại bát Niết-bàn, là nhờ vào tín tâm và lòng hoan hỷ. Tuy nhiên, dù trong kinh Đại bát Niết-bàn không đề cập, nhưng một người để được sanh thiên, họ không chỉ có tín tâm và hoan hỷ, mà còn phải thực hành nhiều pháp khác, chẳng hạn như giữ năm giới, bố thí, thực hành bốn tâm vô lượng… Nhưng để thực hành những pháp này, trước hết họ phải có tín tâm đối với Đức Phật và vào giáo pháp của Ngài. Điều này sẽ rõ hơn qua trả lời của Tỳ-kheo Na Tiên (Nagasena) khi vua Mi Lan Da (Milinda) đặt nghi vấn về việc cúng dường xá-lợi, kim thân Phật, cây bồ-đề có mang lại phước báo hay lợi ích gì không: “Tâu đại vương! Những người cận sự nam nữ họ đều cung kính, lễ bái, cúng dường xá-lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật...; mặc dầu biết rằng Đức Phật đã nhập diệt, ngài không có thỏa thích hoan hỷ gì trong những lễ phẩm ấy; nhưng nhờ vậy, họ tưởng nhớ đến Đức Thế Tôn, tưởng nhớ đến những pháp lớn, pháp nhỏ mà Đức Thế Tôn đã từng dạy bảo để tu tập. Nếu như sự tu tập ấy được kiên trì, với nhiếp tâm, với tinh cần thì họ có thể được thiện sanh làm người, làm trời, cao hơn là chứng đắc bốn đạo quả và Niết-bàn”[15].
Tuy nhiên, về sau khi xá-lợi được đồng nhất với Pháp thân Phật, việc phụng thờ xá-lợi đã không còn chỉ như một tín ngưỡng trong việc phát khởi hoan hỷ hay niềm tin và mang lại phước đức, mà ở đây còn mang ý nghĩa khác. Trong kinh Dục Phật công đức, việc cúng dường xá-lợi Phật cũng đồng nghĩa với việc cúng dường Tam thân Phật. Một người khi lễ bái xá-lợi của Đức Phật, họ không chỉ lễ bái di cốt còn lại của Đức Phật lịch sử, mà cùng lúc lễ bái ba thân của Ngài: “Này thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn có đủ ba thân. Đó là pháp thân, thọ dụng thân (báo thân) và hóa thân. Sau khi Ta nhập Niết-bàn, nếu muốn cúng dường ba thân này thì nên cúng dường xá-lợi (của Ta). Song, (xá-lợi) có hai loại: thứ nhất là thân cốt xá-lợi và thứ hai là pháp tụng xá-lợi”[16].
Bản kinh này cũng cho rằng, người đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia, dù xây một cái tháp nhỏ và tôn trí với chỉ rất ít xá-lợi hay những câu pháp kệ vào trong đó, rồi cúng dường, đãnh lễ ngôi tháp đó với sự chí thành cung kính thì công đức vẫn vô lượng, không khác gì việc cúng dường Đức Phật lúc còn tại thế.
Việc phụng thờ xá-lợi hay phụng thờ tháp, dù là chỉ dành cho giới cư sĩ hay dành cho tất cả những người đệ tử Phật nói chung, thì đây không phải là một thực hành cốt yếu của Phật giáo. Sự phụng thờ và kính lễ xá-lợi là để tạo nên sự tin kính nơi những người đệ tử đối với đấng đạo sư của mình, tạo nhân duyên cho việc học tập và thực hành theo lời dạy của Ngài. Đối với Đức Phật, việc cúng dường cao quý nhất đến Ngài là học và hành theo lời dạy của Ngài. Chính Đức Phật cũng dạy trong kinh Đại bát Niết-bàn rằng, chính việc tu tập theo lời dạy của Ngài mới là sự cúng dường tối thượng: “Này Ananda, các cây sālā song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandārava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai. Nhưng, này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ananda, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy”.
Thích Nguyên Hiệp





[1] Trong chuyện tiền thân Kalinga-Bodhi (Kalingabodhi Jātaka, số 479) có đề cập đến trường hợp rằng, trong một lần Đức Thế Tôn đi du hóa, dân chúng đến tịnh xá Kỳ Viên nhưng không gặp được Ngài nên đã đặt những vòng hoa trước hương thất của Ngài để tỏ lòng kính ngưỡng. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy vậy thì thỉnh Tôn giả Ananda bạch với Phật rằng có nơi nào khác trong tinh xá để dân chúng có thể dâng hoa đãnh lễ mỗi khi Đức Thế Tôn đi vắng không. Từ nhân duyên này, Tôn giả Ananda đã bạch hỏi Đức Phật rằng có bao nhiêu loại tháp thờ Đức Phật trả lời rằng có ba loại: tháp thờ xá-lợi Phật (sarīrika-cetiyam), tháp thờ những vật được sử dụng hay mang mặc (uddesika-cetiyam) (như y bát của Đức Phật), và tháp thờ vật tưởng niệm (pāribhogika-cetiyam). Và Đức Phật cũng nói thêm với Tôn giả Ananda rằng không thể xây một bảo tháp thờ kim thân Phật khi một Đức Phật còn tại thế, mà chỉ có thể xây một bảo tháp thờ kim thân một Đức Phật khi Ngài đã diệt độ. Bảo tháp thờ các vật tưởng niệm cũng không đúng vì sự nối kết chỉ dựa vào sự tưởng tượng. Và Ngài nói thêm rằng chỉ nên sử dụng cây Đại bồ-đề làm nơi chiêm bái cho dù chư Phật còn tại thế hay diệt độ, vì nó đã được chư Phật sử dụng. Tôn giả Ananda nhân đó xin phép Đức Phật cho lấy một hạt giống từ cây Đại bồ-đề ở Bodhagaya đem về trồng ở tịnh xá Kỳ Viên. Cây bồ-đề này được gọi là cây Bồ-đề Ananda. Và việc thực hành đảnh lễ cây bồ-đề cũng bắt đầu từ đó.

[2] A. Monier – Williams, A Sanskrit English Dictionary, tr.1057.


[3] Sister Vajira, Last days of the Buddha, Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka.


[4] Trong Dialogues of the Buddha (trong Sacred of the Buddhists), T.W và C.A.F. Rhys Davids dịch: “There there are many wealthy nobles and brahmins and heads of houses, believers in the Tathāgata, who will pay due honour to the remains of the Tathagata.' tr.199. (Pāli: Ettha bahū khattiyamahāsālā brāhmaṇamahāsālā, gahapatimahāsālā Tathāgate abhippasannā, te Tathāgatassa sarīra-pūjaṃ karisantīti).


[5]. Trong The long discourses of the Buddha (A translation of the Dīgha Nikāya), tr.279, M. Walshe dịch: “In those places, there are wealthy Khattiyas, Brahmins, and householders who devoted to the Tathagāta and they will provide for the Tathagāta’s funeral in proper style”. Tuy nhiên, ở một nơi khác, M.Walshe đã dịch sarīra là “remain” khi từ này được dùng ở số nhiều (sarīre): “Lord, what shall we do with Tathāgata’s remains” (Pāli: Kathaṃ mayaṃ bhante Tathāgatassa sarīre patipajjāmāti?). Hẳn nhiên là trong ngữ cảnh này thì sarīre sẽ là hợp lý khi được hiểu là những gì còn lại sau khi hỏa thiêu, bởi vì không thể có nhiều lễ tang hay thi thể thuộc về Như Lai trong trường hợp này. Tuy vậy, theo một số người thì sarīre trong trường hợp này không phải là một danh từ số nhiều mà là một từ số ít với biến cách có nghĩa là “với” hay “liên quan đến”, tức là liên quan đến “sarīra” của Như Lai.


[6] Trường bộ, kinh Đại Bát Niết-bàn, HT.Minh Châu dịch.


[7] Ở đoạn kinh này, Rhys Davids dịch sarīrā là “relics”: “We are worthy to receive a portion of the relics of the Exalted One”; trong khi M.Walshe dịch là “remains”: “We are worthy to receive a portion of the Lord’s remains…”.


[8] Kinh Du hành, Trường A-hàm, TT. Tuệ Sỹ dịch.


[9] Kinh Du hành, Trường A-hàm, TT. Tuệ Sỹ dịch.


[10] Trong kinh Pháp hoa, Toàn thân xá-lợi vừa chỉ cho toàn thân Đức Phật (Đa Bảo) ở trong bảo tháp, nhưng toàn thân xá-lợi cũng được đồng nhất với Pháp thân. Về sau, toàn thân xá-lợi cũng chỉ cho nhục thân của các vị Cao tăng (thường ở tư thế kiết già) đã không bi hủy hoại trong một thời gian dài sau khi thị tịch.


[11] Kinh Pháp hoa, phẩm Người diễn giảng Pháp hoa, HT.Trí Quang dịch.


[12] Kinh Kim quang minh, HT.Trí Quang dịch.


[13] Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến vương (Mahāsudassana sutta), HT.Minh Châu dịch.


[14] Tương ưng, tập 3, chương 1, phẩm Trưởng lão, HT.Minh Châu dịch.


[15] Mi Tiên vấn đáp (Milinda panha), HT.Giới Nghiêm dịch.


[16] , T6, No. 698, , 0800a06-0800a16.